20 năm sau, Sujo John vẫn nhớ cảm giác khi tòa nhà rung chuyển vào lúc 8h46. Đó là một ngày trời quang mây tạnh, và đáng nhẽ sẽ là một ngày đẹp trời như bao ngày khác ở New York.
“Khi tôi nhìn lại khoảng thời gian ấy, thật khó tin 20 năm đã trôi qua. Nó giống như vừa mới xảy ra vậy. Những ký ức vẫn còn y nguyên”, Sujo John - người từng làm việc tại khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), sống sót sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 - kể với Zing.
Gần 3.000 người đã thiệt mạng khi không tặc thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda cướp 4 máy bay thương mại ngày 11/9/2001, AP đưa tin.
Sau 20 năm, cho dù mảnh ký ức đó đã trở thành vết sẹo ghim vào tim, những nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 đang học cách bước tiếp. Nỗi sợ ngày nào giờ thành động lực để họ sống tích cực, biết ơn cuộc sống nhiều hơn.
Người dân New York bàng hoàng khi khi Trung tâm Thương mại Thế giới bị khủng bố tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh: Andrew Lichtenstein. |
“Tôi không thể thở được”
Lớn lên ở Ấn Độ, Sujo John cùng vợ đến New York với hy vọng tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”. Ông làm việc tại tầng 81 của Tháp Bắc, trong khi vợ ông làm tại tầng 71 của Tháp Nam.
Khi Sujo John đang đứng cạnh máy fax và gửi tài liệu đến văn phòng ở Philadelphia, trong đầu nghĩ đến bữa trưa với vợ ở bên kia tòa nhà, thì vụ nổ lớn xảy ra. Chuyến bay 11 của hãng American Airlines đâm vào Tháp Bắc.
“Ban đầu không có ai nghĩ đó là một vụ tấn công khủng bố. Mọi người chỉ nghĩ đó là một tai nạn”, ông kể lại. “Tòa nhà bắt đầu rung chuyển dữ dội. Các bức tường dần sụp đổ”.
Bởi vì nhiên liệu máy bay rò rỉ nên Sujo John cho biết lửa bén ở khắp mọi nơi, mọi người đều sợ hãi nghĩ mình sẽ mắc kẹt và chết tại đây.
“Nỗi sợ hãi về cái chết hiện rõ trên khuôn mặt của tất cả”, ông nói.
John và nhiều người trong tòa nhà đã tìm đường đến cầu thang qua đám cháy. Khi thấy hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa đi ngang qua và tiến lên phía trên, tất cả vẫn hy vọng về một lối thoát.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng những người lính cứu hỏa và cảnh sát ấy đang tiến vào cánh cửa tử thần.
Sujo John - người từng làm việc tại Trung tâm Thương mại Thế giới, sống sót sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Ảnh: NVCC. |
Sau hơn 80 phút tìm đường thoát thân giữa đám đông hỗn loạn, John đặt chân đến tiền sảnh và cố gắng liên lạc với vợ mình nhưng không thành công.
Giữa lúc ấy, ông sửng sốt chứng kiến nhiều người bất lực nhảy ra khỏi các tòa nhà.
Tuyệt vọng, ông lao vào Tháp Nam để tìm vợ nhưng đó cũng là lúc tòa tháp sụp đổ. Khi đó, ông đang đứng gần chân tòa nhà, cùng với khoảng 15-20 người khác.
“Chúng tôi túm tụm lại, đứng sát cạnh nhau và nói những lời cầu nguyện cuối cùng”, ông nói
Nhiều người sau đó bị đè chết, nhưng John may mắn sống sót. Dù tránh được mảnh vỡ rơi trúng, John bị mắc kẹt. Ông và một nhân viên FBI cố gắng kéo nhau ra khỏi đống đổ nát.
Cả hai tưởng mình sẽ chết vì không thể thở được khi không khí chỉ toàn bụi và tro.
“Nhưng sau đó chúng tôi nhìn thấy ánh sáng đỏ nhấp nháy phía trên một chiếc xe cấp cứu. Chúng tôi bắt đầu bò về phía đó”, Jonn cho biết.
Nhìn thấy cả hai tòa nhà sụp đổ, John tuyệt vọng nghĩ vợ mình cũng nằm trong đống đổ nát ấy. Toàn bộ vùng đất được gọi là vùng đất số 0 (Ground Zero) lúc ấy trông như vùng chiến sự.
