Theo South China Morning Post, Phó thủ tướng Lưu Hạc cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt mục tiêu vào năm 2021, bất chấp những cản trở có thể làm chệch hướng quá trình phục hồi sau đại dịch.
"Chúng tôi rất lạc quan vào nền kinh tế của Trung Quốc trong năm tới", ông Lưu khẳng định trong Hội nghị thượng đỉnh Hamburg. Ông cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, việc làm, giá hàng hóa và thanh toán quốc tế ở mức bình thường, tăng trưởng dự kiến vượt mục tiêu.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức “trên 6%” cho năm 2021. Năm 2020, đất nước 1,4 tỷ dân là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng dương sau khi dịch Covid-19 tàn phá các hoạt động kinh tế trên toàn cầu.
Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero-Covid", tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Ảnh: Reuters. |
Không ổn định
Trong quý I/2020, Trung Quốc đã chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục 6,8% vì các đợt phong tỏa để hạn chế virus lây lan. Nhưng đất nước ghi nhận tăng trưởng 2,3% trong cả năm.
Trong tương lai, Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết Trung Quốc sẽ tạo ra "một môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như những công ty nước ngoài".
Điều đó cũng giúp thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và đẩy nhanh phát triển "lưu thông kép" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm khai thác thị trường nội địa khổng lồ của đất nước 1,4 tỷ dân.
“Trong 40 năm qua, chúng tôi nhận ra rằng Trung Quốc phải kiên quyết cải cách và mở cửa”, ông Lưu nhấn mạnh. Trong quý III/2021, GDP nước này tăng 4,9% so với một năm trước đó. Hồi quý II, mức tăng lên tới 7,9%.
Hầu hết tỉnh thành của Trung Quốc đều chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý III/2021. Tốc độ phục hồi cũng sẽ chịu sức ép, tăng trưởng có thể giảm tốc trong quý IV
- Ông Yubin Fu, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody’s
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lo ngại về khả năng phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Đà tăng trưởng bị thách thức bởi những đợt bùng phát Covid-19 mới, tình trạng thiếu điện chưa từng có và cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản, công nghệ và giáo dục trực tuyến.
Ông Yubin Fu - Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody’s - nhận định sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn không ổn định và thiếu đồng đều.
"Hều hết tỉnh thành của Trung Quốc đều chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý III/2021. Tốc độ phục hồi cũng sẽ chịu sức ép, tăng trưởng có thể giảm tốc trong quý IV", ông dự báo.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 30/11, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 50,1 vào tháng 11, mức tăng đầu tiên sau 7 tháng sụt giảm liên tiếp.
Nhưng Caixin/Markit PMI - đo lường các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ - chỉ ra hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc vẫn giảm trong tháng 11.
Thách thức tăng trưởng
Nhu cầu nội địa đã suy yếu trong tháng 11. Chỉ số phụ theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng. Nguyên nhân là tăng trưởng sản xuất và đơn hàng mới giảm tốc, mặc dù số lượng đơn hàng xuất khẩu mới phục hồi mạnh mẽ.
Dự trữ thép cây đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2021. Nguyên nhân là sản lượng thép và xây dựng tiếp tục chậm lại. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã hạn chế các hoạt động xây dựng và thị trường kim loại.
Theo giới quan sát, bất chấp tăng trưởng giảm tốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, thậm chí hơn thế nữa. Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng vì nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong số các nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
"Hố nợ" hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong một ngành công nghiệp phát triển nóng, sử dụng đòn bẩy quá mức, đối mặt với nhu cầu chậm lại và giờ chật vật để thanh toán các hóa đơn.
Đà tăng trưởng của Trung Quốc bị thách thức bởi những đợt bùng phát Covid-19 mới, tình trạng thiếu điện chưa từng có và cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản, công nghệ và giáo dục trực tuyến. Ảnh: Reuters. |
Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Doanh số bán đất đã thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hàng chục doanh nhân bất động sản trở thành tỷ phú. Do đó, những rắc rối của ngành công nghiệp có thể tạo ra lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
"Không còn gì nghi ngờ về việc Trung Quốc đã chứng kiến bước thụt lùi lớn trong vài tháng qua. Thị trường bất động sản là một phần rất quan trọng của nền kinh tế, cũng như giá trị tài sản ròng của đất nước 1,4 tỷ dân", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
Sự xuất hiện của biến thể virus mới cũng tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Tương lai của nền kinh tế và các thị trường tài chính sẽ phụ thuộc vào những phát hiện mới của giới khoa học về biến thể virus mới, bao gồm khả năng kháng vaccine và lây truyền của chủng Omicron.
Theo giới quan sát, sự xuất hiện của Omicron là một lời cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu. "Có một điều chắc chắn là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa. Các nhà kinh tế cần cẩn thận hơn trong việc đưa ra dự báo kinh tế trong năm 2022", ông Rob Subbaraman - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc. - nhận định.