Trao đổi với Zing, giáo sư Leo Yee Sin - Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NCID) trực thuộc Bộ Y tế Singapore - nhận định trong giai đoạn sống chung với Covid-19 của nước này, mũi tiêm tăng cường là một trong những phương tiện quan trọng cung cấp cho người dân khả năng miễn dịch mạnh mẽ chống lại biến chủng Delta.
"Không thể loại trừ virus SARS-CoV-2 và nó đã lây lan rộng rãi trên toàn cầu. Điều này có nghĩa chỉ là vấn đề thời gian trước khi mọi người đều phơi nhiễm với virus”, bà khẳng định.
Đồng nhận định, phó giáo sư Alex Cook - Phó hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho rằng cần ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho đối tượng cao tuổi trong lúc triển khai tiêm mũi chính cho người dân.
Bên cạnh đó, rút ra từ quá trình mở cửa thận trọng của Singapore, các chuyên gia từ NUS lưu ý thêm chỉ nên tái phong tỏa khi quá tải số ca bệnh nghiêm trọng, cùng với cần đảm bảo tính nhất quán và trung thực trong thông điệp tới người dân ở giai đoạn này.
Mũi thứ 3 giảm rủi ro gặp triệu chứng nặng
Theo giáo sư Leo Yee Sin, quyết định tiêm mũi vaccine thứ ba cho đối tượng dễ bị tổn thương của Singapore dựa trên hai lý do.
Đầu tiên, theo dõi tại khu vực cũng như trên toàn cầu, Singapore nhận thấy khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 suy giảm theo thời gian sau khi tiêm hai mũi vaccine. Ngoài ra, nước này cũng xem xét và cân nhắc khả năng biến chủng Delta đang lây lan hiện nay có thể lẩn trốn hệ thống miễn dịch có từ trước.
“Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường khả năng miễn dịch bằng việc tiêm thêm một liều vaccine khác”, bà cho hay.
Giáo sư Leo nhấn mạnh người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19, một hệ thống phản ứng miễn dịch mạnh mẽ nhờ tiêm chủng sẽ rất quan trọng để giảm bớt những rủi ro này. “Các nghiên cứu chỉ ra mũi thứ ba tăng khả năng phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những người có hệ miễn dịch yếu”, bà nhận định.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học New England dựa trên dữ liệu thực ở Israel, người trên 60 tuổi tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3 giảm nguy cơ gặp triệu chứng nặng khi mắc Covid-19 khoảng 20 lần.
Singapore bắt đầu chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường vào ngày 15/9. Ảnh: Straits Times. |
Bên cạnh những người từ 50 tuổi trở lên, Singapore sẽ bắt đầu tiêm vaccine tăng cường thêm nhiều đối tượng sau 6 tháng nhận mũi thứ hai.
Giải thích việc Bộ Y tế Singapore chấp thuận tiêm mũi vaccine thứ 3 cho nhóm người trên 30 tuổi, bà Leo cho biết liều tăng cường cho nhóm đối tượng này sẽ giúp tăng mức độ bảo vệ chung trong dân số.
Nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch có nhiều khả năng tiếp xúc với những người mắc Covid-19 trong quá trình làm việc, vì vậy họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Trong khi đó, nhân viên ở cơ sở chăm sóc sức khỏe như viện dưỡng lão với các đối tượng sống ở môi trường kín cùng mật độ dân cư cao, dễ có nguy cơ bùng phát ổ dịch lớn, cũng cần được quan tâm.
Giám đốc điều hành NCID cho rằng khi Singapore muốn bước vào kỷ nguyên mới “sống chung với Covid-19", liều vaccine tăng cường là một trong những phương tiện quan trọng để cung cấp cho người dân khả năng miễn dịch mạnh mẽ chống lại biến chủng Delta.
Tuy nhiên, Singapore vẫn “sẽ cần theo dõi chặt chẽ tình hình”, bà cho biết thêm. Ngoài ra, tuy tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở Singapore là 83% tính đến ngày 10/10, bà Leo cho biết vẫn còn một số người trên 70 tuổi chưa tiêm vaccine.
Do đó, tại “chặng cuối”, chiến lược của quốc đảo sư tử sẽ bao gồm việc thúc đẩy tiêm chủng bằng cách tiếp cận người cao tuổi, đồng thời tiếp tục tiêm nhắc lại cho những người đã nhận hai liều vaccine.
Về phía phó giáo sư Alex Cook, ông cho rằng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào về khả năng bảo vệ lâu dài của các mũi tiêm tăng cường. Ông nhận định nếu người cao tuổi đã đến thời hạn sáu tháng sau khi tiêm chủng trong khi chương trình vaccine chính vẫn đang thực hiện, chính phủ nên cân nhắc tiêm nhắc lại trước cho nhóm này.
Học gì từ quá trình mở cửa thận trọng của Singapore?
Phó giáo sư David Allen - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc NUS - chỉ ra 4 tiêu chí giúp Singapore phản ứng và thích ứng linh hoạt trong việc mở cửa trở lại: chính sách được hoạch định dựa trên cơ sở khoa học; tính nhất quán của thông điệp, tần suất thông báo; tính trung thực trong thông điệp, phát hiện kịp thời những thông tin sai lệch và đầu tư cho khoa học, nghiên cứu, phát triển.
Ngoài ra, ông Allen cho rằng khi tỷ lệ lấp đầy giường bệnh chạm tới mốc chính phủ đã đặt ra từ trước, lúc này các biện pháp hạn chế bổ sung có thể được thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Cook khẳng định tình huống duy nhất nên áp dụng biện pháp phong tỏa là khi quá tải số lượng các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng nghiêm trọng.
Khi đề cập tới kinh nghiệm xét nghiệm trong cuộc sống bình thường mới, phó giáo sư Cook nói có ý kiến cho rằng Singapore đang xét nghiệm quá nhiều. Cho đến nay, xét nghiệm để xác định và cách ly kịp thời ca mắc từng là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của Singapore.
Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên của Singapore. Ảnh: SG Diagnostics. |
Ông cho biết hiện chính phủ khuyến khích xét nghiệm hàng loạt trong cộng đồng bằng cách sử dụng xét nghiệm kháng nguyên. Theo Channel NewsAsia, quy định mới công bố ngày 9/10 cho biết xét nghiệm nhanh kháng nguyên được sử dụng cho người không có triệu chứng, ví dụ trong trường hợp xét nghiệm đại trà trong cộng đồng và người từng tiếp xúc với F0, để tầm soát và yêu cầu tự cách ly sớm.
Để hỗ trợ người dân thường xuyên tự xét nghiệm tại nhà, mỗi hộ gia đình sẽ nhận được thêm 10 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kể từ ngày 22/10 đến ngày 7/12.
Tuy nhiên, chuyên gia từ NUS cho rằng nhược điểm của điều này là rất nhiều người có triệu nhẹ hoặc không có triệu chứng, người trẻ tuổi đã được tiêm chủng, phát hiện mình mắc Covid-19 và trở nên lo lắng.
“Chúng tôi nói rằng chúng tôi nên coi Covid-19 như bệnh cúm nhưng hành động của chúng tôi không giống như vậy. Chúng tôi đã quá chậm chạp để thay đổi suy nghĩ đó”, ông nhấn mạnh. “Đối với các quốc gia đang trải qua quá trình này, đó là bài học tôi rút ra trong quá trình tái mở cửa bị đình trệ của Singapore”.