“Không ai biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ có những nỗi sợ hãi. Đó từng là nơi mà hàng nghìn người đến và đi làm mỗi ngày”, ông nói.
Cuối cùng, điện thoại di động của John đã đổ chuông. Vợ ông, bà Mary, không đến làm việc khi vụ tấn công xảy ra vì chuyến tàu điện ngầm đến WTC đã dừng sau vài phút xảy ra vụ va chạm đầu tiên.
“Khi tôi bắt máy và nghe cô ấy nói alo, đó là một khoảnh khắc kỳ diệu”, John kể lại.
“Máy bay và bom hủy diệt cả đất nước tôi”
Cách nơi Sujo John đang làm việc ba dãy nhà, Helaina Hovitz là một cô bé 12 tuổi bình thường, bắt đầu buổi sáng ở trường trung học cơ sở.
Helaina Hovitz - nhân chứng trong sự kiện 11/9 - tác giả cuốn sách “After 9/11: One Girl's Journey Through Darkness to a New Beginning”. Ảnh: NVCC. |
Giữa tiết khoa học, Hovitz nghe thấy một tiếng động lớn, rồi tới một tiếng nổ lớn hơn. Sàn nhà rung lên, kệ tủ rung chuyển, sau đó là sự im lặng kéo dài.
Sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Tháp Bắc, những đứa trẻ được dẫn xuống căng tin của trường, giáo viên giữ học sinh tránh xa cửa sổ.
Ngay sau đó, đội phá bom xông qua cửa, thông báo mọi người chỉ có 5 phút để di tản.
Nhiều bậc cha mẹ cuống cuồng, khóc lóc và la hét tìm con. Hovitz biết rằng cha mẹ mình không nằm trong số đó bởi họ đang đi làm. Mẹ cô làm việc tại Trung tâm Rockefeller, trong khi cha Hovitz là giáo viên tại đảo Staten.
Vào đúng thời điểm đó, Hovitz nhìn thấy người hàng xóm, Ann và con trai cô ấy, Charles, người bạn tới trường với cô mỗi ngày. Hovitz đã cầu xin người hàng xóm hãy đưa mình đi cùng bởi cô biết đây sẽ là con đường về nhà nhanh nhất.
Ngay khi cả ba người ẩn cửa bước ra ngoài đường, bắt đầu cuộc hành trình trở lại căn hộ ở phía bên kia của Hạ Manhattan, làn khói cay xè, nóng rát xộc vào mũi và mắt họ.
Từ trên trời, cơn mưa bụi rơi xuống mặt đường phủ đầy tro. Cả ba đứng ngay dưới tòa tháp, lúc này cả hai đều đang bốc cháy.
Trong tầm nhìn của cô bé 12 tuổi, những thi thể đầy máu đang được đưa vào trong xe cứu thương. Cơ thể nhiều người phủ đầy mảnh vỡ, vết đâm xuyên qua da thịt. Những tiếng la hét, kêu gào vang vọng khắp nơi. Người Hovitz cũng dính đầy mảnh kính vỡ.
Do mặc chiếc váy kaki dài tới mắt cá chân, việc di chuyển của Hovitz trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Lúc đó, trong đầu Hovitz hiện câu nói: “Không chạy nhanh sẽ chết”.
Helaina Hovitz - nhân chứng trong sự kiện 11/9, lúc ấy mới 12 tuổi. Ảnh: Helaina Hovitz. |
Cả ba người đã phải dành hẳn một giờ để tìm đường về nhà, trong khi ngày thường chỉ mất có 10 phút do cảnh sát chặn mọi ngả đường.
Khi về tới căn hộ, tiền sảnh tối om. Tro bụi như ôm trọn lấy cả tòa nhà.
Đẩy cửa vào, Hovitz nhìn thấy bà ở cuối hành lang, ngồi trước cửa căn hộ, tay cầm chiếc điện thoại.
“Nó đây rồi, Paul!”, bà khóc nói với bố cô. “Nó về nhà rồi!”. Bên ngoài cửa sổ, Hovitz không thấy gì ngoài một màu đen. Trên truyền hình chiếu lại những gì tận mắt cô bé 12 tuổi đã chứng kiến, Lầu Năm Góc cũng bị tấn công.
“Tôi đã nghĩ rằng máy bay và bom đang hủy diệt cả đất nước tôi”, Hovitz chia sẻ.
