Câu chuyện nực cười
Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Công an thị trấn Chờ kể lại câu chuyện mà theo ông người dân thôn Trác Bút ai cũng nhớ.
Câu chuyện xảy ra cách đây vài năm, khi một gia đình trong thôn tới nhờ "cậu Thủy" tìm giúp ngôi mộ mà gia đình họ đã bị thất lạc nhiều năm.
Ngôi nhà hoành tráng của "cậu Thủy" tại thôn Trác Bút. |
Sau một hồi khấn vái, làm lễ, "cậu Thủy" chỉ một con ruồi trâu đang đậu ở ngọn cỏ gần đó phán với người nhà mất mộ rằng: "Người đã khuất 'hiển linh' hóa thành con ruồi trâu đậu ở ngọn cỏ có ý báo cho người nhà biết địa điểm mộ bị mất mà đào".
Tin lời "cậu Thủy", gia đình người này mất cả buổi sáng đào bới quanh khu vực con ruồi trâu đậu mà "cậu Thủy" đã khoanh vùng, nhưng không tìm thấy gì.
Đến chiều, cả nhà kéo nhau ra khu vực được "đánh dấu" bởi con ruồi trâu vẫn đậu nguyên ở ngọn cỏ, định đào bới tiếp.
Lúc này, một người trong gia đình đến gần nhìn kỹ thì phát hiện con ruồi mà "cậu Thủy" phán rằng người âm đã “hiển linh” vào đã bị ngắt mất một bên cánh, không thể bay, chỉ có thể “hiển linh” trên ngọn cỏ.
Theo lời ông Tiến, gia đình người kia biết mình bị lừa đã rất giận "cậu Thủy", nhưng vì là chỗ quen biết nên họ đã bỏ qua. "Người dân bức xúc về việc làm của "cậu Thủy" mà không biết kêu với ai. Đến các liệt sỹ mà ông ta còn không từ...", theo lời ông Tiến.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thị, Bí thư thôn Trác Bút cho hay, "cậu Thủy" từng được gia đình nhà “vợ hờ” nhờ tìm một ngôi mộ đã mất.
"Nhà ngoại cảm" đã hướng dẫn cho họ tộc nhà vợ đào bới để tìm mộ. Gia đình nhà vợ đã đào đất tìm mộ lên theo lời chỉ dẫn của “cậu Thủy", nhưng không phát hiện bất cứ hài cốt nào.
Nỗi băn khoăn của gia đình liệt sỹ
Em trai liệt sỹ Mẫn Bá Phùng (SN 1944, ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là ông Mẫn Bá Tiện (SN 1961) kể về hành trình đi tìm hài cốt người thân của mình mà chính ông đã tham gia.
"Cậu Thủy" bị bắt giữ tại nhà riêng. |
Theo lời kể, năm 2012, gia đình ông được Ngân hàng chính sách địa phương thông báo, sẽ giúp gia đình đi tìm mộ liệt sỹ Mẫn Bá Phùng.
Trước đó gia đình đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc đi tìm hài cốt người đã khuất khắp nhiều tỉnh phía Nam nhưng không có kết quả. Vậy nên, khi nhận được tin báo về sự trợ giúp của Ngân hàng chính sách thì vô cùng vui mừng.
“Cả họ họp lại và cử ra những người nhanh nhẹn, hoạt bát nhất, cùng cô con gái duy nhất của liệt sỹ Mẫn lên xe cùng Ngân hàng chính sách vào tận Đắk Lắk tìm hài cốt người quá cố.
Khi lên xe, gia đình chúng tôi mới biết, chính “cậu Thủy" là người sẽ giúp gia đình tìm mộ liệt sỹ”, ông Tiện kể.
Vào đến Đắk Lắk, hôm đó có rất đông những gia đình liệt sỹ khác cũng được "cậu Thủy" tìm mộ. Hôm đó, cả đoàn người đi vào rừng sâu, mỗi người cầm vài nén nhang.
"Cậu Thủy" dặn, khi nào thấy trong đoàn, người nào có biểu hiện bất thường như đột nhiên khóc lóc, ngồi sụp xuống... thì tức là đã có các liệt sỹ “nhập hồn” để “dẫn đường chỉ lối tìm ra hài cốt”...
Tin lời "cậu Thủy", hôm đó, hơn 20 gia đình liệt sỹ đã tìm được hài cốt của người thân. Ai cũng mừng, và những nghi lễ hết sức trang trọng được diễn ra sau đó để đưa các liệt sỹ trở về quê hương.
"Hơn 40 năm mới tìm được người thân, nỗi khát khao quá lớn, gia đình tôi quá vui mừng nên cũng không hề nghĩ đến chuyện phải đưa hài cốt đi xét nghiệm ADN xem có đúng không.
Gia đình chúng tôi đã tin tưởng vì được Ngân hàng chính sách đưa đi. Giờ thì không biết dưới nấm mộ liệt sỹ có phải là xương cốt của người thân chúng tôi hay không?", lời ông Tiện.
Bà Nguyễn Thị Thu, 76 tuổi, là thím của liệt sỹ Mẫn Bá Phùng, bày tỏ: "Nếu hài cốt cháu tôi là giả, và như báo chí nêu, hóa ra lâu nay chúng tôi nhất tâm thờ cúng những mảnh xương trâu, xương bò... Đó là điều không thể chấp nhận được và gia đình chúng tôi mong chính quyền sớm làm rõ".