Trong cuốn Kiếp người, nhà văn Ngọc Giao - từng làm thư ký tòa soạn cho Tiểu thuyết thứ bảy - đã kể lại đôi nét về nghiệp cầm bút cũng như ước nguyện cuối đời của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1911-1939).
Ngọc Giao cho biết ông gặp tác giả tiểu thuyết Số đỏ lần đầu tại tòa soạn báo Loa của Côn Sinh và Tam Lang ở đường Gia Long xưa, nay là Bà Triệu. Hôm đó, Ngọc Giao tới đưa bản thảo truyện ngắn Đời tư Lã Bố, còn Vũ Trọng Phụng tới đưa bản thảo tập phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây.
Ông viết: “Khi đó Tam Lang đang thích thú cái 'tít' hài hước của truyện thì bỗng thấy một anh chàng nhỏ nhắn, gày gò, đầu đội khăn xếp, mặc áo the đen, xuất hiện. Đó là Vũ Trọng Phụng. Và tôi thực sự sửng sốt trước cái nhan đề tập phóng sự mà họ Vũ đưa ra”.
Sách Kiếp người. Ảnh: Ngọc Hân. |
Cánh đại bàng vượt Thái Sơn, Nam Hải
Theo Ngọc Giao, tác giả Số đỏ là người rất hiền lành (không giống như văn). Ông không bao giờ quát tháo to tiếng, nói bậy. Câu khiển trách nặng nề nhất của ông chỉ là “Cậu xoàng lắm”.
Vũ Trọng Phụng rất thích đàn nguyệt. Giữa đám đông, bao giờ ông cũng ngồi im một góc, gẩy “vọng cổ hoài lang”. Thỉnh thoảng giữa nhóm bạn văn có nổ ra một cuộc tranh cãi về một tác phẩm, một nhà văn nhà thơ, hoặc một học thuyết nào đó, nhà văn họ Vũ cũng nổi hăng đập bàn xô ghế, bảo vệ bằng thắng ý kiến của mình. Xong lại rút vào một góc ôm đầu.
Một đặc điểm đáng chú ý nữa ở Vũ Trọng Phụng theo Ngọc Giao là ông chưa bao giờ cười thành tiếng, mà chỉ đôi khi nhếch mép. “Nhưng nụ cười ấy không khiến người ta liên tưởng tới một bụng dạ thâm hiểm mà chỉ nói lên một tâm hồn u uẩn, châm biếm, đến độ nạn nhân có thể chết luôn”, Ngọc Giao viết.
Vũ Trọng Phụng bước vào làng văn bằng truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường. Hồi đó, ông rất nghèo, chưa vợ, chưa bệnh. Tiếp đó, ông thử sức mình với kịch phẩm Không một tiếng vang nhưng không thành công.
Sau khi thôi thí nghiệm kịch trường, Vũ Trọng Phụng rẽ sang tiểu thuyết và phóng sự. Và ở địa hạt này, ông đã khẳng định tài năng siêu hạng của mình. Ngọc Giao viết “Từ lấy nhau vì tình lâm li lãng mạn đến tác phẩm sau cùng Trúng số độc đắc (riêng tôi cho là chua cay, châm biếm, sâu sắc nhất”, cây bút Vũ Trọng Phụng quả đã là cánh đại bàng vượt Thái Sơn, Nam Hải”.
Kể về những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngọc Giao cho biết ông và bạn bè đều rất lạ vì họ Vũ không hề biết người đàn bà nào ngoài vợ mà lại viết những Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Lục xì… Sau ông mới biết cách đi thực tế của nhà văn họ Vũ.
Thấy Vũ Trọng Phụng viết về đề tài đĩ điếm, Ngọc Giao bảo Vũ: “Ở Hà Nội chỉ có mấy ổ lầu xanh ở Hàng Mành, ngõ Hàng Hương, Cống Đục, Đường Thành, Cống Chéo, Hàng Lược. Còn me Tây phải tìm họ ở Sơn Tây, Đáp Cầu, Tông (ở đấy có nhiều trại lính lê dương đóng”. Thế là Vũ lặn lội đến những sào huyệt đó. Đi luôn mấy hôm, trở về viết, hoàn thành bản thảo.
Ngọc Giao cũng cho hay, để viết Cơm thầy cơm cô, Vũ Trọng Phụng đã ăn mặc như một người làm công bình thường, ra ngồi ở máy nước công cộng Hàng Da. Đó là nơi những “con sen”, “thằng nhỏ” tập trung để lấy nước. Và ông biết được những thói hư tật xấu của những ông chủ, bà chủ qua những câu chuyện mỉa mai, phê phán của đám người ở đấy.
Minh họa Cạm bẫy người trên nền tảng sách nói Voiz. |
Khi viết Lục xì, Vũ Trọng Phụng tìm được viên đội Tây người Coóc (Corse) tên là Mác, trùm “đội con gái” chuyên bắt loại gái “ăn sương”, không có giấy “lục xì” (giấy của cơ quan y tế chuyên khám cho phụ nữ làm nghề mại dâm). Viên đội này đã dẫn ông vào nhà dispensaire (chữa bệnh cho gái lầu xanh). Và nhờ đội Mác, ông biết được số phận của những cô gái "ăn sương" hồi ấy.
Cũng vì những chuyến “thám hiểm” như thế mà khi viết Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng đã suýt chết. Theo Ngọc Giao, nhà văn họ Vũ là người không biết đánh bạc, đến đánh tam cúc với vợ con vui ngày Tết, ông cũng không cầm đến bài. Thế mà ông lại dám liều mình đâm đầu vào các sòng bạc của Cả Vê, Hai Mơ, Ba Sinh là ba tên cầm đầu các sòng bạc ở Hà Nội thời bấy giờ.
Đi theo một con bạc, Vũ Trọng Phụng la cà trong các sòng bạc, xem đánh xóc đĩa, thầm hỏi han, quan sát cặn kẽ các tay chơi. Và ông đã “lật tẩy” tất cả mánh khóe cạm bẫy, lột túi giết người của bọn chủ sòng ác ôn trên mặt giấy. Chúng đã đe dọa giết tác giả Cạm bẫy người. May cho nhà văn họ Vũ là bọn chủ sòng bạc ấy còn biết sợ nhà tù, nên chúng đã phải lờ chuyện này đi.
Mong được gối bản thảo khi chết
Dù làm việc chăm chỉ như một cậu học trò nghèo ngày đêm thanh toán nợ văn chương, gia cảnh nhà Vũ Trọng Phụng vẫn luôn túng thiếu, đến nỗi Ngọc Giao phải nói với nhà in Tân Dân cho ông sửa morat lấy thêm món tiền nhỏ sinh sống, thuốc thang.
Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là "ông vua phóng sự" đất Bắc. Ảnh: Nhà văn TP.HCM. |
Những năm sau đó Vũ Trọng Phụng ngã bệnh, người rất yếu đuối nhưng ông vẫn viết, nhiều khi nằm viết, viết trong cơn đói, giữa cơn ho, cơn sốt.
Khi biết mình sắp chết, Vũ Trọng Phụng nói Ngọc Giao đưa ông đến nhà in Tân Dân để xin vài tờ bản thảo Trúng số độc đắc. Hồi đó bản thảo đưa đi in đều là bản viết tay, thợ sắp chữ xong là vứt vào sọt rác, đốt đi ngay. Vũ Trọng Phụng run tay lục tìm, chọn mấy tờ bản thảo lem luốc dấu tay dầu mỡ của người thợ sắp chữ, cẩn thận bỏ vào túi.
Xuống đường, ông nói: “Giao ạ, khi tôi chết, người nhà, khi liệm sẽ đặt đầu mình lên hòn gạch theo thường lệ. Cậu hãy lót mấy tờ bản thảo này lên hòn gạch cho mình gối lên…”.
Năm đó, Vũ Trọng Phụng mới 27 tuổi. Ông mất ở Cầu Mới. Ngọc Giao đã đến và làm theo lời trăn trối của ông.
Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Huy Giao (1911-1997). Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn cho Tiểu thuyết thứ Bảy (rồi sau làm thư ký tòa soạn cho báo này). Ông cũng cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân trong việc in ấn các loại sách báo: Tiểu thuyết thứ Bảy, Những tác phẩm hay, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn, Truyền bá. Cuốn Kiếp người là bản tổng kết chính cuộc đời và nghiệp văn bút của ông.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng