Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ 'công chúa Huawei': TQ gây áp lực với Canada, tránh gây sự với Mỹ

Bắc Kinh đang tập trung sức ép vào chính phủ Canada nhưng lại tránh tạo áp lực lên Washington, không muốn vụ CFO Huawei bị bắt liên kết với đàm phán thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

Những yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei, đang tập trung vào chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau. Dù việc bà Mạnh bị bắt giữ là dựa trên yêu cầu của tòa án Mỹ, phía Bắc Kinh lại phản ứng chừng mực khi động đến Washington.

Giới phân tích chính sách cho rằng Trung Quốc quyết định tạo sức ép với Canada xoay quanh vụ bắt giữ của bà Mạnh vì muốn tránh rơi vào thế đối đầu với chính phủ Mỹ giữa lúc đang tìm kiếm giải pháp cho chiến tranh thương mại, theo South China Morning Post.

"Hậu quả nghiêm trọng" với Canada

Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập kiêm chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ ngày 1/12 khi đang quá cảnh ở sân bay Vancouver. Vụ việc diễn ra ngay ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Argentina, thảo luận ngưng leo thang chiến tranh thương mại và khởi động đàm phán.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lạc Ngọc Thành, ngày 8/12 đã triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để "kịch liệt phản đối" vụ bắt giữ và đe dọa nước này đối diện "hậu quả nghiêm trọng" nếu bà Mạnh không được thả.

cong chua Huawei bi bat anh 1
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại Canada có rủi ro tác động đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, tòa án liên bang tại New York là bên đề nghị cơ quan chấp pháp Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ. Các công tố viên cáo buộc bà Mạnh che đậy mối liên hệ giữa Huawei với một doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho Iran và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Dù vậy, thái độ của Bắc Kinh đối với Washington lại mềm mỏng hơn nhiều. Một ngày sau cuộc gặp với ông McCallum, ông Lạc lại triệu tập đại sứ Mỹ Terry Branstad để phản đối vụ bắt giữ nhưng không đưa ra đe dọa cụ thể. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói những phản ứng của Bắc Kinh sẽ tùy vào các động thái kế tiếp từ phía Washington. Truyền thông nhà nước ở Trung Quốc cũng hết sức tiết chế những phản ứng nhắm vào cường quốc phía bên kia Thái Bình Dương.

Vương Nghĩa Nguy, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng vụ bà Mạnh được thực hiện bởi một "phe phái" ở Washington muốn ngáng đường đàm phán thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ bất lợi nếu để vụ án đảo ngược thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về 90 ngày "đình chiến" thương mại.

"Trung Quốc cần nhận thức rõ bức tranh lớn và hiểu ưu tiên hàng đầu là gì. Những đàm phán thương mại được nhất trí giữa hai nhà lãnh đạo không nên để bị đứt quãng", ông Vương nhận định.

Cả hai cơ quan là bộ Ngoại giao và bộ Thương mại của nước này vẫn chưa động đến mối liên hệ giữa việc bà Mạnh bị bắt giữ với đàm phán thương mại. Trong khi những cảnh báo và đe dọa dồn lên Canada, Bắc Kinh tiếp tục dùng những lời lẽ tích cực và nhiều hy vọng dành cho đối thoại Mỹ - Trung.

Một số chuyên gia khác của Trung Quốc cho rằng vụ việc của CFO Huawei có thể được đề cập thông qua các kênh ngoại giao chứ không cần liên kết với đàm phán thương mại. Các học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không muốn làm phức tạp hóa các vấn đề kinh tế, để vụ bắt giữ của bà Mạnh trở thành nguồn áp lực khác buộc Trung Quốc nhượng bộ trên bàn đàm phán.

Tại hội thảo cấp cao ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, ngày 9/12, một lãnh đạo của Hội đồng Nghiên cứu Phát triển, cơ quan tư vấn cho nội các Trung Quốc, tiếp tục nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc liên kết chặt chẽ và không thể tách rời.

