Trao đổi bên lề hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng trong trung hạn hay dài hạn, Trung Quốc đều là "một thách thức về kinh tế" không chỉ với riêng Việt Nam. "Bàn về kinh tế cần có cái nhìn lý trí, tại sao chúng ta lại phải bỏ qua một thị trường lớn như thế? Khi có một cú sốc về kinh tế do quan hệ của Việt Nam với một nước đặc biệt nào đó thì yêu cầu đặt ra là cần phải biết san sẻ rủi ro", ông Thành nhận định.
Những căng thẳng hiện tại với Trung Quốc sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tái cấu trúc mạnh mẽ, tiến tới mối quan hệ bình đẳng cùng có lợi, không phụ thuộc. |
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng khẳng định, Trung Quốc là một mắt xích trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị, vì vây không nên nhìn mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc theo hướng cực đoan (lệ thuộc). "Lấy ví dụ như Asean+1 với Trung Quốc thì đây là một cam kết thương mại tự do cùng có lợi. Sắp tới sẽ còn có Asean+6 mà nước này cũng là một thành viên. Vấn đề ở đây là nhìn thấy thách thức, nhìn thấy cơ hội, với Trung Quốc phải dám chơi và biết chơi".
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng, với Trung Quốc, điều quan trọng nhất là cần phải có một chiến lược cụ thể và thực hiện từng bước một, chứ không phải ngay lập tức có thể thay thế được. "Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới hiện đã rất khác so với trước đây. "Năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế Asean, chúng ta cũng đang đàm phán hiệp định TPP. Những kênh hợp tác này sẽ giúp Việt Nam mở rộng đối tác".
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội trong mối quan hệ với Trung Quốc. "Trước mắt, nếu Trung Quốc có những hành vi sử dụng công cụ kinh tế để gây sức ép thì sẽ có những thiệt hại đáng kể trong ngắn hạn cho chúng ta. Nhưng về lâu dài, đây là cơ hội rất tốt để kinh tế Việt Nam mãnh mẽ tái cấu trúc, chuyển đổi thành nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, tiến tới mối quan hệ hai bên bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc".
Bình luận về việc Thủ tướng viết blog trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới để quảng bá về môi trường đầu tư, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là "sự phản ứng kịp thời và hiện đại" của Việt Nam với thế giới. Vị chuyên gia này cũng khẳng định, điều quan trọng nhất để kinh tế Việt Nam phát triển và tăng trưởng ổn định là phải có những bước cải cách thể chế, ngân sách phải điều chỉnh trước tình hình mới này. "Chi tiêu thường xuyên sẽ phải giảm, trong khi cần tăng cường đầu tư chiến lược biển, quốc phòng. Các doanh nghiệp cũng cần phải hoạt động có hiệu quả hơn trên cơ sở tìm được đối tác mới để thay thế Trung Quốc, nếu nước này có những biện pháp gây sức ép".