Kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du, chuỗi hoạt động triển lãm, hội thảo, trưng bày về “Kiều” được tổ chức ở Hà Nội.
Một hội thảo có tên “Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt” do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức sáng 1/8. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả: Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, nhà nghiên cứu Lê Nghị và họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn.
Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, và để đáp ứng nhu cầu quan tâm của đông đảo khán giả, ban tổ chức quyết định thực hiện hội thảo qua hình thức trực tuyến.
Các trình bày tại hội thảo sẽ xoay quanh 5 nội dung chính, nhằm tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về Truyện Kiều.
Một phần triển lãm tranh của Nguyễn Tuấn Sơn tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội. Ảnh: l'Espace. |
Nội dung “Truyện Kiều qua các con số” nêu lên và lý giải ý nghĩa, sự biểu đạt của những con số trong 411 câu thơ sử dụng số của tác phẩm.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng luận bàn về những quan điểm về Nguyễn Du và Truyện Kiều của hai học giả Đào Duy Anh và GS Dương Quảng Hàm.
Các nhà nghiên cứu tiếp cận Thanh Tâm Tài tử Cổ kim minh lương đề tập biên của vua Minh Mạng để đưa ra lý giải về nguồn gốc Truyện Kiều.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng bàn đến những chú giải về Truyện Kiều, khảo sát, phản biện và đưa ra kiến nghị về chú giải Truyện Kiều.
Tranh vẽ Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn. |
Một nội dung quan trọng trong chương trình là giới thiệu và trưng bày cuốn sách Kiều bản Kinh Ngự dụng của nhà in Công Thiện Đường.
Song song hội thảo, một triển lãm tranh minh họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được khai mạc sáng 1/8, kéo dài tới 30/8. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn không chỉ minh họa Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng.
Những nét vẽ trừu tượng khiến có tính gợi mở trí tưởng tượng với người xem.
Mỗi bức tranh Tuấn Sơn vẽ về Truyện Kiều thể hiện một cách nhìn mới, hiện đại, tránh những áp đặt trong quá khứ. Các bức tranh của anh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa.