Về đạo đức nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng phải có, đạo đức ngành y không chỉ hình thành trong 6 năm học tập mà đòi hỏi cả quá trình và sự rèn luyện của chính bản thân người đó. Vụ Cát Tường là đỉnh điểm, đó không chỉ là vấn đề đạo đức ngành y mà là việc mất nhân tính. Vụ việc này không chỉ gây bức xúc, đau đớn cho nạn nhân mà còn làm đau đớn cả ngành y. Tất cả cán bộ ngành y đều có cảm giác không thể tin đó là sự thật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Nguyên nhân xuống cấp đạo đức có nhiều, chúng tôi chỉ nêu một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, bản thân người đó không tự rèn luyện mình. Thứ hai, cơ chế thị trường có những mặt tích cực nhưng cũng có những mặt tiêu cực, chạy theo lợi nhuận, mong kiếm được nhiều tiền bất chấp khả năng của mình về mặt chuyên môn.
Thứ ba, quá tải bệnh viện công, thái độ và trách nhiệm của bác sĩ không đáp ứng được yêu cầu. Thứ tư, người dân tin vào quảng cáo, tư đi đến những nơi không có cơ sở vật chất đầy đủ để thực hiện dịch vụ y tế và một số nguyên nhân khác.
Nhìn chung đây là lần cảnh tỉnh toàn bộ hệ thống y tế của chúng ta để chúng ta nhìn lại, vượt qua khó khăn và quyết tâm sửa chữa.
Ngoài những văn bản, quy định đã ban hành, hiện chúng tôi đang biên soạn thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp. Việc này cũng rất nhạy cảm. Nhiều cán bộ y tế nói với chúng tôi tại sao ngành khác không có mà ngành này lại xây dựng một quy chế đặc biệt, ai mà chẳng cần phải có đạo đức. Chúng tôi bảo rằng "ngành y đụng chạm đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Sai sót của một kỹ sư máy tính chỉ dẫn đến việc chiếc máy đó hư, trong khi nếu chúng ta sai sót sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người khác". Rủi ro trong y khoa không phải tính bằng giờ mà bằng phút.
Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả những nước phát triển như Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong ở sản phụ cũng là 7/100.000. Người thầy thuốc ngoài trách nhiệm chuyên môn còn trách nhiệm lương tâm nên rất căng thẳng và đòi hỏi phải học suốt đời, vì những lý do đó nên chúng tôi quyết tâm ban hành thông tư này.
Lập đường dây nóng để dân phản ảnh
Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đang lập đường dây nóng ở 3 cấp: Bộ Y tế, Sở Y tế, bệnh viện huyện, tỉnh và sớm triển khai để người dân có thể gọi lên phản ảnh.
Trong thời gian qua chúng tôi nhận hơn 1.000 cuộc gọi trực tiếp, trong đó 50% người dân phản ánh thái độ phục vụ của cán bộ y tế không tốt. Việc này chúng tôi sẽ chấn chình bằng thi đua, hình thức kỷ luật khen thưởng và tài chính.
Tổ chức 11 lớp về quy tắc ứng xử
Bà Tiến cho biết Bộ Y tế đã tổ chức 11 lớp về quy tắc ứng xử đạo đức cho khoảng 6000 cán bộ, nhân viên y tế, đây là điều chưa từng có trong lịch sử. "Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa vào kỷ luật, nếu bệnh viện, đơn vị nào vi phạm sẽ bị hoãn trao những danh hiệu thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề rất lớn, đặc biệt là ngành y, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về vấn đề này và mong xã hội, đại biểu Quốc hội, cả hệ thống cùng giám sát giúp chúng tôi và đây là lúc ngành y cần xốc lại vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
"Chúng tôi hy vọng đại biểu và nhân dân nhìn nhận một cách khoan dung và toàn diện hơn đối với ngành y. Một năm ngành y khám chữa bệnh cho hơn 121 lượt triệu người khám BHYT chưa có dịch vụ và khoảng 400.000 người ngoài công lập.
Với số lượng như thế không thể tránh khỏi những tai biến và cũng có những con sâu làm rầu nồi canh nhưng chúng tôi đã rất cố gắng. Sắp tới cũng có những đột phá trong ngành y, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho tuyến dưới và nâng chất cho tuyến dưới", bà Tiến nói.