Trực giác mách bảo Napoleon rằng nếu Pháp muốn vận hành một cách hiệu quả trong thế giới hiện đại, nó cần một hệ thống luật pháp và sự thực thi luật pháp được chuẩn hóa, sự thống nhất về khối lượng và đo lường, một thị trường nội địa có đầy đủ chức năng, và một hệ thống giáo dục được quản lý tập trung sẽ cho phép những đứa trẻ vị thành niên có tài năng từ mọi giới đi vào mọi lĩnh vực, tùy theo năng lực chứ không phải nguồn gốc.
Thống nhất 42 bộ luật thành một hệ thống duy nhất
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của ông là thống nhất 42 bộ luật của Pháp thành hệ thống duy nhất. Trong công việc đồ sộ này, Napoleon tìm thấy một đồng minh vô giá là Cambacérès, người từng là thư ký của ủy ban được giao nhiệm vụ rà soát Luật Dân sự năm 1792 và là tác giả của Dự án Luật Dân sự (1796).
“Nếu toàn bộ luật bị thất lạc”, Napoleon có lần châm biếm, “có thể tìm thấy nó trong đầu Cambacérès”.
Để hỗ trợ tổng tài thứ hai trong việc tái khởi động cuộc cải cách đã chậm trễ quá lâu này, một ủy ban được thành lập từ những luật gia và chính trị gia xuất chúng của đất nước, bao gồm Lebrun, François Tronchet, Félix Bigot de Préameneu, và Jean-Étienne Portalis.
Napoleon chủ tọa không ít hơn 55 trong 107 phiên họp toàn thể của ủy ban, thường xuyên can thiệp vào các vấn đề ông đặc biệt quan tâm như ly hôn, nhận con nuôi và quyền của người ngoại quốc.
Tranh vẽ lễ đăng quang của hoàng đế Napoleon và hoàng hậu Josephine của họa sĩ Jacques-Louis David. |
Điệp khúc thường trực của Napoleon với những vấn đề về “lợi ích chung” và luật dân sự là: “Điều này có công bằng không? Điều này có ích không?”.
Một số phiên họp bắt đầu từ trưa và kéo dài tới tận tối. Napoleon tham gia mật thiết vào toàn bộ quá trình lâu dài và phức tạp để đưa các dự luật mới thành các văn bản luật, từ những cuộc tranh luận ban đầu ở Hội đồng Nhà nước, quá trình soạn dự thảo, các ý kiến phê bình và những đề xuất sửa đổi của các nhóm lợi ích khác nhau, đến các ủy ban chuyên trách, những cuộc tấn công sau đó từ các nhóm lợi ích đặc biệt và những người vận động hành lang, rồi các tiến trình lập pháp tại Nghị viện.
Không thể đoán trước được kết quả của việc phê chuẩn: Tháng 12/1801, dự luật sơ thảo đã bị Cơ quan Lập pháp bác bỏ với 142 phiếu thuận và 139 phiếu chống, và kết quả cũng tương tự tại Cơ quan Tư pháp.
Nếu Napoleon không thể hiện sự ủng hộ cá nhân kiên quyết của mình, nó không bao giờ có thể trở thành luật. Cho dù Cambacérès đã thực hiện các công việc chính, bộ luật này vẫn xứng đáng được gọi là Luật Napoleon, vì nó là sản phẩm của thuyết phổ quát hợp lý từ tinh thần Khai sáng mà Napoleon đón nhận.
Về căn bản là sự thỏa hiệp giữa luật La Mã và thông luật, Luật Napoleon bao gồm những bộ luật hợp lý và hài hòa được áp dụng như nhau trên tất cả lãnh thổ do Pháp quản lý, lần đầu tiên kể từ thời Hoàng đế Justinian.
Các quyền và nghĩa vụ của chính quyền cũng như các công dân được luật hóa thành 2.281 điều trong 493 trang, với cách hành văn rõ ràng tới mức Stendhal cho biết mình đã đọc nó hàng ngày.
Luật mới giúp gắn kết sự thống nhất quốc gia, nhất là vì nó dựa trên các nguyên tắc về tự do cá nhân và khế ước. Nó khẳng định sự chấm dứt các đặc quyền giai cấp cổ xưa, và (với ngoại lệ là giáo dục tiểu học) sự kiểm soát của giới tăng lữ trong bất cứ khía cạnh nào của xã hội dân sự Pháp. Trên hết, nó đem đến sự ổn định sau hỗn loạn của cuộc Cách mạng.
