Theo Bloomberg, kể từ khi Ant Group - tập đoàn công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - bị các cơ quan quản lý yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), vốn hóa của Alibaba giảm hơn một nửa.
Cuối tháng 10/2020, vốn hóa của Alibaba đạt 6.600 tỷ HKD (tương đương 836 tỷ USD). Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ thương mại điện tử chỉ còn 358 tỷ USD, tức giảm gần 500 tỷ USD.
Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của Alibaba cũng được giao dịch ở mức thấp nhất. ADR là chứng chỉ có thể thương lượng, được phát hành bởi một ngân hàng lưu ký của Mỹ, đại diện cho một số lượng cổ phiếu nhất định ở những công ty nước ngoài.
Vốn hóa của Alibaba của tỷ phú Alibaba mất gần 500 tỷ USD vì sức ép từ phía chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Triển vọng u ám
Trong cuộc họp báo cáo thu nhập gần đây, bà Maggie Wu - CFO của Alibaba - gây bất ngờ khi cho biết tăng trưởng doanh thu dự kiến giảm thêm xuống còn 11-16% trong nửa cuối năm tài chính này, giảm mạnh so với mức 41% của năm trước đó.
Trước đó, hôm 18/11, Alibaba đã báo cáo doanh thu và thu nhập trong quý III. Doanh thu của tập đoàn tăng 29% so với một năm trước đó lên 31,1 tỷ USD, thấp hơn so với kỳ vọng của giới phân tích.
Công ty cho biết doanh số bán hàng cho năm tài chính hiện tại sẽ tăng 20-23% so với một năm trước đó. Trong khi đó, các nhà phân tích từng dự đoán mức tăng trưởng gần 28%.
Những động lực tăng trưởng lớn nhất của Alibaba, bao gồm fintech (công nghệ tài chính), dữ liệu, quảng cáo trực tuyến và nội dung, đều bị các cơ quan quản lý Bắc Kinh giám sát mạnh mẽ.
Kể từ khi Ant Group bị các cơ quan quản lý yêu cầu hoãn IPO, vốn hóa của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã giảm hơn một nửa. Ảnh: Reuters. |
Hồi đầu năm, Alibaba phải chịu khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau một cuộc điều tra chống độc quyền. JD.com, Tencent, Pinduoduo, Meituan và các công ty khác cũng bị điều tra hoặc chịu phạt vì những hành vi phản cạnh tranh.
Hôm 18/11, Alibaba thừa nhận "môi trường pháp lý ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Alibaba" và "các quy định và lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu" là những bất ổn mà công ty đang phải đối mặt.
Trong cuộc họp với các nhà phân tích hôm 18/11, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang thừa nhận "những trở ngại của nền kinh tế và cạnh tranh gia tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại cốt lõi" của tập đoàn tại Trung Quốc.
Theo ông Ramiz Chelat - Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Vontobel Asset Managemen, cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đã khiến 5% doanh thu của Alibaba chuyển sang các đối thủ khác như JD.com và Pinduoduo Inc.
Rắc rối trong tương lai
Các công ty công nghệ như Alibaba còn có thể bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc lên kế hoạch cấm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài thông qua VIE (mô hình sở hữu đặc biệt).
Phương pháp được các công ty Trung Quốc hàng đầu sử dụng để bán cổ phiếu tại Mỹ có thể lọt vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh. Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được khoảng 76 tỷ USD thông qua việc IPO tại Mỹ.
VIE chưa bao giờ được Bắc Kinh phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, VIE đã cho phép các công ty Trung Quốc lách những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp Internet.
Cụ thể, mô hình này cho phép doanh nghiệp Trung Quốc chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu cổ phần.
Alibaba gặp hàng loạt rắc rối sau bài phát biểu gây tranh cãi của nhà sáng lập Jack Ma. Ảnh: Reuters. |
Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc như Alibaba đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ.
Alibaba thành lập Alibaba Group Holding như một công ty vỏ bọc có trụ sở tại Caymans để niêm yết cổ phiếu ở New York.
Công ty holding này đã thành lập các công ty con thuộc sở hữu nước ngoài tại Trung Quốc, trong đó ký kết những thỏa thuận kiểm soát theo hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý hoạt động bán lẻ điện tử và những hoạt động khác của Alibaba, cũng như các cổ đông của họ. Những thỏa thuận trên biến các công ty thành những VIE.
Các hợp đồng cũng cung cấp cho công ty holding có trụ sở tại Caymans quyền kiểm soát những doanh nghiệp đang hoạt động và cho phép lợi nhuận của họ chảy vào đó.
Ngoài ra, theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc cũng có thể áp "thuế dữ liệu" đối với các nhà phát triển nền tảng, bao gồm những gã khổng lồ Internet của đất nước tỷ dân. Đó là một khía cạnh trong chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.