Phản ứng trước việc một số quốc gia Arab tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar hôm 5/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng lợi ích của Nga là duy trì tình trạng "ổn định và hòa bình" tại Vùng Vịnh.
Arab News dẫn lời ông Peskov nói Nga hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến "quyết tâm chung" trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đối thoại và cho biết sẵn sàng hỗ trợ xoa dịu căng thẳng. "Đây là một diễn biến làm buồn lòng tất cả chúng ta", Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói. Ankara gắn bó với Qatar trong vấn đề năng lượng nhưng vẫn duy trì quan hệ tốt với các nước khác tại Vùng Vịnh.
"Đây có thể là vấn đề giữa các nước đó nhưng dù sao giải pháp đối thoại phải luôn được đề cao trong mọi tình huống", ông Cavusoglu cho biết. "Chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để giúp tình hình trở lại bình thường".
Thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: Getty. |
Ấn Độ cũng cho rằng đây là vấn đề nội bộ giữa các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và New Delhi không bị ảnh hưởng bởi vụ việc.
"Không có thách thức nào đối với chúng tôi. Đây là vấn đề nội bộ của GCC", Ngoại trưởng Sushma Swaraj trả lời các phóng viên. "Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là về người Ấn Độ ở đó. Chúng tôi đang cố gắng xác định liệu có công dân nào mắc kẹt ở đó không".
Trong khi đó, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cho rằng bất đồng giữa Saudi Arabia và Qatar là hệ quả từ chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông. Theo ông Alaeddin Boroujerdi, chủ tịch Ủy ban về An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của quốc hội Iran, việc Mỹ và Saudi Arabia ký thỏa thuận mua bán vũ khí lớn là nguyên nhân.
"Chúng ta có thể còn chứng kiến nhiều vụ việc tiêu cực hơn tại khu vực", ông Boroujerdi cho biết, đồng thời cáo buộc Washington khiến các nước Hồi giáo mâu thuẫn. "Sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, không thể là giải pháp cho các vấn đề khu vực".
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani hồi tháng 5 tại Saudi Arabia. Ảnh: AFP. |
Trước đó, căng thẳng mới được cho là có thể khiến Washington khó xử khi Hạm đội 5 nước này đang đồn trú tại Qatar trong khi UAE lại cung cấp các căn cứ không quân cho Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ hôm 5/6 đã khẳng định các chuyến bay của Mỹ từ căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ việc, đồng thời ca ngợi Doha đã góp phần gìn giữ an ninh khu vực.
"Mỹ và liên minh (do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) rất biết ơn Qatar vì sự ủng hộ lâu dài của họ với sự hiện diện của chúng tôi cũng như cam kết lâu dài của họ với an ninh khu vực", Reuters dẫn lời Trung tá Damien Pickart, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Không quân Trung ương Mỹ (USAFCENT).
Hôm 5/6, 7 nước bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và Maldives, tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Saudi Arabia, UAE và Bahrain đặt ra thời hạn 14 ngày để công dân Qatar về nước, riêng Saudi Arabia chỉ cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để về nước.