Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vũ Trọng Phụng thương con nhỏ không có đèn con cá

Vũ Trọng Phụng kể xung quanh hàng phố, tất cả con trẻ nhà người ta đều có đèn chơi Trung thu. Chỉ con mình là không có.

Trong tác phẩm Văn thi sĩ tiền chiến, nhà văn Nguyễn Vỹ đã kể lại những kỷ niệm sâu đậm giữa ông và nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Nguyễn Vỹ cho biết ông gặp Vũ Trọng Phụng lần đầu vào năm 1937. Hôm ấy, ông chủ nhà xuất bản Minh Phượng ở ngõ Văn Tân, phố Hàng Đẫy mời ông và Vũ Trọng Phụng đến dùng cơm nhân ngày giỗ kỵ thân mẫu.

Nguyễn Vỹ đến trước và được Minh Phượng giới thiệu cuốn Lục Xì của Vũ Trọng Phụng vừa mới lấy từ nhà in về. Thế nhưng chỉ đọc được có 7 trang, Nguyễn Vỹ đã đá tung cuốn sách và nói đây là thứ văn chương bẩn thỉu.

Vũ Trọng Phụng đến sau và chứng kiến đứa con tinh thần của mình nằm xác xơ nơi xó nhà. Nhưng ông không giận Nguyễn Vỹ mà còn nói Nguyễn Vỹ mới là người biết thưởng thức Lục Xì: “Cái bẩn mà anh ghê tởm được cái bẩn ấy, thế mới là anh nhận được cái giá trị văn chương của Lục Xì”, Vũ Trọng Phụng nói.

Den con ca Trung thu anh 1

Những cửa hàng bán đèn Trung thu xưa đều có đèn cá chép.

Hai tháng sau, Nguyễn Vỹ mới có dịp đến thăm Vũ Trọng Phụng. Đó là một căn nhà chật hẹp ở phố Hàng Bạc, Vũ Trọng Phụng ở trên căn gác còn chật hẹp hơn.

Theo tường thuật của Nguyễn Vỹ, khi ông leo lên cầu thang gỗ thì thấy Vũ Trọng Phụng đang ngồi viết trên một chiếc bàn con, còn vợ nhà văn đang chuẩn bị đi đâu đó cùng đứa con nhỏ.

“Anh có con chưa anh Vỹ?”, Vũ Trọng Phụng hỏi.

“Tôi là con của tôi rồi, còn có con làm gì nữa?”, Nguyễn Vỹ trả lời.

“Thế thì anh sướng. Tết Trung thu sắp đến đây, anh khỏi phải sắm cái đèn con cá cho con”.

Vũ Trọng Phụng nói rồi đưa tờ giấy đang viết dở trên bàn: “Tôi định đem cho Tiểu thuyết thứ bảy để lấy tiền mua đèn con cá cho con tôi. Có con phải nuôi con, thế là thường, nhưng có con lại còn phải sắm đèn con cá cho nó chơi, nếu không Tết Trung thu này tôi không phải là cha của nó nữa! Anh nghĩ thế có buồn không?”.

“Nó đòi đèn con cá à?”, Nguyễn Vỹ hỏi.

“Nó không đòi. Con tôi chẳng bao giờ đòi tôi những thứ ấy cả. Ấy thế mình mới đau lòng”.

Rồi Vũ Trọng Phụng kể chung quanh hàng phố, tất cả con nít nhà người ta đều có đèn chơi Trung thu. Duy chỉ con mình không có. Cả ngày nó cứ ngắm nghía thèm thuồng các thứ đèn giấy của lũ con trong hàng phố được cha mẹ chúng mua sắm cho. Nó mơ ước có được một cái đèn như con nhà người ta.

Den con ca Trung thu anh 2

Bìa sách Văn thi sĩ tiền chiến.

Vũ Trọng Phụng kể tiếp. Nó muốn quá, buồn bã không chịu ăn cơm. Mẹ nó hỏi “Con thích chơi đèn gì?”. Nó trả lời ngay “Con thích đèn con cá”. Tội nghiệp cho nó, nó cứ tưởng nó thích thế thì mẹ nó đi mua cho nó chơi. Nhưng mẹ nó làm gì có tiền.

“Hôm nay chị Phụng dắt cháu đi mua đèn con cá phải không?”, Nguyễn Vỹ hỏi.

“Nếu thế thì tội gì tôi phải ngồi viết mấy trang giấy này! Tôi ốm mấy hôm nay, anh Vỹ à”. Nếu anh đến lúc nãy thì anh sẽ thấy tôi sốt rét nằm li bì trên ván ngựa, chắc là không ngồi dậy để tiếp anh”.

“Anh viết xong chưa?”, Nguyễn Vỹ hỏi.

“Vợ tôi không cho viết. Nó dắt thằng nhỏ đến nhà bà chị họ ở phố hàng Cau để vay tiền… Nhưng tôi biết là không vay được, vì gia đình nhà ấy không ưa tôi”, Vũ Trọng Phụng trả lời.

Nguyễn Vỹ khuyên Vũ Trọng Phụng nằm nghỉ khỏe rồi hãy viết. Ông rờ tay Vũ Trọng Phụng thấy nóng như lửa. Nhưng Vũ Trọng Phụng đứng dậy, lấy hai viên prémaline uống một lúc. Nguyễn Vỹ đành ra về để Vũ Trọng Phụng viết tiếp.

Đêm Trung thu, Nguyễn Vỹ trở lại thăm Vũ Trọng Phụng. Ông kể, trước ngôi nhà chật hẹp phố Hàng Bạc, một đoàn nhi đồng vui vẻ kéo đi diễu chơi qua phố, mỗi đứa cầm một chiếc đèn giấy.

Con của Vũ Trọng Phụng cầm cái đèn con cá, đi hàng đầu. Nó giơ cái đèn lên thật cao, miệng cười hí hớn. Bên cạnh nó hai đứa bé vừa đi vừa đánh trống sau con lân nho nhỏ, múa qua múa lại.

Nguyễn Vỹ lên gác. Vũ Trọng Phụng đang nằm trùm mền, người ông nóng ran, phải đến 39 độ. Vợ ông đi mua thuốc vẫn chưa về.

Số đỏ của Vũ Trọng Phụng được dịch sang tiếng Italy

Ngoài Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, còn có Mong manh như tia nắng của Lê Minh Khuê, và một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được NXB ở Italy dịch và phát hành.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm