Theo văn bản trả lời đơn yêu cầu thanh toán tiền gửi bị mất của ông Nguyễn Tiến Nam (người mất 28 tỷ đồng trong tổng số 50 tỷ ở Nghệ An), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng đây là vụ án hình sự, cần phải tôn trọng quyết định của tòa án để giải quyết.
Khách yêu cầu trả 28 tỷ đồng, ngân hàng đề nghị tạm ứng 1,55 tỷ
Ngân hàng cho rằng vụ việc tòa án đang trong quá trình xem xét, mọi ý kiến nêu trong Kết luận điều tra hay cáo trạng của Viện kiểm sát chỉ là ý kiến từ cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát, chưa phải là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Do đó, việc ông Nam yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền 28 tỷ đồng chưa thực hiện được.
Cũng như cách giải quyết trong vụ bà Chu Thị Bình mất hơn 245 tỷ đồng, với khách mất 50 tỷ ở Nghệ An, Eximbank lại muốn tạm ứng để khách giải quyết khó khăn. |
Tuy nhiên, Eximbank cũng đưa ra phương án giải quyết tương tự như vụ mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình. Theo đó, ngân hàng lại đề xuất tạm ứng cho ông Nam một tỷ lệ trong thời gian chờ quyết định của tòa án, để thể hiện thiện chí. Nhà băng này ghi rõ trong văn bản trả lời ông Nam: Tỷ lệ tạm ứng là số tiền để khách hàng giải quyết khó khăn, chứ không phải là số tiền bồi hoàn cho khoản bị mất.
Theo văn bản, số tiền đề nghị tạm ứng cho ông Nam mà nhà băng này đưa ra là 1,55 tỷ đồng.
Eximbank cũng cho rằng sẽ không chối bỏ trách nhiệm, nhưng quan điểm vẫn là chờ quyết định của tòa, để có hướng giải quyết tiếp theo.
"Tạm ứng là sự xúc phạm của Eximbank với tôi"
Trong khi đó, người đứng đơn là ông Nguyễn Tiến Nam không đồng ý với hướng giải quyết từ phía ngân hàng. Ông Nam cho rằng Eximbank lại chối bỏ trách nhiệm, với lập luận yêu cầu khách hàng phải chờ phán quyết của toà án.
Theo ông Nam, số tiền của ông bị Nguyễn Thị Lam rút từ tài khoản tiết kiệm bằng hình thức chuyển khoản. Lam nói dối ông ký khống vào uỷ nhiệm chi để chuyển tiền khuyến mại, có khi nói làm thủ tục rút tiền lãi.
Nhân viên này sử dụng các uỷ nhiệm chi do ông Nam ký khống, hoặc do Lam ký giả mạo chuyển tiền từ tài khoản của ông Nam sang tài khoản không kỳ hạn. Sau đó, nhân viên này chuyển uỷ nhiệm chi đến tài khoản cá nhân cho ông Nam để mua hàng. Nhưng thực chất là Lam nhờ tài khoản và rút ra để chiếm đoạt.
“Đây là sai phạm của nhân viên thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm chứ không thể 'phủi tay' như vậy. Số tiền gửi của tôi là hơn 28 tỷ đồng chưa kể tiền lãi, nhưng ngân hàng đưa ra thương lượng cho tôi tạm ứng 1,55 tỷ đồng, đó là sự xúc phạm của Eximbank đối với bản thân tôi.
Điều này cho thấy ngân hàng nghi ngờ khách thông đồng với cán bộ của mình để chiếm đoạt tiền. Eximbank đã không tin và kết quả điều tra của cơ quan công an, mặc dù không khiếu nại kết luận đó", ông Nam bức xúc.
Ông Nam cũng cho rằng từ khi có Kết luận điều tra vụ án và Cáo trạng của Viện Kiểm sát thì phía Eximbank không có khiếu nại gì, đồng nghĩa với việc Eximbank nhận thức được những sai phạm của mình trong quá trình quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh, đã để cho cán bộ ở phòng giao dịch Đô Lương và Chi nhánh Vinh làm sai quy định về rút tiền gửi tiết kiệm, để nhân viên Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt của ngân hàng hơn 50 tỷ đồng từ tiền gửi tiết kiệm của khách.
“Tôi đề nghị HĐQT Eximbank xem xét trả lại tiền ngay cho tôi, không phải chờ phán quyết của cơ quan nào nữa. Không phải cứ làm mất tiền là đưa khách hàng ra tòa", ông Nam nói thêm.