Luật Napoleon đơn giản hóa 14.000 sắc lệnh và luật đã được nhiều chính quyền cách mạng khác nhau thông qua kể từ năm 1789, và 42 bộ luật địa phương đang được sử dụng, thành một hệ thống luật thống nhất duy nhất áp dụng với mọi công dân, thiết lập những nguyên tắc chung và đưa ra những khoảng giới hạn rộng để các thẩm phán làm việc trong khuôn khổ đó.
"Không nên tạo cho mình một gánh nặng thái quá với những bộ luật quá chi tiết”, Napoleon nói với Hội đồng Nhà nước.
“Luật pháp không được làm gì khác ngoài áp đặt một quy tắc chung. Sẽ là vô ích nếu muốn cố gắng lường trước mọi trường hợp có thể xảy ra; kinh nghiệm sẽ chứng minh rằng có nhiều thứ đã bị bỏ qua".
Bảo vệ quyền tự do cá nhân nhưng thiên vị nam giới
Bộ luật đảm bảo sự bình đẳng của mọi người Pháp trước pháp luật, quyền tự do cá nhân được bảo vệ khỏi việc bị bắt giữ bừa bãi, tính ràng buộc của các khế ước hợp pháp được cam kết một cách tự nguyện, và không cho phép thừa nhận bất cứ đặc quyền nào của xuất thân.
Phản ảnh tinh thần của "các điều khoản hữu cơ", bộ luật thiết lập sự khoan dung tôn giáo triệt để (bao gồm cả với những người vô thần), tách riêng giáo hội và nhà nước.
Nó cho phép mọi người trưởng thành được lựa chọn bất kỳ công việc nào và được sở hữu tài sản.
Luật phải được phổ biến một cách thích đáng và ban hành chính thức, và không thể áp dụng việc hồi cứu. Các thẩm phán dĩ nhiên được yêu cầu vận dụng luật theo từng trường hợp cụ thể, song không được phép đưa ra các tuyên bố về mặt nguyên tắc, do đó những trường hợp cụ thể không thể tạo thành tiền lệ, như thông luật Anglo-Saxon.
Trang đầu ấn bản gốc Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804. Hình ảnh được scan bởi văn phòng in ấn quốc gia Pháp. |
Lo ngại sự tan rã của gia đình như là thiết chế nền tảng của xã hội, các nhà làm luật đã trao cho người cha chủ gia đình quyền lực gần như tuyệt đối, bao gồm cả quyền với tài sản của người vợ.
Theo điều 148, cần có sự đồng ý của người cha đối với việc kết hôn của con trai cho đến tuổi 25 và con gái cho đến tuổi 21, và tuổi kết hôn được nâng lên thành 15 với nữ giới, 18 với nam giới.
Người cha cũng có quyền yêu cầu tống giam con mình vì không nghe lời trong một tháng với đứa con dưới 16 tuổi, và trong sáu tháng với đứa con từ 16 đến 21 tuổi.
Những phê phán chủ yếu nhắm vào bộ luật này trong hai thế kỷ qua là nó bảo thủ về mặt xã hội, quá ủng hộ tầng lớp trung lưu, ủng hộ cá nhân và người cha chủ gia đình. Nó buộc người vợ quá phụ thuộc vào chồng và các điều khoản về thừa kế của nó gây tổn hại cho một nền kinh tế nông nghiệp.
Theo tiêu chuẩn của thế kỷ 21, bộ Luật này rõ ràng là có sự phân biệt giới tính sâu sắc, với sự thiên vị rõ rệt dành cho người chồng. Điều 213 của Luật Dân sự viết: “Một người chồng phải bảo vệ vợ mình, một người vợ phải phục tùng chồng mình".
Lý do cho ly hôn được giới hạn trong các hành vi: Ngoại tình (và chỉ ở trường hợp người chồng thường xuyên đưa nhân tình về nhà của gia đình), bị kết án một tội nghiêm trọng, và lăng nhục hay bạo hành nghiêm trọng. Ly hôn cũng có thể được thực hiện qua đồng thuận của hai bên khi lý do được giữ kín.
Một người vợ có thể bị án tù hai năm vì ngoại tình, trong khi chồng chỉ phải chịu phạt. Một người chồng sẽ không bị truy tố nếu anh ta sát hại vợ khi bắt quả tang vợ đang ngoại tình. Bộ Luật bảo vệ những người đàn ông đã kết hôn hoặc độc thân không phải trợ cấp cho đứa con ngoài giá thú, hay kể cả chuyện xác minh tư cách làm cha.
