Năm 2018, VinSmart chính thức bước vào thị trường smartphone với thương hiệu Vsmart. Vào thời điểm đó, dù là “sân nhà”, thị trường smartphone Việt lại bị thương hiệu nước ngoài thống trị hoàn toàn.
Vậy nhưng VinSmart đặt ra tham vọng không hề nhỏ. Tân binh smartphone Việt đặt mục tiêu chiếm tới 30% thị trường Việt Nam trong vòng 2 năm. Qua hơn một nửa chặng đường, những thành quả mà thương hiệu này đạt được tới nay cho thấy mục tiêu ban đầu không hề là con số viển vông.
Trước Vsmart, thị trường trong nước đã chứng kiến nhiều thương hiệu smartphone Việt ra mắt. Tuy nhiên, trong gần 10 năm, những thương hiệu Việt chỉ để lại dấu ấn ít ỏi và dần biến mất khỏi thị trường.
Những con số thống kê không biết nói dối. Từ rất lâu, những thương hiệu smartphone Việt Nam chỉ được đưa vào danh sách “các hãng khác” trong bảng số liệu smartphone bán tốt nhất trong nước, với thị phần không đáng kể. Thị trường smartphone Việt Nam nhiều năm liền do những cái tên nước ngoài thống trị.
Không phải là những thương hiệu Việt không có nỗ lực nghiên cứu thị trường, giới thiệu sản phẩm mới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá khắc nghiệt từ các hãng lớn trên thế giới ngày càng thu hẹp cơ hội của những thương hiệu nội địa.
Không sở hữu công nghệ độc quyền hay tiên tiến, cũng chẳng thể bán giá rẻ mãi vì ngành công nghệ ngày càng hội nhập, các thương hiệu này cứ thế đuối dần.
“Khi anh không có nội lực, hoàn toàn dựa vào người khác, phụ thuộc vào người khác thì chuyện anh không tồn lại lâu dài là bình thường”, giám đốc một chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ tại Việt Nam tóm gọn quá trình gục ngã của nhiều thương hiệu smartphone Việt trên chính sân nhà.
Trái ngược với những sự đầu tư nhỏ lẻ nói trên, VinSmart cho thấy sự nghiêm túc của mình ngay từ những ngày đầu tham gia thị trường. Từ khi chưa ra mắt sản phẩm nào, VinSmart đã công bố những sự hợp tác với nhiều tên tuổi trong ngành công nghệ như Qualcomm (Mỹ), Fujitsu (Nhật Bản) hay BQ (Tây Ban Nha).
Những sự hợp tác này cho thấy tầm nhìn của VinSmart không chỉ là một dự án thương mại mà còn xa hơn thế: Đưa ra những sản phẩm do chính người Việt làm chủ công nghệ.
Tháng 12/2018, thương hiệu smartphone Vsmart chào sân thị trường Việt với loạt sản phẩm giá mềm, tập trung vào chính sách hậu mãi. Tuy nhiên, thị trường smartphone Việt Nam vốn được đánh giá là rất khốc liệt đối với cả những tay chơi giàu kinh nghiệm, do vậy cũng không dễ dàng với một tân binh như Vsmart.
Trong nửa năm từ khi ra mắt những sản phẩm đầu tiên, Vsmart chưa thực sự bật lên về thị phần. Số lượng máy bán ra luôn ở mức gần 3% của thị trường có thể là con số chấp nhận được với nhiều thương hiệu, nhưng còn rất xa mục tiêu mà VinSmart tự đặt ra.
Tuy nhiên, khoảng thời gian VinSmart không gây ấn tượng về mặt thị phần cũng là lúc họ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Tháng 6/2019, VinSmart công bố khởi công Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) trên diện tích 15,2 ha. Công suất của nhà máy này gấp 25 lần nhà máy đầu tiên tại Hải Phòng, đạt tới 125 triệu máy/năm.
Không lâu sau, VinSmart công bố Vsmart Live, thuộc thế hệ smartphone Vsmart thứ hai. Cùng với chiếc điện thoại này, họ tiết lộ kế hoạch trở thành Nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM). Đến lúc này, chiến lược dài hơi của VinSmart đã dần thành hình.
Chia sẻ về kế hoạch trở thành hãng ODM, ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động - Công ty VinSmart, tiết lộ trong năm 2020 sẽ có thể cung cấp trọn gói dịch vụ như một nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM) cho các hãng điện thoại thế giới.
"Dịch vụ của chúng tôi sẽ từ thiết kế, sản xuất linh kiện, phụ kiện cho tới sản xuất điện thoại hoàn chỉnh. Vsmart sẽ là hãng điện thoại Việt Nam đầu tiên làm được điều này", ông Việt chia sẻ với báo chí về định hướng phát triển của VinSmart vào tháng 8/2019.
Đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất song song với thương mại, VinSmart đã cho thấy sự khác biệt của một công ty “dám nghĩ lớn”.
Những nỗ lực của VinSmart đã cho thấy thành quả vào cuối năm 2019. Tháng 11/2019, thị phần Vsmart vọt lên mức 6%, lọt vào nhóm những thương hiệu bán chạy nhất trên thị trường. Thành công đó đến từ sản phẩm thuyết phục cùng mức giá bán hợp lý của những chiếc Vsmart Live, Vsmart Star.
Đầu năm 2020, ngay trước mùa mua sắm Tết, Vsmart Active 3 ra mắt. Sở hữu thiết kế camera trượt hợp xu thế và cấu hình mạnh, Vsmart Active 3 cũng được người dùng yêu thích không kém những người anh em.
Một lần nữa, những con số không nói dối. Sức hấp dẫn của nhóm sản phẩm Vsmart giúp thương hiệu này đạt thị phần 7,7% vào cuối tháng 1, và lần đầu tiên lọt vào top 3 thương hiệu smartphone tại Việt Nam.
Có một đặc điểm của thị trường Việt Nam vài năm nay, đó là vị trí cạnh tranh nhất lại là vị trí số 3. Đã có 3-4 cái tên thay phiên nhau nắm vị trí này với 7-9% thị phần, và nhanh chóng bị một tên tuổi khác thay thế.
Con số 10% vì thế trở thành một cột mốc để mọi hãng phấn đấu. Vsmart đã chính thức vượt qua cột mốc này vào tháng 2 khi bứt phá ngoạn mục và đạt thị phần tới 11,2%, vượt xa nhiều đối thủ tới từ Mỹ hay Trung Quốc. Sự xuất hiện của Vsmart Joy 3 vào cuối tháng 2 càng khiến cho vị thế của hãng vững chắc hơn.
Theo những số liệu cập nhật theo tuần gần đây, thị phần Vsmart tăng liên tục và đã vượt qua mốc 16% vào tuần cuối tháng 3. Khoảng cách xa so với các thương hiệu bám đuổi giúp Vsmart khẳng định chỗ đứng vững chắc trong nhóm 3 thương hiệu dẫn đầu.
Với tốc độ tăng trưởng thần kỳ, Vsmart đã chính thức trở thành một “ông lớn” trên thị trường smartphone Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu, Vsmart đã được định hướng như một dòng smartphone dễ tiếp cận với mọi người dùng. Các sản phẩm của hãng đều có mức giá dưới 4 triệu, và những dòng máy phổ thông vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhất. Theo báo cáo của GfK, phân khúc smartphone dưới 1 triệu đồng đã tăng mạnh lên 4,4% trong quý I/2020, trong đó Vsmart chiếm tới 77% thị phần.
Tương tự, phân khúc smartphone dưới 2 triệu cũng tăng mạnh khi đạt 11,1%, và Vsmart vẫn áp đảo với 70% thị phần. Có thể nói trong 3 tháng đầu năm, Vsmart đã “phổ cập” dòng smartphone phổ thông tới thị trường Việt.
Điều gì đã mang lại thành công cho smartphone Vsmart? Về mặt thị phần, có thể thấy chiến lược giới thiệu sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý đã phát huy tác dụng. Người dùng ở bất cứ quốc gia nào cũng rất thực dụng, và chỉ những sản phẩm mang giá trị cao mới có thể thuyết phục được họ.
Trong tương lai, chiến lược đầu tư dài hạn, bài bản ngay từ những ngày đầu còn có thể mang lại những thành công lớn hơn cho Vsmart. Với hàm lượng công nghệ, chất xám Việt Nam mang lại giá trị lâu dài, lớn dần qua từng thế hệ smartphone mà công ty này xuất xưởng. Đó còn là biểu tượng cho khát vọng công nghệ Việt.
Việc đầu tư cho hệ thống chăm sóc khách hàng, bảo hành và dịch vụ rộng khắp trên cả nước cũng cho thấy sự nghiêm túc và cam kết lâu dài của Vsmart. Dù ra mắt những chiếc smartphone Vsmart đầu tiên ở tầm trung và phổ thông, VinSmart vẫn giới thiệu chính sách chăm sóc khách hàng khác biệt như thời gian bảo hành lên tới 18 tháng, và một đổi một trong 101 ngày.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, chính sách hậu mãi chính là yếu tố đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Để có thể gắn bó và phục vụ lâu dài, hệ thống chăm sóc sau bán hàng là điều mà bất kỳ thương hiệu tầm cỡ nào cũng phải sở hữu.
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng người Việt Nam cũng đã có một thương hiệu smartphone Việt xứng tầm, có thể cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới. Nếu có một chiếc điện thoại Việt Nam “cho mọi nhà”, đây chính là sứ mệnh của Vsmart.
Bình luận