Đường phố đang nhộn nhịp tối ngày 20/2 thì một vụ nổ làm rung chuyển mọi thứ.
Một chiếc xe chạy bằng khí nén thiên nhiên đang chạy qua chợ ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, thì bình ga ở đằng sau sau xe phát nổ, các nhân chứng kể lại,
Vụ nổ lật ngược chiếc xe, đồng thời kích nổ vài bình ga đang được dùng trong một nhà hàng bên đường. Rồi cửa hàng bán đồ nhựa ở tầng một của một tòa nhà bốc cháy. Kế tiếp một cửa hàng ndhỏ cất giữ trái phép hóa chất cũng bùng cháy.
Biển lửa lan sang bên kia phố, nuốt trọn xe đạp, xích lô, xe hơi, người, và mọi thứ trên đường đi. Thảm kịch kinh hoàng này cướp đi ít nhất 110 mạng sống tại một trong những khu phố giàu lịch sử nhất Bangladesh, một đất nước đã mất đi hàng trăm mạng người trong những vụ cháy ở các nhà, xưởng chật chội, kém an toàn. Mọi lời hứa xử lý nghiêm vi phạm xây dựng vẫn chỉ là lời hứa, theo New York Times.
Thảm kịch kinh hoàng tối ngày 20/2 tại thủ đô Dhaka của Bangladesh cướp đi ít nhất 110 mạng sống. Ảnh: Reuters. |
Sự tham lam chết người
“Rất nhiều người cố gắng chạy thoát”, Mohammad Rakib, một chủ nhà hàng nói với New York Times. Ông chứng kiến một người lái xích lô cố chạy thoát khỏi biển lửa nhưng đã bị thiêu sống.
“Tôi vô cùng hoảng sợ”, ông nói. “Tôi chạy ra khỏi quán và để lại hết tiền”.
Bangladesh nằm trong số những nước nghèo nhất nhưng mật độ dân số cao nhất châu Á (gấp 4 lần Việt Nam). Nhưng theo New York Times, đó chỉ là một phần nguyên nhân.
“Đây không phải là vấn đề nghèo đói”, Nizamuddin Ahmed, một kiến trúc sư ở Dhaka, nói với New York Times. “Những người cất giữ hóa chất trong chung cư là những người giàu - họ có xe hơi, nhà đẹp, và con cái đi du học".
Chính quyền cần phải “gõ cửa và bảo những người buôn bán này biến khỏi đây”, ông bức xúc.
Nhưng họ đã không làm vậy. Đến sáng ngày hôm sau, khi lính cứu hỏa dập tắt đám cháy, khu Chawkbazar trông giống khu chiến sự.
Đến sáng ngày hôm sau 21/2, khi lính cứu hỏa dập tắt đám cháy, khu Chawkbazar trông giống khu chiến sự. Ảnh: Reuters. |
Xe biến dạng, sơn cháy đen, cửa xe mở ra một nửa. Các mảnh kim loại đen thui vương vãi mặt đất. Lính cứu hỏa và tình nguyện viên đưa thi thể đi trong các túi sạch màu trắng.
Ở những bệnh viện bên cạnh, các gia đình đứng kín hành lang, rướn cổ để nhìn danh sách viết tay những người còn sống hoặc đã chết đã được dán lên tường.
“Tại sao lại xảy ra với tôi và con tôi?”, một người mẹ trẻ tên Mukta gào khóc sau khi gần như chắc chắn chồng của cô đã chết. “Tôi biết phải làm gì bây giờ?”
Gia đình nạn nhân của vụ hỏa hoạn tối ngày 20/2 tại thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ảnh: Reuters. |
Thảm kịch không phải lần đầu
Nhưng điều đáng buồn là thảm kịch này chỉ là sự nối tiếp những vụ cháy nổ trước đây.
