Một số nước Arab bao gồm Saudi Arabia và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này làm mất ổn định khu vực. Các nước trên nói rằng Qatar ủng hộ các nhóm chiến binh bao gồm Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda, điều mà Qatar phủ nhận.
Cơ quan thông tấn của Saudi Arabia cho biết Riyadh đã đóng cửa biên giới, chia cắt vùng nội địa, biển và không phận kết nối với bán đảo nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ Qatar.
Động thái chưa từng có tiền lệ này được coi là sự chia rẽ lớn giữa các quốc gia Vùng Vịnh hùng mạnh, những nước đồng minh thân cận của Mỹ. Việc cắt đứt quan hệ xảy ra bất ngờ nhưng không phải là ngẫu nhiên.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (giữa) được cho là từng đưa ra bình luận ca ngợi Iran khiến Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập chặn các trang thông tin của Qatar. Ảnh: Getty. |
Nhìn chung, hai nhân tố chủ chốt đã thúc đẩy quyết định hôm 6/5 là mối quan hệ của Qatar với các nhóm Hồi giáo và vai trò của Iran, kình địch trong khu vực của Saudi Arabia.
Dù tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Mỹ, Qatar vẫn bị các lãnh đạo Hồi giáo Shia ở Iraq cáo buộc hỗ trợ tài chính cho IS, điều mà chính phủ Qatar nhiều lần bác bỏ.
Cáo buộc tài trợ khủng bố
Căng thẳng đã kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt trong những tuần gần đây. Hai tuần trước, Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chặn các trang tin tức Qatar, bao gồm cả Al Jazeera, vì những bình luận của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani.
Trên trang tin chính thức của nhà nước, quốc vương Qatar đã ca ngợi Iran và chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tehran. Tuy nhiên, Qatar tuyên bố trang web này đã bị “tấn công” và bài viết trên đã bị giả mạo.
Năm 2014, Saudi Arabia, Bahrain và UAE từng rút đại sứ từ Qatar trong vài tháng để phản đối Qatar can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này.
7 nước gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và Maldives tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar hôm 5/6, cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố. Đồ họa: DW. |
Những người giàu có ở tiểu vương quốc này được cho là đã đóng góp cho các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria trong khi chính phủ quyên tiền và vũ khí. Qatar cũng bị cáo buộc có liên hệ với một nhóm từng được gọi là Mặt trận Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda.
Tuyên bố của hãng thông tấn Saudi Arabia cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm này cũng như Tổ chức Anh em Hồi giáo bị các nước Vùng Vịnh liệt vào tổ chức khủng bố, đồng thời “thúc đẩy liên tục thông điệp và âm mưu của các nhóm này thông qua các phương tiện truyền thông”.
Theo Economist, Qatar là nhà tài trợ và sở hữu Al Jazeera, kênh truyền thông cho những người Arab bất đồng chính kiến ở khắp nơi, trừ Qatar. Kênh truyền thông này đã góp phần thổi bùng ngọn lửa cách mạng và cuộc nổi dậy có vũ trang trong phong trào Mùa xuân Arab.
Bất hòa với các nước láng giềng
Qatar là 1 trong 3 quốc gia của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vẫn duy trì quan hệ thân thiết với Iran (Kuwait và Oman là 2 nước còn lại). Để chống lại ảnh hưởng của Saudi Arabia, Qatar thường tìm đến sự bảo vệ của nước ngoài, trong đó có Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Qatar là nơi đặt al-Udeid, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Qatar từ lâu đã coi căn cứ nằm trên con đường tới biên giới Saudi Arabia là cách phòng thủ tốt nhất chống lại cuộc xâm lược bằng đường bộ.
Tuy nhiên, nhiều người Qatar giờ đây lo sợ nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump sẽ thiên về việc cổ vũ Saudi Arabia hơn là đóng vai trò trọng tài của khu vực.
Người dân Qatar đổ xô đến các siêu thị sau khi có thông tin biên giới đất liền duy nhất của nước này đang đóng cửa. Ảnh: Shalom Pinto. |
Trong chuyến viếng thăm Riyadh cách đây 2 tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nước Hồi giáo đi đầu trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và đổ lỗi cho Iran về sự bất ổn ở Trung Đông.
Saudi Arabia và Iran đối đầu ở một số vấn đề khu vực, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran và ảnh hưởng ngày càng tăng của Tehran, đặc biệt là ở Syria, Lebanon và Yemen, điều khiến Saudi Arabia lo ngại.
“Có hai giả thuyết nổi trội. Một là Saudi Arabia cảm thấy được khuyến khích sau chuyến thăm của ông Donald Trump và chính quyền của ông Trump đã có lập trường mạnh mẽ về Iran, quốc gia được Qatar ủng hộ”, Gayle Tzemach Lemmon, thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nói về nguồn gốc của cuộc tẩy chay.
“Giả thuyết còn lại là sau thời gian căng thẳng, đây là kết quả của giọt nước làm tràn ly với câu chuyện trang tin của Qatar bị tin tặc tấn công”, ông Lemmon bình luận trên CNN.
Tình trạng bất hòa giữa Qatar và các nước láng giềng vốn đã âm ỉ từ lâu khi Qatar thường tỏ ra tách biệt. Chẳng hạn, nước này có xu hướng đứng về phía các lực lượng Hồi giáo ở Trung Đông như Tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào bị Saudi Arabia và các lãnh đạo hiện tại ở Ai Cập chỉ trích.
Những nỗ lực trong quá khứ của các quốc gia lân cận nhằm “đồng hóa” Qatar thường đem lại tác động hạn chế.
Được cổ vũ bởi chuyến thăm của Tổng thống Trump cách đây 2 tuần, Saudi Arabia và UAE tin rằng đây là thời điểm thích hợp để làm rõ với Qatar rằng quan điểm khác biệt của họ sẽ không còn được dung thứ.
Bộ Ngoại giao của Qatar đã tỏ thái độ "hối tiếc sâu sắc" khi bị cắt đứt quan hệ. Khi căng thẳng xảy ra trong những ngày qua, họ đã trục xuất các thành viên cao cấp thuộc chi nhánh Palestine của Tổ chức Anh em Hồi giáo, Hamas và hồi hương một người bất đồng chính kiến bị truy nã ở Saudi Arabia.
Mặc dù vậy, những nỗ lực này cũng chưa thể giúp họ sớm thoát khỏi tình trạng bị cô lập.