Nó cũng ngăn cản phụ nữ thực hiện các khế ước pháp lý, tham gia các vụ tranh tụng, làm nhân chứng trước tòa hay làm khai sinh, khai tử hoặc giấy giá thú.
Người vợ không được bán hàng ngoài chợ nếu không được chồng cho phép, và bị cấm cho, bán hay thế chấp tài sản nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của chồng.
Phụ nữ chưa kết hôn không thể là người bảo trợ pháp lý hay làm nhân chứng di chúc. Trong tất cả điểm này, bộ luật phản ánh tư tưởng phân biệt giới tính sâu sắc của Napoleon: “Phụ nữ không nên được nhìn nhận là ngang hàng với nam giới” - ông nói - “Trên thực tế, họ chỉ là những cỗ máy đẻ ra những đứa trẻ".
Bộ luật cũng giáng một đòn chí tử vào quyền thừa kế của con trưởng. 25% của tổng tài sản có thể được để lại cho người ngoài gia đình theo di chúc, song phần còn lại phải được chia đều giữa tất cả con trai khi cha họ qua đời. Những đứa con ngoài giá thú không có bất cứ quyền thừa kế nào.
Luật cũng thể hiện sự thiên vị mạnh mẽ dành cho người sử dụng lao động, lời nói của họ được pháp luật chấp nhận về mọi mặt.
Ngày 1/12/1802, một đạo luật được thông qua đòi hỏi mọi người lao động phải giữ một sổ thông hành. Nó phải được trao cho người sử dụng lao động vào đầu thời kỳ tuyển dụng, và được người sử dụng ký vào khi thôi việc. Nếu không có sổ, người lao động sẽ không được tuyển dụng và có thể bị sáu tháng tù.
Napoleon không phải người sáng tạo ra các quy định chống bãi công và chống nghiệp đoàn khắc nghiệt trong Luật Dân sự, mà chúng đã được đưa ra từ Luật Le Chapelier năm 1791 và mãi tới năm 1884 mới bị bãi bỏ.
Tuy nhiên, ông đã làm cho chúng trở thành có hiệu lực. Các công nhân xây dựng tham gia bãi công năm 1806 đã bị bắt ngay trên giường của họ.
Sách Napoleon đại đế. Ảnh: Omega Plus. |
Được sử dụng rộng rãi, ảnh hưởng tới ngày nay
Luật Dân sự trở thành luật từ năm 1804, chỉ là một trong những cải cách tư pháp được Napoleon triển khai, cho dù hiển nhiên đây là cải cách quan trọng nhất.
Đến năm 1810, ngoài bộ luật này, có thêm Luật Tố tụng Dân sự, Luật Thương mại, Luật Tố tụng Hình sự, và Luật Hình sự.
Trong bộ luật cuối cùng, các điều khoản hết sức hà khắc, song không hề thể hiện sự độc ác của luật hình sự Anh thời đó. Theo đó, trẻ em có thể bị lưu đày tới Australia và người lớn bị treo cổ vì lấy cắp đồ có giá trị lớn hơn 1 shilling.
Tất cả bộ luật này được tập hợp lại dưới tên gọi Luật Napoleon. Luật được mở rộng tới gần như mọi vùng của đế chế Pháp vào tháng 3/1804. Nó được áp đặt tại các vùng lãnh thổ Tây Ban Nha bị thiết quân luật năm 1808 và ở Hà Lan sau khi sáp nhập năm 1810.
“Người La Mã trao luật pháp của mình cho các đồng minh của họ”, Napoleon nói với anh trai Louis của mình, “vậy tại sao Pháp lại không để luật của mình được áp dụng tại Hà Lan?”.
Ở một số nơi, chẳng hạn như tại Naples, bộ luật này chỉ được thừa nhận ngoài miệng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, nó lại được ủng hộ tới mức được giữ lại ngay cả sau khi Napoleon đã sụp đổ.
Bộ luật được sử dụng ở vùng Rhineland thuộc Phổ tới tận năm 1900, và tại Bỉ, Luxembourg, Mauritius, và Monaco, cũng như tại Pháp, ngày nay, nó vẫn được áp dụng.
Nhiều khía cạnh của bộ luật vẫn được lưu giữ trong hệ thống tư pháp của những vùng đất trên thế giới cách xa đất nước nơi nó ra đời như tại Nhật Bản, Ai Cập, Quebec, và Louisiana.