Năm 2010, hơn 120 người thiệt mạng trong vụ cháy ở Dhaka do máy biến thế phát nổ và làm cháy các hóa chất được cất giữ trái phép trong các cửa hàng ở tầng một của một chung cư - đặc biệt giống bi kịch tối ngày 20/2.
Trong trận hỏa hoạn năm 2010, cũng giống như vụ cháy mới nhất, xe cứu hỏa cố gắng đến chữa cháy đã không thể đi qua đường phố kẹt cứng.
Một thi thể được đưa ra từ vụ cháy tối ngày 20/2 ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ảnh: Reuters. |
Sau vụ việc đó, chính quyền tuyên bố sẽ mạnh tay xử lý vi phạm về sử dụng nhà. Thủ đô Dhaka có luật quy hoạch vùng rõ ràng. Chẳng hạn, cất giữ chất liệu nguy hiểm, như hóa chất để chế tạo nhựa, trong tòa nhà ở là phạm pháp.
Nhưng những quy định này thường bị lờ đi vì thực thi không nghiêm, và trong nhiều trường hợp là tham nhũng. Các nhà phân tích nói những chủ kinh doanh giàu có thường xuyên hối lộ người thi hành luật hay chỉ đơn giản là khai gian địa chỉ kinh doanh.
Năm 2012, lửa bùng lên ở một nhà máy may ở ngoại ô Dhaka. Những chồng sợi và vải trở thành chất đốt, khiến ngọn lửa cháy trong hơn 17 giờ trước khi lính cứu hỏa có thể dập tắt.
Theo phát hiện sau đó, lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn của nhà máy quá hẹp, khiến hàng chục người bị kẹt. Cuối cùng, hơn 115 người chết, hầu hết là những lao động nghèo.
Xe cứu hỏa không vào được phố hẹp
Cơ quan cứu hỏa ngày 21/2 nói họ vẫn đang điều tra chính xác điều gì đã xảy ra trong đám cháy mới nhất.
Xe chạy bằng khí thiên nhiên nhìn chung an toàn hơn xe chạy bằng xăng, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Hiện ở Việt Nam, mới chỉ có vài tuyến xe bus chạy bằng khí thiên nhiên (CNG), được coi là nhiên liệu sạch, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, từ nhiều năm nay Bangladesh đã chuyển sang sử dụng xe hơi chạy bằng CNG. Tuy nhiên, chỉ 50.000 trong số 300.000 xe chuyển sang chạy CNG vào năm 2000 đã đi bảo dưỡng, và số 250.000 còn lại là nguy cơ về cháy nổ, theo trang tin bdnew24 của Bangladesh.
Một chiếc xe bị thiêu rụi sau trận hỏa hoạn ở Dhaka. Ảnh: Reuters. |
Các bác sĩ một bệnh viện nhà nước nói hàng chục người bị bỏng nặng sau vụ việc, nhiều người bị hỏng phổi từ việc hít phải khí độc từ hóa chất bị cháy.
Vụ cháy bắt nguồn từ giao lộ sầm uất ở khu phố cổ Chawkbazar, thường được gọi là Dhaka Cũ. Khu này có nhiều các con phố uốn lượn và hẹp, xe bus và xe tải không đi vào được, và xe cứu hỏa cũng gặp khó khăn tại đây vào tối kinh hoàng 20/2.
“Đường lúc ấy rất đông”, ông Rakib, người chủ nhà hàng nói với New York Times. “Đám đông rất sợ và cố chạy mọi hướng để cứu mạng mình”.
Ông Ahmed, người kiến trúc sư, chỉ ra rằng nhiều năm trước đây, giới chức Dhaka đã thành công trong việc di dời các xưởng thuộc da ra ngoài thành phố, và ông nói họ cũng phải làm vậy ngay bây giờ đối với các cửa hàng đang cất giữ hóa chất dễ cháy.
“Chúng ta đã thành công trong việc nâng cao nhận thức cho các vấn đề xã hội khác, như kế hoạch hóa gia đình”, ông nói. “Chúng ta có thể làm được”.