Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vong' nhập vào nhân viên ngân hàng giúp 'cậu Thủy' tìm mộ

Người mặc đồng phục có in dòng chữ Ngân hàng Chính sách xã hội bị "vong" nhập, giúp “cậu Thủy” chỉ vị trí hài cốt. Nhưng, với việc 9 hài cốt là giả, xương động vật thì "vong" nào đã nhập vào người này?

Bộ 3 nhập đồng

Ngày 25/7, tại thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị), Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) cùng với Nguyễn Văn Thúy (tức "cậu Thủy") tổ chức buổi quy tập hài cốt liệt sĩ Tạ Văn Tín. Sự việc đã bị phát giác là giả mạo ngay trong buổi quy tập. Từ vụ này mà đường dây bốc hài cốt liệt sĩ giả của "cậu Thủy" bị phanh phui và người đàn ông này bị bắt sau đó.

“Cậu Thủy” tìm vị trí mộ bằng cách gọi hồn liệt sĩ về nhập vào người sống để chỉ vị trí. Đến ngày bị bắt, Thủy 4 lần thực hiện cất bốc hài cốt bằng phương pháp này. Đặc biệt, trong 4 lần đó có đến 3 lần "vong" nhập vào người mặc áo có in dòng chữ VBSP (2 lần vào đợt diễn ra từ 6 - 9/3 tại xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo, Đắk Lắk và lần thứ 3 là ngày 25/7 tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh).

"Vong" nhập vào một phụ nữ...

Trong cả 3 lần được “liệt sĩ” nhập vào, người phụ  nữ này đều mang áo xanh đồng phục, quần jean và giày thể thao. Theo VTV, người phụ nữ này tên là Hải Anh.

Khi "vong" nhập vào, Hải Anh nhắm mắt, tay cầm một nắm hương. 2 người đàn ông mặc đồng phục xanh VBSP, đeo thẻ ban tổ chức dìu người phụ nữ này đi. Tại Đắk Lắk và cả Quảng Trị, bộ 3 này trở thành “hoa tiêu”, chỉ vị trí mộ liệt sĩ giúp “cậu Thủy”.

Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, người trực tiếp chỉ huy việc cất bốc vào ngày 25/7, cho biết: “Lúc tìm hài cốt ở Quảng Trị, tôi thấy 2 người đưa "vong" đi như biết trước vị trí mộ, vì họ kéo và đẩy đi. Có thể có kịch bản dựng trước”. Xương cốt "cậu Thủy" bốc lên được giám định là của động vật, không được công nhận là hài cốt liệt sĩ. Vậy "vong" nào đã nhập vào nhân viên VBSP?

Không chỉ dìu “vong”, một người đàn ông đi cạnh đã tranh luận với Đại tá Trần Minh Thanh về sự vô lý giữa nơi hy sinh và vị trí chôn cất. Đại tá Thanh thắc mắc liệt sĩ Tạ Văn Tín hy sinh tại cao điểm 420 ở huyện Hướng Hóa, nhưng tại sao vị trí chôn cách hơn 100km? 

... Rồi người này được dìu đi tìm vị trí mộ.

Người đàn ông này cho rằng đó là chuyện bình thường vì ông có người thân hy sinh năm 1975 tại Bình Dương, nhưng sau này tìm được hài cốt ở miền Trung. Nghe vậy, ông Thanh hỏi lại giấy báo tử gửi về khi nào, và hy sinh ở đâu? Người này trả lời chắc chắn là Bình Dương. Ngay sau đó ông Thanh lật tẩy rằng tỉnh Bình Dương chưa có vào thời điểm 1975.

Xin di vật về không cần giám định

Sau vụ cất bốc hài cốt với nhiều dấu hiệu cho thấy hiện trường bị làm giả, ngày 1 và 2/8, VBSP chủ động làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị và Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh. Tại 2 buổi làm việc này, lãnh đạo VBSP muốn “xin” hài cốt về, chấp nhận bỏ qua khâu giám định dù có nhiều nghi vấn.

Các buổi làm việc còn có đại diện thân nhân 3 gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên, buổi làm việc này không có mặt “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thuỷ.

Một lần cất bốc hài cốt liệt sĩ của VBSP tại Bình Phước

Trước những thông tin giả mạo và phi lý của buổi cất bốc, VBSP không có phản hồi gì mà chỉ xin cơ quan quân sự tỉnh Quảng Trị cho người nhà đem các hài cốt về quê mai táng. Các thân nhân liệt sĩ cũng xin cơ quan quân sự tỉnh cho mang hài cốt về nhà mà không cần giám định ADN. 

Việc làm này của VBSP có nhiều khuất tất, khiến dư luận nghi ngờ phải chăng VBSP biết trước có điều mờ ám trong lần cất bốc hài cốt ở Quảng Trị? Công an Quảng Trị sáng 31/10 cho biết đang điều tra để sớm đưa vụ việc ra ánh sáng.

Chỉ đơn vị quân sự mới được quyền quy tập hài cốt liệt sĩ 

Sáng 31/10, Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, cho biết Nhà nước nghiêm cấm tìm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm và chỉ có cơ quan quân sự mới được quyền quy tập hài cốt liệt sĩ. 

Ông rất bức xúc và bất bình trước hành động táng tận lương tâm của "cậu Thủy". “Hành vi này cần sớm đưa ra ánh sáng để làm gương, nghiêm trị cho những nhà ngoại cảm giả mạo còn hoạt động”, Đại tá Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, từ nhiều năm nay, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tìm kiếm, phát hiện hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, chỉ có Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân sự địa phương mới được quyền cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nhà ngoại cảm tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. “Với cương vị của mình, tôi nhiều lần chứng kiến các cuộc tìm kiếm bằng ngoại cảm và chưa lần nào thấy họ tìm được hài cốt liệt sĩ. Thực sự tôi không tin vào ngoại cảm dù biết khả năng con người là vô hạn và có nhiều điều khoa học chưa chứng minh”, ông Thanh nói và cho biết nếu có yếu tố ngoại cảm thì hài cốt nhất định phải được giám định ADN.

 

Hà Thương

Bạn có thể quan tâm