- Không thể phủ nhận Trung Quốc là thị trường xuất - nhập khẩu, là đối tác đầu tư, là thị trường du lịch, là nhà thầu… quan trọng của Việt Nam. Ông có lo lắng không khi biển Đông đang “dậy sóng”?
- Với tư cách là người dân bình thường tôi cũng lo lắng trước khó khăn của nền kinh tế, bởi Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của nước ta, trong khi nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất-nhập khẩu.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Năm 2013, quy mô của nền kinh tế mới đạt 170,4 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt trên 264 tỷ USD.
Nhưng đứng trên cương vị là người nghiên cứu về kinh tế, đặc biệt đứng trên cương vị là đại biểu Quốc hội, đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tôi cảm thấy không đáng lo ngại lắm, mặc dù không thể phủ nhận nền kinh tế nước ta sẽ bị tác động trước sự kiện biển Đông.
- Sao ông lại không lo lắng khi đứng trên vai trò là người nghiên cứu về kinh tế?
- Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hàng hóa trong cơ chế thị trường cũng như dòng nước, chỗ nào bị hạn chế, dòng nước sẽ chảy đến nơi khác; chỗ nào bị chặn, dòng nước phải mở đường khác để đi.
Giả sử hoạt động xuất - nhập khẩu với Trung Quốc bị ảnh hưởng, hàng hóa của Việt Nam sẽ tìm đến thị trường khác, khai phá thị trường mới.
Không phải chỉ trong những ngày gần đây chúng ta mới tìm cách mở rộng thị trường khác, khai phá thị trường mới mà đã từ lâu rồi chúng ta luôn tìm cách khai thác thị trường mới để không quá phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào.
Chúng ta không chỉ độc lập về chủ quyền, về chế độ chính trị, an ninh, quốc phòng… mà chúng ta độc lập, tự chủ về kinh tế với phương châm chủ động hội nhập, chủ động hợp tác với tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
Khi đã gia nhập vào nền kinh tế thị trường, ngay cả người dân, doanh nghiệp cũng luôn xác định không có đối tác vĩnh viễn, không có bạn hàng vĩnh viễn. Hôm nay là bạn hàng, là đối tác, ngày mai có thể không còn là bạn hàng nữa, thậm chí là đối thủ cạnh tranh với nhau nếu lợi ích không được bảo đảm.
Qua sự kiện trên biển Đông, thương nhân trong nước cần phải bỏ ngay tư duy chỉ chăm chăm mua hàng rồi xuất khẩu qua biên giới phía Bắc mà không tìm cách xuất qua nước khác.
- Sự kiện xảy ra trên biển Đông quá nhanh. Vậy đã có kịch bản nào giảm tác động xấu của nền kinh tế chưa, thưa ông?
- Nói kịch bản thì hơi to tát, thực tế là mình có nhiều phương án. Như tôi nói, trong nền kinh tế thị trường không có bạn hàng vĩnh viễn, không có đối tác vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là trên hết. Khi bạn hàng, đối tác thay đổi thì phải có phương án thay đổi cho phù hợp chứ không khoanh tay ngồi nhìn.
Cũng tương tự như trong gia đình, khi kinh tế thuận lợi thì có phương án thuận lợi, không may bị giảm lương, thậm chí mất việc cũng đều có phương án xử lý, không ai khoanh tay chịu trói cả.
- Nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp để ngăn cản hàng hóa Việt Nam. Ông có cho rằng, mình cũng nên áp dụng một số biện pháp để đối phó không?
- Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); tham gia, ký kết hiệp định song phương, đa phương với rất nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt tới đây chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hội nhập toàn diện về kinh tế với ASEAN vào năm 2015.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ mở hết cỡ nên không thể tự ý đặt ra bất cứ rào cản nào để ngăn cấm hoạt động thương mại, đầu tư với các quốc gia cùng tham gia sân chơi mà mình cũng tham gia. Tất cả các nền kinh tế tham gia vào sân chơi chung có nghĩa vụ thực hiện tất cả các quy định đã đặt ra.
Đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, chúng ta không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để ngăn cản hàng hóa của nước khác vào thị trường Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể sử dụng công cụ thuế để hạn chế hàng nước khác vào thị trường Việt Nam, nhưng ngay cả công cụ này cũng phải thực hiện theo các cam kết chứ không thể tự ý tăng hoặc giảm.
- Thưa ông, thế còn hàng rào kỹ thuật thì sao?
- Sử dụng hàng rào kỹ thuật để ngăn cản hàng hóa nước khác vào nước mình là con dao hai lưỡi. Bởi mình dựng hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng nào đó, nhập khẩu hàng hóa từ nền kinh tế nào đó, thì người ta cũng dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn cản hàng hóa của nước mình vào thị trường của họ.
Chúng ta mới tham gia vào sân chơi toàn cầu nên kinh nghiệm chưa nhiều. Hơn nữa so với nhiều nước, quy mô nền kinh tế của nước ta rất khiêm tốn nên nếu sử dụng hàng rào kỹ thuật thì chúng ta mất nhiều hơn được vì vậy phải hết sức thận trọng khi dựng hàng rào kỹ thuật.
Như tôi đã nói, chúng ta đang “sống trong thế giới phẳng”, mỗi nền kinh tế là một khâu, một mắt xích trong chuỗi quá trình nghiên cứu, sản xuất, phân phối, tiêu thụ toàn cầu. Quốc gia nào đó sử dụng các biện pháp để ngăn cản hoạt động thương mại, đầu tư vào quốc gia khác thì bản thân anh cũng bị thiệt hại.