Trao đổi với Zing về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam, giáo sư Dale Fisher - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - nói rằng biến chủng Delta đã thay đổi hoàn toàn kết quả kiềm chế dịch bệnh của nhiều nước trên toàn thế giới.
“Việt Nam có một nỗ lực tuyệt vời trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho đến tháng 5. Biến chủng Delta, với khả năng dễ lây lan hơn, đang là thách thức với những quốc gia chống dịch dựa vào việc đóng cửa biên giới và áp dụng chiến lược ‘không khoan nhượng’ với Covid-19”, giáo sư Fisher nói.
Do đó, giãn cách hay phong tỏa không phải là giải pháp bền vững. Nhiều quốc gia, trong đó có Singapore, đã lên lộ trình hướng tới sống chung với Covid-19. Quốc gia này có những điều chỉnh sao cho phù hợp tình hình thực tế từng giai đoạn. Giống như Singapore, Việt Nam cũng đang tìm cách thích ứng với tình hình mới.
Trong khi đó, bác sĩ Eric Dziuban - giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Việt Nam, trao đổi với Zing qua email rằng nhằm quyết định thời điểm hợp lý để tái mở cửa một cách an toàn, chính quyền cần cân nhắc các yếu tố: Số ca mắc mỗi ngày, tỷ lệ xét nghiệm và tỷ lệ xét nghiệm dương tính, công suất bệnh viện, và số ca tử vong vì Covid-19.
Quyết định mở cửa dựa vào nhiều yếu tố
Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nhận định việc lên kế hoạch trước khi tái mở cửa cơ sở kinh doanh, trường học, và các tụ điểm công cộng là rất quan trọng.
"Tuy nhiên, lịch trình cụ thể rất khó ấn định vì luôn cần cân nhắc diễn biến dịch tại địa phương", ông Dziuban nói.
Ông Dziuban nghĩ rằng chính quyền có thể học từ chính những kinh nghiệm phòng dịch đã có trong đại dịch Covid-19, từ đó soi chiếu thành bản hướng dẫn mở cửa trở lại an toàn.
"Rốt cuộc thì chính độ phủ vaccine rộng khắp trong cộng đồng sẽ bảo vệ chúng ta trước các đợt bùng dịch lớn và duy trì hoạt động hiệu quả của bệnh viện", ông nói thêm.
Ông cũng lưu ý thêm tiêm chủng cần thời gian, khi một vài tuần sau tiêm đủ liều người dân mới được bảo vệ tối đa.
"Trong lúc đó, mọi biện pháp vệ sinh và xã hội vẫn tiếp tục giữ an toàn cho các khu phố", giám đốc Dziuban nói.
Tiêm vaccine tại nhà cho người cao tuổi ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong khi đó, giáo sư Dale Fisher khẳng định giới chức cần có sự cân bằng các tác động liên quan tới lĩnh vực sức khỏe, xã hội và kinh tế, khi bắt đầu tính tới chuyện nới lỏng dần dần các biện pháp giãn cách xã hội.
“Giãn cách mức độ cao nhất sẽ ngăn chặn được đà lây lan của dịch bệnh, nhưng chính phủ sẽ phải trả một cái giá rất đắt với nền kinh tế của đất nước. Không chỉ vậy, điều này cũng tác động tới các sự kiện văn hóa và xã hội, quan trọng hơn nữa là sức khỏe tinh thần của người dân”, ông Fisher nhận định.
“Trong năm tới, khi chiến dịch tiêm chủng đạt tới ngưỡng có thể giúp đất nước thoát khỏi đại dịch, các nhà chức trách cần phải cân bằng tất cả yếu tố tôi vừa đề cập”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Fisher cũng nhận định khi đối mặt với tình huống khan hiếm nguồn cung vaccine, tiêm phủ mũi một hay ưu tiên chích ngừa mũi hai đều là hướng đi Việt Nam có thể áp dụng.
“Điều quan trọng là phải tối đa hóa số mũi tiêm sử dụng hàng ngày, cho dù đó là liều thứ nhất hay thứ hai”, giáo sư cho hay.
“Những ai đã tiêm chủng đầy đủ có thể tự tin rằng khi mắc Covid-19 sẽ có triệu chứng nhẹ”, ông Fisher nói, đồng thời cho rằng không có mục tiêu tiêm chủng “diệu kỳ” nào, cũng như khả năng tạo miễn dịch cộng đồng với những loại vaccine này.