Theo New York Times, phát biểu này cho thấy Trung Quốc vẫn đang tìm cách ngăn rắc rối của Huawei lan sang đàm phán thương mại, đồng thời tỏ vẻ cứng rắn để làm hài lòng làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Cùng ngày, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng nhấn mạnh hai nước cần tập trung cho đàm phán thương mại trong thời hạn 90 ngày mà các bên đã thống nhất. Trả lời CBS về việc CFO Huawei bị bắt giữ, ông Lighthizer cho rằng không nên để vụ án ảnh hưởng đến đối thoại thương mại.

"Đây là vấn đề hình sự. Vụ việc tách biệt hoàn toàn với những gì tôi đang làm hoặc những vấn đề mà giới hoạch định chính sách thương mại trong chính phủ đang tập trung", ông nhấn mạnh.

Canada sẽ không dễ bị áp lực

Bắc Kinh vẫn duy trì sức ép của mình lên Canada. Tờ Global Times ngày 9/12 đăng bài chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Trudeau đang lấy lòng Washington bằng việc bắt giữ không chính đáng công dân Trung Quốc.

"Nếu bà Mạnh không được chấp nhận tại ngoại và bị dẫn độ, Canada sẽ nhận được sự trân trọng tối thiểu từ Mỹ và phản ứng tối đa từ Trung Quốc", bài xã luận cảnh báo. 

Tòa án tại Canada ngày 10/12 sẽ tiếp tục phiên tranh luận liệu bà Mạnh Vãn Châu có được tại ngoại hay không.

cong chua Huawei bi bat anh 2
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuần qua khẳng định việc bắt giữ CFO Huawei được tiến hành độc lập, không có động cơ chính trị. Ảnh: Postmedia Network.

Tờ báo cho rằng người dân Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ trước vấn đề này và yêu cầu chính phủ áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn nhắm vào Canada. "Lợi ích của Canada sẽ bị tổn hại nếu quan hệ Trung Quốc - Canada đối diện rủi ro thoái trào", bài xã luận của Global Times nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Justin Trudeau, sức ép của Bắc Kinh sẽ không thể khiến Canada chùn tay.

"Dường như Bắc Kinh không hiểu hoặc không tin được rằng tòa án hoạt động độc lập tại một nước có nền pháp quyền. Việc tạo áp lực lên chính phủ Canada là vô nghĩa. Các thẩm phán sẽ tự đưa ra quyết định", Paris nhận định.

Thời An Hoằng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng dự báo khó có khả năng Canada chịu thua sức ép từ Bắc Kinh và trả tự do cho CFO tập đoàn Huawei. "Nếu Trung Quốc trả đũa Canada, phương Tây sẽ lên tiếng chỉ trích vì sao Trung Quốc không có động thái nhắm đến nguồn gốc vấn đề là Mỹ", ông cảnh báo.

Canada đã bắt đầu có các phản ứng cụ thể trước sức ép từ Bắc Kinh. Ngày 9/12, tỉnh British Columbia đã hủy kế hoạch gửi phái đoàn thương mại sang Trung Quốc. Giới chức địa phương thông báo quyết định có liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, theo AP. Tòa án thành phố Vancouver thuộc tỉnh British Columbia chính là nơi thụ lý đơn xin bảo lãnh tại ngoại của bà Mạnh.

Henry Chan Hing Lee, một nghiên cứu viên tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá những nhân tố cổ súy chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang gây ra những sức ép không khác gì nhóm bảo thủ tại Mỹ nhằm ngăn cản thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

"Các bên sẽ cực kỳ cẩn trọng khi giải quyết vấn đề vô cùng phức tạp này. Đối đầu kéo dài với Washington sẽ dẫn đến rắc rối (cho Bắc Kinh)", ông cảnh báo.

Bắc Kinh không muốn vụ CFO Huawei 'bẻ lái' đàm phán Mỹ - Trung

Việc con gái người sáng lập tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc bị bắt giữ tại Canada làm dấy lên lo lắng về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vốn vừa được khơi thông không lâu.

CFO Huawei vừa bị bắt: Từ trâm anh thế phiệt đến quân cờ Mỹ - Trung

Việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ mới đây được cho là bước đi phục vụ mục tiêu chính sách của Mỹ với Trung Quốc vì xuất thân danh giá và tầm ảnh hưởng của CFO Huawei.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm