Zing trích dịch bài viết của Sixth Tone, BBC về dự án nghệ thuật của Zhou Wenjing, đề cập đến việc nhiều phụ nữ Trung Quốc bị cưỡng ép đeo vòng tránh thai trong thời gian đất nước tỷ dân áp dụng chính sách một con. Sau nhiều năm, dù chính sách đó đã chấm dứt, những nỗi đau và di chứng về sức khỏe vẫn còn in dấu trên cơ thể họ.
Ở một góc trưng bày trong bảo tàng Bắc Kinh, hàng trăm sợi dây đồng xoắn được treo trước tấm vải nhung xanh. Dưới ánh đèn huyền ảo, những sợi đồng trông như món trang sức tinh tế. Một số sợi được uốn giống loài hoa hiếm, một số khác tựa trâm cài đầu.
Thực chất, đó là những chiếc vòng tránh thai - dụng cụ phổ biến nhất được dùng để hạn chế phụ nữ sinh nở trong thời gian Trung Quốc áp dụng chính sách một con.
Zhou Wenjing đã thiết kế lại những chiếc vòng tránh thai thời đó. Suốt gần một thập kỷ, nghệ sĩ 31 tuổi đã nỗ lực để phô bày ảnh hưởng nặng nề của chính sách một con đối với phụ nữ nước này và hệ lụy còn kéo dài cho đến tận ngày nay.
Hơn 300 loại vòng tránh thai được thiết kế thủ công trong dự án của Zhou Wenjing. |
“Chúng thật đẹp nhưng càng nhìn càng sợ hãi”
Cuối những năm 70, chính phủ Trung Quốc quy định các gia đình chỉ được sinh một con nhằm hạn chế bùng nổ dân số. Nhiều hình phạt nghiêm khắc được đưa ra cho những ai dám làm trái quy định.
Vòng tránh thai là dụng cụ được sử dụng phổ biến nhất nhằm mục tiêu kìm hãm sự gia tăng dân số. Các bà mẹ được yêu cầu đeo vòng tránh thai ngay sau khi sinh xong.
Theo số liệu chính thức, từ năm 1980-2014, ước tính có khoảng 324 triệu phụ nữ tại đất nước tỷ dân đã đặt vòng tránh thai.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hồ Nam, Zhou gần như không biết về chính sách này. Chỉ đến khi mẹ cô đột ngột phải nhập viện vào năm 2011, cô lần đầu tiên biết tới vòng tránh thai.
Ám ảnh về nỗi đau của mẹ, Zhou thực hiện dự án nghệ thuật để nêu bật nỗi đau hàng triệu phụ nữ phải chịu đựng khi bị cưỡng ép đeo vòng tránh thai. |
Zhou ngỡ ngàng khi biết mẹ đã phải đeo vòng tránh thai suốt 20 năm, đến nỗi chiếc vòng dính chặt vào cơ thể khiến bà đau đớn. Sau khi bác sĩ lấy được nó ra, mẹ Zhou bị xuất huyết nặng và phải tiếp tục phẫu thuật, điều trị.
Sự việc khiến Zhou, khi đó mới 20 tuổi, bị ám ảnh nặng nề. Trong những năm sau đó, cô đã nghiên cứu kỹ các biện pháp kiểm soát dân số của Trung Quốc và phỏng vấn 50 phụ nữ từng đặt vòng tránh thai.
Trong 50 người tham gia phỏng vấn, có những người giống như mẹ Zhou, từng phải chịu chính sách triệt sản cưỡng bức, cũng có người tự nguyện đặt vòng tránh thai.
“Đa số những người lớn tuổi, sinh ra trong những thập niên 60-70, nói với tôi rằng vòng tránh thai là một hình thức bạo lực. Hồi đó, họ không có nhiều kiến thức nên không biết cách tự chăm sóc sau khi đặt vòng tránh thai”.
Một điều Zhou nhận thấy trong các cuộc phỏng vấn là chính quyền chỉ yêu cầu các bà mẹ đặt vòng tránh thai nhưng không cho biết khi nào cần lấy ra. Bởi vậy, phần lớn phụ nữ chỉ lấy vòng tránh thai sau khi mãn kinh - thời điểm không còn khả năng sinh nở nữa.
Những chiếc vòng tránh thai là biểu tượng ám ảnh hàng triệu phụ nữ Trung Quốc. |
Zhou nói rằng những cuộc trò chuyện với các phụ nữ trẻ tuổi khiến cô ngạc nhiên hơn cả. Đa số họ chọn vòng tránh thai như một biện pháp đơn giản mà bạn bè hay người thân giới thiệu. Tuy nhiên, trước khi đặt, họ không biết về cơ chế hoạt động cũng như mối nguy tiềm ẩn cho sức khỏe hay sự khác nhau của các loại vòng.
Kết quả của dự án này là tác phẩm của Zhou mang tên “Woman Series: IUD” - bộ sưu tập hơn 300 vòng tránh thai thủ công được nghệ sĩ này hoàn thành vào năm 2014.
Năm 2015, chính sách một con được bãi bỏ, các gia đình được phép sinh 2 con. Tuy nhiên, chiếc vòng tránh thai vẫn là nỗi ám ảnh của hàng triệu phụ nữ nước này, trở thành biểu tượng cho ký ức đau buồn.
“Woman Series: IUD” nhiều lần được tổ chức triển lãm tại Trung Quốc, lần gần đây nhất là ở Trung tâm nghệ thuật Staw của Bắc Kinh. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ, thu hút sự chú ý lớn.
“Chúng thật đẹp, nhưng càng nhìn vào tôi càng thấy sợ hãi”, Jiang Jinjing - một nhà bình luận về nữ quyền nổi tiếng - đã viết trên Weibo sau khi nhìn thấy tác phẩm của Zhou.
Nỗi đau in hằn trên cơ thể phụ nữ
Từ năm 2015, Zhou chuyển đến sinh sống tại Pháp. Cô hoàn thành khóa học thạc sĩ tại L’École Supérieure des Beaux-Arts de Nantes Métropole vào năm 2017. Từ đó đến nay, những nghiên cứu, trải nghiệm về phụ nữ vẫn luôn là trọng tâm trong các dự án của Zhou.
Zhou gắn bó với các dự án liên quan đến phụ nữ. |
Cô hoàn thành khóa học của mình với “Red Series” - tác phẩm gồm các mô hình dao phẫu thuật, bụng bầu, thuốc tránh thai và vòng tránh thai. Tất cả đều được thiết kế có màu đỏ thẫm.
“Chảy máu là trải nghiệm thể chất thường xuyên của một người phụ nữ bình thường. Nó gắn với kỳ kinh nguyệt, sinh con, chấn thương hay bệnh tật”, Zhou nói.
Năm 2016, cô thực hiện một dự án khác liên quan đến vòng tránh thai sau khi cảm thấy chưa hài lòng với dự án đầu tiên.
Tác phẩm lần này được làm bằng gốm sứ, chất liệu có vẻ ngoài khá giống da người. Zhou đặt vòng tránh thai lên đất sét, lấy ra rồi nung lên thành gốm với dấu vết chiếc vòng trên đó, nhằm nhấn mạnh nỗi đau in hằn lên thân thể người phụ nữ.
Zhou cho rằng mọi phụ nữ đều có thể trải qua nỗi đau thể chất song trải nghiệm của họ rất khác nhau.
“Khái niệm về ‘phụ nữ’ rất trừu tượng nhưng cuộc sống của họ cụ thể, cũng giống như ‘nghệ thuật’ là thứ trừu tượng nhưng tác phẩm đưa ra lại cụ thể. Thế nên tôi không nói tác phẩm của mình đại diện cho trải nghiệm của mọi phụ nữ”.
Zhou nói nhiều người gọi cô là một nhà hoạt động nữ quyền hoặc nhấn mạnh cô là “nữ” nghệ sĩ. Cô không thích điều đó, cũng không định nghĩa mình là một nhà nữ quyền.
“Tôi sẽ không nói tác phẩm của mình chứa đựng sự chỉ trích mạnh mẽ bởi tôi không phải nhà khoa học hay bác sĩ. Tôi không cố gắng giải quyết các vấn đề y tế hay xã hội mình nêu ra, tôi chỉ đặt câu hỏi và thể hiện chúng thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình. Mọi người xem tác phẩm của tôi và tự có nhận xét cho bản thân”.