Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia UNDP: Đừng lo phát nhầm, chỉ sợ bỏ sót tiền hỗ trợ cho dân

Chuyên gia Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho rằng chính phủ cần có biện pháp đẩy nhanh các gói hỗ trợ để giúp đỡ người dân kịp thời, đặc biệt là đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 24/9, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố hai đánh giá mới về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 đối với những hộ gia đình dễ bị tổn thương và gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cho người bị ảnh hưởng.

Phát biểu trong sự kiện, ông Nguyễn Tiên Phong - Trưởng phòng Tăng trưởng bao trùm của UNDP tại Việt Nam - nhận định với số người bị tác động bởi đại dịch như hiện nay, các điều kiện thủ tục hành chính nên giữ ở mức tối thiểu.

“Chúng ta không lo phát nhầm mà phải lo đầu tiên là dân không bị đói", ông Phong nói. Vị chuyên gia cho biết thêm rằng trong hai báo cáo, UNDP đề ra chính sách để đẩy nhanh hỗ trợ tại khu vực bị ảnh hưởng.

“Chúng ta cần xác định được nhóm dễ bị tổn thương, đó là những người vẫn nhận trợ cấp hàng tháng, hoặc người già, khuyết tật, gia đình có trẻ con. Cần phát hết cho những nhóm này và không cần tiêu chuẩn gì ngoài chứng minh thư, giấy khai sinh", ông cho biết.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 1

Nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn sau thời gian giãn cách. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đẩy nhanh việc hỗ trợ

Tháng 7/2021, Chính phủ công bố gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Đánh giá nhanh về thiết kế và thực hiện gói hỗ trợ thứ hai này, bà Phạm Minh Thu, nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết gói hỗ trợ được ban hành kịp thời giúp những người dân bị mất thu nhập do yêu cầu đóng cửa và giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, bà cũng nhận định quy mô gói hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. “Nguồn kinh phí Việt Nam dự kiến cho gói hỗ trợ là 26.000 tỷ, chiếm khoảng 0,4% GDP hàng năm. Con số này được coi là quá nhỏ trong khi các nước láng giềng đã chi đến 4-5%”, bà Thu cho biết.

Không những vậy, theo bà, chính sách hỗ trợ tiền mặt trong gói hỗ trợ còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Chính sách hỗ trợ tiền mặt từ nguồn ngân sách trung ương cũng bỏ sót một số nhóm đối tượng yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có người khuyết tật, theo vị chuyên gia.

Đặc biệt, bà Thu cho biết vào cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân mới đạt 21% so với tổng gói cứu trợ 26.000 tỷ. Nói cách khác, nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch vẫn đang phải chật vật duy trì cuộc sống mà chưa tiếp cận được hỗ trợ của chính phủ.

Để đẩy nhanh tiến độ này, chuyên gia Nguyễn Tiên Phong của UNDP cho biết cần đơn giản hóa cách tiếp cận về xác định nhóm đối tượng được đề cập trong thiết kế gói hỗ trợ thứ hai.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 2

Cần đơn giản hóa cách tiếp cận xác định nhóm đối tượng được sử dụng trong thiết kế gói hỗ trợ thứ hai. Ảnh: Hải Nam.

Một số người lo ngại tiền có thể trao nhầm cho các hộ gia đình có điều kiện, không cần đến chúng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của UNDP Việt Nam cho biết kinh nghiệm của các nước cho thấy những người giàu thường không mấy bận tâm đến khoản tiền tương đối nhỏ này và cũng không mất công đăng ký để nhận.

“Không ít người đang khó khăn, nếu 6 tháng sau mới giải ngân thì đã quá chậm trễ", ông nói. “Cần để gói cứu trợ đến được các nhóm đối tượng nhanh nhất, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ được xem là yếu tố quyết định”.

Chia sẻ trong sự kiện, bà Thu cho biết thêm đối với nhóm hỗ trợ tiền mặt, trong quá trình triển khai, quá trình xác định và lập danh sách chi trả vẫn còn thực hiện thủ công thông qua các cán bộ tổ dân phố.

“Trong điều kiện giãn cách với nguy cơ dịch bệnh gia tăng như vậy, điều này có thể dẫn đến bỏ sót đối tượng và dẫn đến câu chuyện nhiều người dân không thể nhận hỗ trợ", bà Thu nói.

Trong bối cảnh đó, ông Phong nhận định cần tận dụng các công cụ điện tử và công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đặc biệt trong việc tự đăng ký và thanh toán trực tuyến.

“Chúng ta có nhiều công cụ số hóa như thanh toán điện tử, gửi tiền qua ngân hàng, qua ZaloPay. Chúng ta có thể tận dụng được hết nếu chúng ta ứng dụng được lợi thế của các công cụ này”, ông cho biết.

Tìm giải pháp cho tương lai

Cũng trong sự kiện công bố báo cáo mới, ông Terence D. Jones, đại diện thường trú lâm thời của UNDP tại Việt Nam cho biết tình hình sẽ không thay đổi trong thời gian ngắn; vì vậy Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục thích ứng và triển khai các hành động ứng phó.

“Nhiều nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội có thể đã bị bỏ lại phía sau với thu nhập, công việc bị ảnh hưởng nặng nề. Tiền tiết kiệm của họ đã hoặc đang dần cạn kiệt, hoặc không còn, khiến an ninh lương thực trở thành vấn đề lớn”, ông Jones cho biết.

Theo báo cáo tác động kinh tế xã hội của Covid-19 đối với các gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam, tính đến tháng 7, trung bình thu nhập của các hộ này chỉ bằng 44% so với thu nhập tháng 12/2019. Trong khi đó, 52,5% hộ được hỏi phải giảm bữa ăn trong ngày hoặc giảm khẩu phần ăn trong bữa ăn.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 3

Nhiều người lao động gặp khó khăn khi đại dịch kéo dài. Ảnh: Hải Nam.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Thắng, giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự Báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam khuyến nghị phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn nên được sử dụng trong chiến lược mở cửa trở lại.

“Về vaccine, cần đơn giản hóa thủ tục sàng lọc trước khi tiêm chủng, sửa đổi danh sách ưu tiên tiêm chủng tập trung vào nhân viên y tế và người cao tuổi”, ông cho biết. "Bên cạnh đó, chính phủ cần nhanh chóng ban hành một số chương trình hỗ trợ tiền mặt mới với ngân sách khoảng 5% GDP hàng quý”.

GS Anh: Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó Covid-19 vào mùa đông

Trao đổi với Zing, GS Sian Griffiths nói Việt Nam có thể tham khảo “kế hoạch mùa đông” do chính phủ Anh mới công bố khi sắp bước vào tháng lạnh với nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.

Châu Á thận trọng mở cửa dù chiến dịch tiêm chủng khả quan

Dù tỷ lệ người dân được tiêm chủng ngày càng cao, nhiều nước châu Á vẫn thận trọng mở cửa theo lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh.

Minh An

Bạn có thể quan tâm