Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vốn hóa của các đại gia công nghệ Trung Quốc bay hơi 1.500 tỷ USD

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đồng loạt sụt giá sau khi Didi - tập đoàn gọi xe lớn của nước này - công bố kế hoạch hủy niêm yết trên sàn Mỹ theo yêu cầu từ phía Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc trên sàn Hong Kong lao dốc không phanh sau khi Didi Global Inc. thông báo sẽ hủy niêm yết tại Mỹ. Cùng với đó là việc Bắc Kinh siết chặt giám sát hơn nữa đối với các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết ở nước ngoài.

Chỉ số Hang Seng Tech Index - theo dõi hầu hết tập đoàn công nghệ của Trung Quốc giao dịch trên sàn Hong Kong - sụt giảm tới 2,5% xuống gần mức thấp kỷ lục.

Kể từ mức đỉnh hồi tháng 2, giá trị vốn hóa thị trường của các công ty nằm trong Hang Seng Tech Index đã bay hơi khoảng 1.500 tỷ USD.

Didi huy niem yet anh 1

Các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc sụt giảm mạnh sau khi tập đoàn gọi xe Didi Global Inc. thông báo bắt đầu hủy niêm yết tại Mỹ. Cùng với đó là những bất ổn trong môi trường pháp lý. Ảnh: Reuters.

Didi hủy niêm yết tại Mỹ

Hôm 2/12, gã khổng lồ gọi xe Didi cho biết đang chuẩn bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ và bắt đầu bán cổ phiếu ở Hong Kong.

Trước đó, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc đã yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York (Mỹ). Yêu cầu làm dấy lên lo ngại về cuộc trấn áp mạnh tay đối với ngành công nghệ.

Washington và Bắc Kinh cũng đang tranh cãi về quyền tiếp cận sổ sách của các công ty niêm yết. Do đó, Didi hủy niêm yết có thể kích hoạt làn sóng rời đi của các công ty Trung Quốc khác trên sàn Mỹ.

Didi đã gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn New York hồi tháng 7 và thu về 4,4 tỷ USD.

Didi huy niem yet anh 2

Chỉ vài ngày sau khi Didi IPO thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của hãng gọi xe. Ảnh: Reuters.

Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.

Didi hiện được kiểm soát bởi nhà đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu. Tập đoàn Nhật Bản Soft Bank và Uber Technologies là hai cổ đông thiểu số lớn nhất của Didi.

Siết chặt kiểm soát

Các công ty công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với ngày càng nhiều rắc rối bởi những quy định mới từ phía Bắc Kinh, từ lĩnh vực tài chính kỹ thuật số, bảo mật dữ liệu, trò chơi trực tuyến đến niêm yết tại nước ngoài.

Theo báo cáo của Bank of America hồi tháng trước, các công ty Trung Quốc sẽ chịu thêm sức ép về chi phí vốn nếu phải hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện, có hơn 270 ADR (chứng chỉ lưu ký ở Mỹ) của doanh nghiệp Trung Quốc được giao dịch tại Mỹ với tổng vốn hóa thị trường lên tới 1.800 tỷ USD.

Hơn 150 ADR trong số đó không đủ điều kiện để niêm yết trên sàn Hong Kong.

NetEase Inc., Bilibili Inc. và JD.com Inc. đều có ADR tại Mỹ. 3 tập đoàn nằm trong số những cổ phiếu sụt giá nhiều nhất trong Hang Seng Tech Index hôm 3/12. Mức giảm của mỗi cổ phiếu đều vượt 6,4%.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 19 tháng.

Kể từ mức đỉnh hồi tháng 2, chỉ số này đã lao dốc khoảng 45%. Đà giảm được thúc đẩy bởi các báo cáo thu nhập đáng thất vọng. Cùng với đó là thông tin Trung Quốc có kế hoạch cấm doanh nghiệp niêm yết trên sàn nước ngoài thông qua VIE (mô hình sở hữu đặc biệt).

Didi huy niem yet anh 3

Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc như Alibaba đều huy động vốn nước ngoài thông qua mô hình VIE. Ảnh: Reuters.

Phương pháp được các công ty Trung Quốc hàng đầu sử dụng để bán cổ phiếu tại Mỹ có thể lọt vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh. Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc IPO tại Mỹ.

VIE chưa bao giờ được Bắc Kinh phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.

Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc như Alibaba đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.

Ngoài ra, theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc cũng có thể áp "thuế dữ liệu" đối với các nhà phát triển nền tảng, bao gồm những gã khổng lồ Internet của đất nước tỷ dân. Đó là một khía cạnh trong chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc lạc quan về triển vọng kinh tế bất chấp Omicron

Quan chức Trung Quốc lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế đất nước sẽ vượt mục tiêu vào năm 2021, nhưng giới quan sát vẫn e ngại về điều này.

Vốn hóa Alibaba bay hơi gần 500 tỷ USD vì đòn trừng phạt của Bắc Kinh

Sau bài phát biểu gây tranh cãi của tỷ phú Jack Ma, vốn hóa của Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc - lao dốc gần 500 tỷ USD.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm