Những tháng gần đây, hầu hết quốc gia tại châu Âu đã đạt được tiến bộ ổn định trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng vượt qua cả Mỹ, ngay cả ở những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng khởi đầu chậm chạp. Tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Châu lục này bắt đầu mở cửa một số trường học vào tháng 8, và dự kiến hoàn thành quá trình này trên diện rộng trong tháng 9. Động thái này sẽ sớm cung cấp một cái nhìn sơ lược, rằng chiến lược của quốc gia nào hiệu quả và quốc gia nào không, khi mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận khác nhau, theo Wall Street Journal.
Mỗi nước một quy định
Italy là một trong những quốc gia thận trọng nhất ở châu Âu. Hầu hết khu vực của Italy bắt đầu mở cửa trường học vào ngày 13/9.
Nước này yêu cầu tất cả giáo viên và nhân viên làm việc tại trường xuất trình bằng chứng tiêm chủng, khỏi bệnh Covid-19 trong sáu tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 thường xuyên. Mọi người khi vào trong khuôn viên trường học đều phải đeo khẩu trang.
Khoảng 90% nhân viên trường học đã được tiêm chủng ở Italy. Những người phản đối đã tổ chức các cuộc biểu tình, nhưng cũng phải vật lộn để giành sự ủng hộ. Tại khu vực Lombardy, chưa đến 100 nhân viên trong tổng số gần 300.000 người đến trường vào đầu tháng 9 mà không có "thẻ xanh vaccine".
Ngược lại, nước Anh, nơi học kỳ mới bắt đầu từ tuần trước mà hầu hết không áp dụng các biện pháp phòng dịch, là một ngoại lệ ở châu Âu. Cuộc sống tại đây trở lại bình thường như Covid-19 chưa từng xuất hiện.
Học sinh và giáo viên không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Trẻ em không còn được xếp thành “nhóm bong bóng” để hạn chế tiếp xúc giữa các lớp. Công đoàn đại diện cho giáo viên chỉ trích cách tiếp cận này của chính phủ là quá lỏng lẻo.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson từ bỏ gần như tất cả các biện pháp bắt buộc về phòng dịch từ tháng 7. Chính phủ cho rằng mọi người cần học cách sống chung với Covid-19 bởi vaccine phòng bệnh đã giúp làm giảm đáng kể số ca nhập viện, ca bệnh trở nặng và ca tử vong.
Giới chức Anh vẫn yêu cầu các trường học duy trì một số biện pháp ở mức thấp như tăng cường vệ sinh và giữ cho lớp học thông thoáng. Họ cũng đang lên kế hoạch xét nghiệm thường xuyên học sinh ở nhóm tuổi lớn hơn để phát hiện ca nhiễm và ngăn chặn đợt bùng phát mới.
Các quốc gia châu Âu đang thử nhiều cách tiếp cận khác nhau để giữ cho lớp học và học sinh an toàn trước Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, hội đồng tư vấn của chính phủ Anh khuyến cáo không nên tiêm vaccine cho trẻ em khỏe mạnh từ 12-15 tuổi vì lợi ích mang lại quá ít, khi so với nguy cơ có triệu chứng nặng khi mắc Covid-19 là rất thấp.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ đang xem xét liệu có nên tiêm phòng cho thanh thiếu niên nhỏ tuổi để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và hạn chế nguy cơ gián đoạn học tập hay không.
Scotland, Wales và Bắc Ireland áp đặt riêng các biện pháp y tế công cộng, nhưng nhìn chung đi cùng hướng với Anh.
Tại Scotland, nơi học sinh bắt đầu đi học vào giữa tháng 8, nhà chức trách khuyến nghị trường học duy trì việc đeo khẩu trang. Đồng thời, chính quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong ít nhất 6 tuần đầu tiên của học kỳ.
Các quốc gia châu Âu khác, như Pháp, Đức và Tây Ban Nha, có cách tiếp cận trung lập. Những quốc gia này vẫn áp dụng quy tắc giãn cách và đeo khẩu trang trong trường học, nhưng không yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với nhân viên và giáo viên.
Về tình hình tiêm chủng toàn quốc, Tây Ban Nha có 76,2% dân số đã chủng ngừa đầy đủ. Con số này ở Pháp và Đức lần lượt là 64,2% và 63%.
Pháp có quy định về giãn cách và đeo khẩu trang trong lớp học nhưng không yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine với nhân viên làm việc tại trường học. Ảnh: Zuma Press. |
Thời kỳ tồi tệ nhất đã qua đi
Các chuyên gia y tế cảnh báo khi hàng loạt người trở lại trường học và văn phòng sau tháng 8, các hoạt động được tổ chức trong nhà nhiều hơn, cùng với thời tiết mùa thu mát mẻ có thể đảo ngược một số tiến bộ đang có của châu Âu.
Tại Mỹ, tỷ lệ mắc Covid-19 tăng lên ở các bang nơi trường học mở cửa sớm nhất. Nhưng trong nhiều trường hợp, sự gia tăng ca bệnh cũng gắn liền với tỷ lệ tiêm chủng ở những bang có mức thấp hơn mức trung bình của cả nước, và thấp hơn nhiều so với hầu hết quốc gia châu Âu.
Ở Mississippi, tình trạng lây nhiễm ở trường học khiến hàng chục nghìn học sinh phải cách ly kể từ khi bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, bang này chỉ có 42,1% dân số được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn mức 55,2% của toàn nước Mỹ. Ở Anh và Italy, con số này lần lượt là 66,6% và 65,5%.
Điều đó khiến các nhà lãnh đạo châu Âu và chuyên gia y tế công cộng có lý do để hy vọng việc trở lại trường học tại châu lục này sẽ diễn ra suôn sẻ hơn ở Mỹ. Họ cũng đặt niềm tin vào quy định về bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều quốc gia, cũng như biện pháp giãn cách ở các trường học.
Châu Âu muốn tránh lặp lại thảm kịch hồi năm 2020, khi số ca lây nhiễm giảm mạnh vào mùa hè. Cảm xúc chung của nhiều người lúc đó là virus đã bị đánh bại, dẫn đến sự chủ quan, và bùng phát của đại dịch vào cuối mùa thu.
“Tỷ lệ tiêm chủng cao khiến tôi tự tin mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp hơn so với năm ngoái. Nhưng diễn biến dịch cũng phụ thuộc nhiều vào các biến chủng mới”, Claudio Zanon, giám đốc khoa học của tổ chức thúc đẩy nghiên cứu khoa học Motore Sanità (Italy), cho biết.
Ông Zanon lo lắng về khả năng lây nhiễm virus trên các phương tiện giao thông công cộng. Vì thế, ông cho rằng học sinh cần phải tiêm vaccine phòng Covid-19.
Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), cho biết ông dự đoán việc mở cửa trở lại trường học có thể dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm ở Anh. Ông cho rằng một mùa đông khó khăn đang chờ đợi phía trước, nhưng tin tưởng vaccine sẽ ngăn chặn đợt bùng phát nghiêm trọng với số ca mắc và ca tử vong cao.
“Tôi nghĩ thời kỳ tồi tệ nhất đã qua đi”, ông nói.