Mất điện, đường dây điện thoại và thang máy ngừng hoạt động. “Đêm đó, chúng tôi chìm trong bóng tối, với nguồn sáng duy nhất hắt ra những tòa nhà đang cháy ở vùng đất số 0. Chúng tôi hoàn toàn đơn độc giữa cơn bão bụi”, Hovitz kể lại.
Ai ở New York cũng mất đi người quen sau vụ tấn công
Đối với bất cứ ai sống tại New York, vụ khủng bố đã thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. “Dường như mọi người ở New York, ai cũng mất đi một người quen biết nào đó trong vụ tấn công”, ông John nói.
Phần còn lại của thành phố dần tiến lên sau đau thương, nhưng ở đâu đó, những nạn nhân trực tiếp của sự kiện này hiểu họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại như cũ.
Cuối năm đó, Hovitz bị kích động và căng thẳng. Một tiếng còi, một tiếng động lớn, một tiếng máy bay hay tiếng xe buýt đi qua gờ giảm xóc cũng khiến Hovitz cảm thấy hoảng loạn. Không chỉ vậy, Hovitz phải đối mặt với nỗi sợ cha mẹ hay bản thân mình sẽ chết vào ngày hôm sau.
“Ngày 11/9 như định hình cách tôi lớn lên, và ký ức về ngày đó luôn ở đó, cho dù tôi có chủ động suy nghĩ đến hay không”, Hovitz chia sẻ. “Tôi đã bị ném vào một trong những khoảnh khắc đáng sợ và bi thảm nhất của lịch sử nước Mỹ. Mọi cảm giác an toàn, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, đều biến mất”.
Trong 6 năm gặp qua nhiều bác sĩ, Hovitz không cảm thấy khá hơn và ngày càng cạn kiệt hy vọng. Khi vào đại học, Hovitz vẫn luôn đánh giá những mối nguy xung quanh như “Người đàn ông đó có bom không”, hay “Liệu người kia có ném gạch vào đầu mình không”.
Sau nhiều lần cố “sửa chữa” những gì không ổn, một buổi đánh giá kết luận Hovitz mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) - kết quả của sự kiện ngày 11/9/2001. Hovitz chưa từng nghĩ rằng các triệu chứng của mình có liên quan tới ngày hôm đó. Vậy nhưng, khi nghe chẩn đoán, cô “cảm thấy nhẹ nhõm”.
Nhiều người sống sót và chứng kiến sự việc sau đó đã mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Ảnh: James Nachtwey. |
Sau khi tìm thấy sự giúp đỡ mà bản thân cần, Hovitz cố gắng để "làm hòa" với quá khứ và tiếp tục cuộc sống trong một thế giới đầy rẫy những bất trắc, khủng bố và nỗi kinh hoàng.
Cuối cùng, Hovitz đã dần học cách vượt qua nỗi sợ hãi. Cô giữ vững niềm tin vào khả năng phục hồi về mặt tinh thần của con người, và không ngừng cố gắng làm những điều tốt đẹp cho mọi người.
“Tôi cố gắng giữ liên lạc với người thân yêu hầu như mỗi ngày, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội làm cho họ cười hay nói cho họ biết tôi yêu mến họ nhiều tới mức nào”, Hovitz chia sẻ.
Sujo John cùng vợ cũng trải qua chứng PTSD. Nhưng trong giai đoạn khó khăn nhất, họ đã học cách để tìm kiếm mục đích sống.
“Đó là một khoảng thời gian khủng khiếp, nhưng chúng tôi không để nó định nghĩa bản thân mình. Tôi cũng đã phải vật lộn vì những ngày đó, nhưng tôi không cho phép bản thân lún sâu”, ông nói.
Từ một nhân viên văn phòng, John trở thành một diễn giả truyền cảm hứng và thành lập tổ chức phi chính phủ đấu tranh vì quyền trẻ em và phụ nữ. Với John, cơ hội sống mới đã dạy ông học cách trân trọng và không nên bỏ lỡ bất kỳ ngày nào.
“Trong cuộc sống, ai cũng sẽ gặp nhiều rắc rối, không ít lần lo sợ và vùng vẫy trong tuyệt vọng. Nhưng chúng ta luôn có thể vượt qua nó”, ông chia sẻ. “Chúng ta không thể sống một cuộc đời hối tiếc, cuộc sống đôi khi quá ngắn ngủi”.