Chân dung kẻ lừa đảo
Việc “cậu” Thủy và cô “vợ hờ” bị bắt giữ khiến người dân thôn Trác Bút không ngớt bàn tán, nhưng nhiều người trong số họ không hề bất ngờ.
Nhiều người dân ở đây cho biết, họ không hề tin vào khả năng của “cậu Thủy”, chỉ những người ở xa không biết mới mê muội tin vào kẻ lừa đảo. Ông Nguyễn Văn Thị, Bí thư thôn Trác Bút cho hay, “cậu Thủy” không phải người địa phương, cũng không hề có hộ khẩu ở đây.
Sau khi sống ly thân với vợ, "cậu Thủy" chung sống như vợ chồng với người phụ nữ tên Duyên, người đã ly hôn với chồng và có 2 con.
“Dân ở đây không ai tin vào khả năng tìm được mộ của "cậu Thủy", bởi mọi người đều biết chuyện, ngay cả việc tìm mộ cho gia đình nhà vợ, "cậu Thủy" cũng không làm được. Hôm đó sau khi phán vị trí ngôi mộ, mọi người đào lên nhưng không được gì”, lời ông Thị.
Người dân thôn Trác Bút không ai tin vào “cậu Thủy” nhưng gia đình liệt sĩ Phùng vẫn để ông ta đi tìm mộ người thân, ông Thị và cả gia đình liệt sĩ Phùng đều cho hay: Khi lên xe vào Đăk Lăk họ mới biết “cậu” được Ngân hàng chính sách địa phương nhờ đi tìm mộ liệt sĩ.
Theo lời bà Thu, thím của liệt sĩ Phùng: “Vì quá vui mừng với việc tìm được hài cốt người thân sau nhiều năm vất vả tìm kiếm trong vô vọng mà gia đình chúng tôi gạt đi những nghi ngờ mà lẽ ra phải có vào thời điểm đó”.
“Cậu” Thủy bị bắt giữ tại nhà. |
Khi còn đương chức, ông Tiến biết rõ vợ chồng Nguyễn Văn Thúy (tức "cậu Thủy") – Mẫn Thị Duyên từng bị bắt và phải ngồi tù vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng.
Sau nhiều năm thụ án, khi ra tù, đôi vợ chồng này tiếp tục hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ với biệt danh là "cậu Thủy".
Ông Tiến cho hay: "Cậu Thủy" từng là công an, từng được học về thần học, sau đó vì tư cách đạo đức kém nên đã bị cho ra khỏi ngành. Ông ta là người xảo trá, điềm tĩnh và ít nói”.
Cũng theo ông Tiến, vợ chồng "cậu Thủy" sau khi đi tù về đã trở nên giàu có, xây nhà hoành tráng, sắm ô tô xịn kể từ sau khi xưng là nhà ngoại cảm.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, Phó trưởng công an thị trấn Chờ, ông Nguyễn Văn Thao cho hay: "Trước đây, có nhiều người dân nơi khác tìm đến hỏi thăm về khả năng của "cậu Thủy", công an thị trấn Chờ đều cho biết, ở địa phương không có ai có khả năng tìm được mộ.
Niềm vui lấn át sự hoài nghi
Em trai liệt sĩ Mẫn Bá Phùng (SN 1944, ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là ông Mẫn Bá Tiện (SN 1961) cho biết, năm 2012, gia đình ông được Ngân hàng chính sách địa phương “nhờ” “cậu” Thủy tìm được hài cốt người thân, đã vô cùng mừng vui.
Nhưng hiện giờ, sau khi hay tin "cậu Thủy" bị bắt, gia đình ông vô cùng hoang mang, không biết hài cốt của ông Phùng là thật hay giả.
“Lá cờ của tổ quốc là to lắm, là điều thiêng liêng, thử tưởng tượng xem, nó được phủ lên trên không phải là hài cốt của liệt sĩ, mà là xương động vật”, bà Nguyễn Thị Thu, 76 tuổi, là thím của liệt sĩ Phùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng công an thị trấn Chờ cho biết, ngay từ đầu ông đã không tin vào “cậu” Thủy.
Ông Mẫn Bá Tiện và chiếc bình tông mà ông Tiến đặt ra nhiều hoài nghi. |
Ông bày tỏ những hoài nghi của mình về việc tìm được hài cốt của liệt sĩ Phùng: “Là đồng đội của anh Phùng, tôi khẳng định, không thể có chuyện anh hy sinh ở Đăk Lăk vì đơn vị của anh Phùng không hề tác chiến ở chiến trường Tây Nguyên”.
Ông Tiến khẳng định thêm những hoài nghi của mình: “Tôi đã xem chiếc bình tông mà người ta đưa về cùng hài cốt của liệt sĩ. Chiếc bình tông sau hơn 40 năm chôn dưới đất nhưng vẫn còn nguyên nước sơn màu xanh, dây dù buộc ở bình tông vẫn còn nguyên vẹn, lõi dây dù bên trong vẫn nguyên màu trắng. Phần nhôm kẹp cái khuy chốt ở bình tông sau hơn 40 năm chôn dưới đất vẫn không bị ô xy hóa, trông vẫn sáng”.
Ông Tiến chia sẻ: “Trong lúc cả làng đón hài cốt liệt sĩ với thái độ trân trọng như vậy, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc cũng sang để tưởng niệm người đã mất, dù tin rằng hài cốt đó không phải của ông Phùng”.