Đây là cảnh báo của TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - trước những diễn biến bất lợi của giá vàng, giá đôla Mỹ và sự trồi sụt mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam mấy ngày qua.
Theo TS Nghĩa, người dân rút tiền mua vàng thời điểm này chẳng khác nào tự đánh vào mắt cá chân mình. |
- Mấy ngày qua thị trường tài chính có những biến động mạnh do sự kiện giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng sự kiện giàn khoan mà Trung Quốc (TQ) đưa trái phép vào Biển Đông là một bước leo thang nghiêm trọng vi phạm chủ quyền Việt Nam và tự do hàng hải quốc tế. Nhưng vấn đề không đến mức không thể giải quyết được bằng biện pháp hòa bình, và trên thực tế chúng ta đang giải quyết vấn đề theo cách đó, và tôi tin là chắc chắn sẽ thành công.
Tuy nhiên, do nhiều luồng thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin quá khích, hoặc kích động với dụng ý xấu, khiến cho một bộ phận dân chúng kém hiểu biết lao vào bán tháo chứng khoán, hoặc rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào vàng và ngoại tệ, với mục đích cất trữ “phòng xa”. Điều này đã khiến cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa mới phục hồi đã mất đà, tụt dốc rất nhanh; giá vàng tăng đột biến trong gần cùng thời điểm và giá USD cũng biến động theo, tuy mức độ thấp hơn.
Cũng cần lưu ý rằng, thị trường tài chính thế giới, bao gồm cả TTCK, hối đoái và vàng không mảy may biến động do sự kiện giàn khoan TQ vào Biển Đông (khác với sự kiện Ukraina). Điều này cho thấy, tính chất cục bộ hạn chế của vấn đề không đủ làm lung lay lòng tin của các nhà đầu tư tài chính quốc tế.
TTCK quốc tế vẫn ổn định ở mức khá cao, giá vàng vẫn tiếp tục xu thế giảm, thị trường hối đoái vẫn ổn định tích cực. Cũng còn một lý do khác khiến cho thị trường tài chính Việt Nam trở nên quá nhạy cảm và dễ bị kích động theo chiều hướng xấu, đó là lòng tin thị trường bị suy giảm mạnh.
- Vậy theo ông, diễn biến thị trường tài chính tiền tệ sắp tới sẽ như thế nào?
- Có ba lý do để đưa ra nhận định thị trường tài chính sẽ ổn định nhanh chóng. Một là vấn đề giàn khoan TQ ở Biển Đông sẽ được giải quyết trong hòa bình; hai là thị trường tài chính quốc tế và dòng đầu tư của thị trường này vào Việt Nam sẽ quyết định xu thế của thị trường tài chính Việt Nam (chứ không phải ngược lại); ba là NHNN Việt Nam có đủ công cụ và lực lượng để giữ cho thị trường ổn định.
Kết quả sẽ là TTCK sẽ dần phục hồi với mức tăng cũ, giá vàng sẽ giảm mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế sẽ thu hẹp nhanh; thị trường hối đoái sẽ ổn định với mức tỷ giá hối đoái như hiện nay. Tuy nhiên, mức độ phục hồi của từng thị trường có thể khác nhau tùy thuộc vào sự tương tác của 3 yếu tố nói trên và đặc biệt là ý đồ của NHNN.
Ví dụ tỷ giá hối đoái có thể sẽ được duy trì ở mức hiện nay, cao hơn mức cũ 0,5%, nếu NHNN “tương kế tựu kế” để hỗ trợ xuất khẩu và nông nghiệp (mà lâu nay đã có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh chút ít rồi), trong khi đó, giá vàng có thể giảm mạnh hơn nhằm thu hẹp chênh lệch giá trong nước và quốc tế nếu NHNN tổ chức đấu thầu can thiệp trở lại.
Như vậy, những người bị kích động rút tiền mua vàng và ngoại tệ chẳng những không được lợi lộc gì mà thiệt hại là thấy rõ, nhất là đầu tư vào vàng. Nói cách khác, do quá khích một số người đã tự đánh vào mắt cá chân mình.
- Vậy ai là người được lợi nhất trong tình trạng bất ổn của thị trường tài chính vừa qua thưa ông?
- Kẻ được lợi nhất là những người kích động thị trường để đầu cơ và bán hàng, đặc biệt là trên thị trường vàng trong ngắn hạn và TTCK trong trung hạn, ở khía cạnh khác là làm lợi cho “đối phương”. Những gì diễn ra trong mấy ngày qua cũng cho thấy Nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khôi phục lòng tin của thị trường, đặc biệt là về thể chế và bảo vệ nhà đầu tư.
Có thực mới vực được đạo, phải có hành động cụ thể và hiệu quả mới khôi phục được lòng tin. Để có được kết quả cụ thể có sức thuyết phục thị trường, thì không có cách nào khác là đẩy mạnh cải cách thể chế đang là lực cản chủ yếu của các chương trình tái cơ cấu đã được Chính phủ phê chuẩn như tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công, cải cách doanh nghiệp NN và thu hút đầu tư nước ngoài.
Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 phải được biến thành một cơ hội đối với toàn Đảng, toàn dân quyết tâm cải cách thể chế để phục hồi kinh tế, cải thiện hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế, củng cố vững chắc an ninh quốc phòng.
Tâm trạng hiện tại của một bộ phận dân chúng và doanh nghiệp là bi quan và do đó sợ hãi trước thách thức, bằng những hành động cải cách thể chế mạnh mẽ, mới tạo ra được tâm trạng lạc quan và từ đó mới có quyết tâm biến thách thức thành cơ hội trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Phải khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp vì lợi ích của dân tộc là kế sách lâu dài để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng một quốc gia dù nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng mạnh thì không dễ bị bắt nạt, ức hiếp.
- Xin cảm ơn ông!