Vụ việc diễn ra từ cuối năm 2016 đến năm 2018, khiến chính quyền Donald Trump cáo buộc rằng các nhà ngoại giao đã bị tấn công bởi một loại vũ khí bí mật. Phía Canada kiềm chế không đưa ra cáo buộc, theo Guardian.
Năm 2017, Mỹ đã cắt giảm số nhân viên của đại sứ quán ở thủ đô Havana, Cuba, xuống mức tối thiểu. Canada gần đây cũng có động thái tương tự với lý do nhân viên bị ảnh hưởng bởi "hội chứng Havana".
Các nhà ngoại giao gặp phải triệu chứng về nhận thức, từ chóng mặt và mờ mắt đến mất trí nhớ và khó tập trung.
Để tìm hiểu nguyên nhân, những nhà khoa học từ Đại học Dalhousie và Cơ quan y tế Nova Scotia đã nghiên cứu các nạn nhân Canada và thậm chí não của một con chó cưng sau khi chết ở Canada.
Đại sứ quán Mỹ tại Havana, Cuba. Ảnh: AP. |
Kết quả cho thấy những người này thiếu cholinesterase, một loại enzyme cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh. Một số loại thuốc trừ sâu hoạt động bằng cách ức chế chất này.
Trong giai đoạn 2016-2018, Cuba cũng đẩy mạnh việc phun thuốc tiệt trùng để phòng tránh dịch Zika lây lan. Đó cũng là khoảng thời gian các nhà ngoại giao có triệu chứng bất thường.
Nghiên cứu cho thấy nhân viên đại sứ quán mắc bệnh trùng khớp với thời điểm phun thuốc tiệt trùng trong và xung quanh nơi cư trú. Một trong những tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Alon Friedman, cho biết cả cơ quan công quyền của Canada và Cuba đều được phun thuốc tiệt trùng.
"Chúng tôi kết luận rằng việc phơi nhiễm quá mức với chất ức chế cholinesterase là nguyên nhân của chấn thương não", giáo sư Friedman nói và cho biết cũng không thể loại trừ một số nguyên nhân khác.
Ông Friedman cho biết hiện không rõ liệu người dân Cuba có bị ảnh hưởng bởi thuốc tiệt trùng hay không nhưng nhóm của ông đang lên kế hoạch nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này cùng với các nhà khoa học Cuba.