Nền kinh tế thế giới đang vấp phải những thách thức nghiêm trọng vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sau khi dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái, khiến "công xưởng thế giới" phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có.
Trung Quốc là nơi đặt nhà máy của nhiều công ty lớn trên thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã kêu gọi và đưa ra kế hoạch để nền kinh tế của họ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm việc di dời nhà máy về nước hoặc sang những nơi khác.
Đông Nam Á được xem là địa chỉ mới phù hợp.
Thời khắc bước ngoặt
"Khi chúng ta nhìn vào nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khu vực, đại dịch đã hướng sự chú ý đến vấn đề áp lực nhất", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu qua video tại một diễn đàn doanh nghiệp ở TP.HCM hôm 25/8.
"Các công ty đang đánh giá lại những rủi ro trong chuỗi cung ứng của họ để ngăn chặn sự gián đoạn trong tương lai, và chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu bằng hình thức trực tuyến tại Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - Mỹ hôm 25/8. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. |
Ông Kritenbrink cho rằng đây là "thời khắc bước ngoặt" để các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, và tham gia vào mọi lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam.
"Với Mỹ là đối tác, Việt Nam có khả năng tiến nhanh lên nền kinh tế hiện đại và số hóa, vượt lên các nước khác trong khu vực", ông nói.
Giữa lúc hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều phát triển chậm lại, thậm chí suy thoái, vì dịch bệnh, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt 38 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo đại sứ Mỹ. Thương mại hai nước đã đạt 77 tỷ USD trong năm 2019 và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ.
Các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như sản xuất, năng lượng và du lịch, cũng như vào cơ sở hạ tầng và các sáng kiến đô thị thông minh. Họ nói Việt Nam là lựa chọn của họ sau khi so sánh với các điểm đến khác.
Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, là công ty Mỹ có khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam đến nay với nhà máy lắp ráp và kiểm định trị giá 1 tỷ USD hoạt động từ năm 2010. Đây cũng là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của tập đoàn và họ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn trong những năm tiếp theo.
Theo ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Vietnam (IPV), trước khi công bố việc xây dựng nhà máy vào năm 2006, họ đã cân nhắc giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.
"Lý do chúng tôi chọn Việt Nam là sự ổn định về chính trị. Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là ví dụ điển hình cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt, trong khi các nước khác gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi vẫn có thể vận hành hết công suất và tăng trưởng", ông Kim nói tại sự kiện.
Theo hãng phân tích tài chính - kinh doanh S&P Global, từ tháng 3 năm ngoái, Intel đã di chuyển việc sản xuất bộ vi xử lý (chipset) Platform Controller Hub, hay PCH, từ Trung Quốc sang Việt Nam, do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Intel Products Vietnam (giữa), trong thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - Mỹ hôm 25/8. Ảnh: VM. |
Trở ngại năng suất lao động
Một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đã có các động thái thu hút đầu tư sau những lời kêu gọi dịch chuyển sản xuất. Các chuyên gia đồng ý rằng nỗ lực chống dịch mà Việt Nam thể hiện trong thời gian qua đã trở thành yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư trong cuộc cạnh tranh này.
Trong suốt nhiều tháng khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở khắp các châu lục, Việt Nam duy trì số ca nhiễm ở mức chỉ hơn 300 và không có ca tử vong. Ngay cả trong làn sóng lây nhiễm hiện tại, Việt Nam cũng đang cho thấy khả năng kiểm soát tình hình.
"Cách Việt Nam xử lý đại dịch đã mang đến cho các nhà đầu tư sự tin tưởng", ông Yee Chung Sek, Giám đốc bộ phận M&A - Công nghệ của Baker McKenzie Việt Nam, nói với Zing.
"Việc cho thấy chúng tôi có một chính phủ biết quan tâm, đưa ra những quyết định khó khăn một cách nhanh chóng, áp dụng công nghệ để chiến đấu với dịch bệnh... là những dẫn chứng rất mạnh mẽ. Đó chính là thứ có thể giúp Việt Nam bán được hàng".
Cách Việt Nam xử lý đại dịch đã mang lại sự tin tưởng cho các nhà đầu tư. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội từ lâu đã được xem là lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam bên cạnh những lợi thế về nguồn nhân lực, chi phí, môi trường chính sách. Tuy nhiên, các công ty Mỹ cũng lo ngại về một số hạn chế, chẳng hạn như năng suất lao động.
"Chúng tôi đã làm một số phân tích vài năm trước và thấy rằng năng suất lao động cần phải tăng thêm 50% nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng GDP dễ dàng", ông Marco Breu, Giám đốc McKinsey Việt Nam, phát biểu trong một cuộc thảo luận tại diễn đàn.
Làn sóng dịch chuyển sản xuất cũng sẽ gây áp lực lên tiền lương, và nếu năng suất lao động không tăng cùng với mức độ ngang bằng, thì các công ty nước ngoài "sẽ không còn thấy Việt Nam hấp dẫn", ông Dennis McCornac, giáo sư kinh tế tại Đại học Loyola Maryland, Mỹ, nói với Zing.
Đô thị thông minh
Diễn đàn doanh nghiệp TP.HCM - Mỹ hôm 25/8 được kỳ vọng giúp "chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về sự chủ động và tích cực của thành phố trong việc chào đón và thu hút làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ tìm kiếm các địa điểm đầu tư an toàn và hiệu quả hơn", theo thông cáo gửi cho báo giới.
TP.HCM mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong 3 lĩnh vực, bao gồm: đô thị thông minh, phát triển khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía đông (đang được tạm gọi là "thành phố Thủ Đức") và xây dựng trung tâm tài chính.
Ông Kritenbrink cho hay hai nước đã hợp tác trong 7 dự án về đô thị thông minh tại TP.HCM, một trong những kế hoạch tham vọng nhất của thành phố.
Những dự án này trải rộng từ việc xây dựng Trung tâm Tiếp nhận và Xử lý Thông tin khẩn cấp, Cứu hộ cứu nạn cho đến việc xây dựng Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh, nơi dự kiến xử lý hàng triệu đơn vị dữ liệu một ngày.
Mỹ hỗ trợ TP.HCM xây dựng "đô thị thông minh". Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mỹ sẽ tài trợ hơn 1,4 triệu USD, trong đó gần 1,2 triệu USD là tài trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA), để hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh. Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ diễn ra tại diễn đàn hôm 25/8.
Dự án được triển khai bởi Winbourne Consulting, một trong những công ty tư vấn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chỉ huy điều hành tích hợp.
Theo bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, đội ngũ đại diện Bộ Thương mại Mỹ tại lãnh sự quán đã ra mắt nhóm làm việc về đô thị thông minh Mỹ - Việt Nam từ năm 2016, tạo nền tảng cho hợp tác công tư trong một số dự án lớn nhất.
"Những tiến bộ mà TP.HCM đã đạt được, và sẽ tiếp tục đạt được, thực sự rất ấn tượng", bà Damour nói. "Tôi tin rằng những dự án này... sẽ biến TP.HCM thành một đô thị thông minh không chỉ tại Việt Nam mà trong toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".