Họa sĩ Thành Phong được độc giả yêu thích qua các tác phẩm truyện tranh như Long thần tướng, minh họa thành ngữ như Phê như con tê tê, Thương nhớ thời bao cấp, dự án vẽ về Hà Nội…
Thành phong cũng minh họa một số tiểu thuyết lịch sử như Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản…
Với phong cách hài hước, Thành Phong thực hiện minh họa cho cuốn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ấn bản do Công ty sách Đông A thực hiện.
Một trang minh họa trong sách. Ảnh: ĐA. |
Mới đây, Đông A hé lộ một vài bức minh họa, cho thấy sự trẻ trung trong cách thể hiện tác phẩm của Thành Phong.
Về nội dung, ấn bản lần này tiếp cận nguyên tác của nhà văn Vũ Trọng Phụng khi in lại theo bản của Lê Cường năm 1938.
Số đỏ xuất hiện trên Hà Nội báo - tuần báo do doanh nhân Lê Cường làm giám đốc. Tác phẩm đăng từ số 40 của Hà Nội báo (ra ngày 7/10/1936) với lời giới thiệu: “Số đỏ, cuốn tiểu thuyết của một thời đại nhố nhăng của Vũ Trọng Phụng”.
Tranh vẽ ông Phán mọc sừng của Thành Phong. |
Tác phẩm đăng liên tiếp 16 chương, cho tới năm 1937 thì tạm dừng do Hà Nội báo bị thu giấy phép.
Năm 1938, nhà in Lê Cường in Số đỏ (đầy đủ 20 chương) thành sách riêng. Đây là bản Số đỏ đầu tiên được in thành sách và cũng là bản duy nhất phát hành khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống.
Đông A cho biết họ chọn in lại bản năm 1938 với mong muốn “người đọc được tiếp cận một văn bản quý mà ngày nay hiếm người còn được thấy. Điều này vừa có ý nghĩa với giới sưu tầm, vừa cần thiết cho những người quan tâm, yêu mến, hoặc nghiên cứu về tác phẩm và phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng”.
Số đỏ là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Vũ Trọng Phụng - "ông vua phóng sự đất Bắc". Tác phẩm phản ánh thực trạng xã hội lố lăng, kệch cỡm.
Về mặt nghệ thuật, Số đỏ được xem là đạt đỉnh cao nghệ thuật trào phúng. Tác phẩm được trích, dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông. Một số nhân vật, lời thoại kinh điển trong Số đỏ đi vào đời sống của người Việt.