Suốt bao năm qua, nhiều người dân thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh bất bình với hành động và thủ đoạn kiếm tiền của vợ chồng “cậu Thủy” nhưng do sợ bị trả thù nên hầu như không ai dám tỏ ra mặt.
Tuy nhiên khi nói tới việc làm sai trái của “cậu Thủy”, có một người mà người dân Trác Bút ai cũng nhắc đến, đó là ông Lê Văn Tiến - nguyên Trưởng Công an thị trấn Chờ, người đã từng rất nhiều lần công khai phản đối đôi vợ chồng Thúy - Duyên.
Tư gia hoành tráng của "cậu Thủy" ở Bắc Ninh. |
Ông Lê Văn Tiến (SN 1947) trong hơn 20 năm giữ chức Trưởng Công an thị trấn Chờ từng nhiều lần xử phạt những hành vi lừa đảo, tuyên truyền mê tín dị đoan của “cậu Thủy ”. Ông Tiến còn là người đồng đội, đồng chí của liệt sĩ Mẫn Bá Phùng, một trong số nhiều liệt sĩ có hài cốt được “cậu Thủy” đi tìm.
Ông Tiến kể rằng, ông và liệt sĩ Phùng cùng nhập ngũ năm 1965 khi đất nước đang trải qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh thống nhất nước nhà. Ông Tiến và liệt sĩ Phùng cùng hành quân vào chiến trường Miền Đông Nam Bộ và có gặp nhau đôi lần khi liệt sĩ đi gùi muối cho đơn vị. Ông Tiến khẳng định đêm ngày 22/4/1972 ông nhận được tin liệt sĩ Phùng đã hy sinh sau một trận đánh lớn ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ.
Vậy mà khi ông Tiến trở về thì hay tin gia đình liệt sĩ Phùng nhận được giấy báo tử từ tháng 2/1968. Cho tới đầu năm 2012 khi bà Mẫn Thị Hởi (chị họ liệt sĩ Phùng) sang nhà ông Tiến đề cập tới việc nhờ “cậu Thủy” tìm hài cốt liệt sĩ Phùng thì ông Tiến một mực phản đối vì ông cho rằng việc Nguyễn Văn Thúy lấy hiệu là “cậu Thủy” và tự cho mình là nhà tâm linh chỉ là việc làm lừa gạt người đời. Tuy nhiên những lời can ngăn ấy của ông Tiến cuối cùng cũng bị gia đình liệt sĩ Phùng bỏ ngoài tai.
Ông Tiến, người công an đã kịch liệt phản đối trò mê tín dị đoạn của "cậu Thủy". |
Mặt khác ông Tiến khẳng định nơi người đồng chí Mẫn Bá Phùng của mình hy sinh không đâu khác chính là chiến trường Miền Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, khi “cậu Thủy”, người tự cho là nhà tâm linh, đi tìm hài cốt liệt sĩ Mẫn Bá Phùng dưới sự bảo trợ của ngân hàng chính sách xã hội lại tìm thấy ở chiến trường Đắc Lắc, nơi mà theo lời khẳng định của ông Tiến là liệt sĩ Phùng không từng chiến đấu.
“Sau khi đào được hơn 40 cm thì thấy di vật là cái bi đông chổng ngược, nắp một nơi. Sau đó, anh em ở ngân hàng mới lấy lên, cậy thì thấy rất chắc. Khi rửa sạch thì thấy chữ “Mẫn Bá Phùng F7 HBắc”. Tôi thấy các chữ trên bi đông đều được khắc bằng cách dùng đinh châm. Chúng tôi người trần mắt thịt nên khi có di vật như vậy thì bảo đây đúng là anh mình rồi. Sau đó thì thấy hài cốt, xương đầu chỉ còn mùn. Có chỗ thì có xương và có chỗ thì còn đủ 5 cái cúc áo, có đôi dép cao su Trung Quốc…”, ông Mẫn Bá Độ, em họ liệt sĩ Phùng kể lại.
Sau khi liệt sĩ Phùng được gia đình mang về an táng, địa phương cũng tổ chức truy điệu, ông Tiến vẫn nhất định phản đối không sang. Ông Tiến cho hay: “Sang để lễ xương trâu, xương bò thì tôi thấy có lỗi với anh Phùng lắm”. Và nỗi đau ấy vẫn theo ông cho tới ngày cậu Thủy bị bắt.
Ông Nguyễn Như Hòa - Chủ tịch UBND thị trấn Chờ cho biết: “Thấy công an bắt “cậu Thủy” nhân dân địa phương đều rất phấn khởi vì lâu nay họ nói rằng không ai động được đến họ. Trước đây, hoạt động mê tín dị đoan của vợ chồng này rất rầm rộ gây bức xúc dư luận”.