Theo Bloomberg, các biến chủng mới như Delta, với khả năng lây lan cực mạnh cũng như vượt qua hệ miễn dịch của cơ thể, đã nâng tỷ lệ tối thiểu người có kháng thể để đạt miễn dịch cộng đồng lên mức gần như bất khả thi. Thậm chí khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở 95%, miễn dịch cộng đồng sẽ vẫn là ý tưởng xa vời.
Trước ý kiến lo ngại vấn đề lây nhiễm chéo tại điểm tiêm chủng hay xét nghiệm đông người, chuyên gia Fisher nói rằng điều cần làm là nên tin tưởng vào quyết định của chính phủ bởi “xét nghiệm tập trung vẫn sẽ an toàn nếu thực hiện đúng theo quy định phòng dịch”.
Xét nghiệm hay tiêm chủng tập trung vẫn an toàn nếu áp dụng đúng biện pháp phòng dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bảo vệ những nơi "dễ bị tổn thương"
Singapore đang trong quá trình tái mở cửa với 81% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, kế hoạch của quốc gia này có khả năng phải "đi lùi" và tái áp đặt một số biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm tăng nhanh trong tuần qua, dù chính phủ Singapore đang cố hết sức để tránh kịch bản này.
Ngày 10/9, Singapore ghi nhận 568 ca nhiễm trong cộng đồng, gấp gần 3 lần con số của tuần trước.
Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung miêu tả chiến lược chống dịch của Singapore là “trung lập”, khi không nghiêm ngặt nhất mà cũng không cởi mở nhất. Đây có lẽ là cách tiếp cận an toàn trước một tình huống chưa từng có tiền lệ.
Ngày 6/9, giới chức nước này thông báo lệnh cấm tụ tập tại nơi làm việc, có hiệu lực từ ngày 8/9. Chính phủ Singapore đồng thời kêu gọi người dân hạn chế tổ chức sự kiện xã hội, chỉ tụ tập một lần mỗi ngày.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết các nhà chức trách nước này đang cố gắng khống chế sự lây lan mà không siết chặt các quy định giãn cách xã hội.
Dẫu vậy, ông Wong không loại trừ khả năng Singapore sẽ quay trở lại trạng thái “cảnh giác cao độ” với lệnh cấm hoạt động đối với các địa điểm ăn uống, thậm chí buộc người dân phải ở nhà và chỉ ra ngoài để mua thực phẩm hoặc tập thể dục.
Ông Wong cho biết điều khiến chính quyền Singapore lo ngại không chỉ là tổng số ca nhiễm, mà còn là tốc độ virus lây lan.
Từ giữa tháng 7, người cao tuổi tại Singapore có thể bước vào cơ sở tiêm chủng Covid-19 bất kỳ mà không cần đăng ký trước. Ảnh: Straits Times. |
“Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, chúng tôi biết rằng khi số ca nhiễm tăng mạnh, sẽ có nhiều trường hợp cần điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) và nhiều ca tử vong hơn”, ông Wong nói.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 69.582 ca mắc Covid-19 và 55 ca tử vong.
Khi đề cập tới kinh nghiệm của Singapore trong việc giảm thiểu số bệnh nhân tử vong vì Covid-19, giáo sư Fisher cho rằng thành công của nước này nằm ở điểm chính phủ quản lý chặt chẽ những nơi dễ bị tổn thương nhất.
“Singapore đã có những chiến lược cứng rắn tại bệnh viện hay viện dưỡng lão, những khu vực có đối tượng dễ tổn thương, vì thế chúng tôi ghi nhận rất ít cụm dịch Covid-19 ở các nơi này”, chuyên gia NUS cho hay.
Theo ông Fisher, Singapore đưa ra quy định nghiêm ngặt đối với người tới viện dưỡng lão và bệnh viện, đồng thời giới hạn số lượng và thời gian chuyến thăm.
"Nếu là khách tới địa điểm này thường xuyên hoặc cần chăm sóc, họ sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Họ cũng không được phép ăn uống trong khu điều trị nội trú để tránh cởi khẩu trang", giáo sư cho biết.
Quy định này cũng áp dụng với bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, Singapore cũng liên tục xét nghiệm tất cả nhân viên trong bệnh viện và viện dưỡng lão, giảm tiếp xúc bằng cách yêu cầu nhiều nhân viên làm việc tại nhà.
"Bệnh viện hầu hết thực hiện họp trực tuyến. Nếu phải gặp mặt thì rút ngắn thời gian và số lượng người tham dự. Ngoài ra, 95% nhân viên tại đây cũng đã tiêm chủng đầy đủ", ông nói.