Năm ba tuổi, bà Marie C. Damour được cha tặng chiếc khăn choàng cổ bằng lụa, khi ông trở về từ Việt Nam. Chiếc khăn có hình con rồng uốn lượn như chữ S.
"Bạn biết đấy, hình dáng đất nước Việt Nam giống một con rồng", bà nói.
Đó là lần đầu tiên trong đời bà nghe đến hai chữ "Việt Nam".
Đấy "không phải là kiến thức sâu sắc", bà thừa nhận, nhưng hình ảnh, cảm nhận đầu tiên được truyền lại từ người cha ít nhất đã đủ để giúp bà sau này không chỉ hình dung Việt Nam như một cuộc chiến, như nhiều người Mỹ khác.
Cha của bà, sĩ quan lục quân Mỹ, trước đó một năm được cử đến Phú Bài, gần thành phố Huế ngày nay. "Cha tôi rất yêu Việt Nam. Ông rất quý mến người dân. Ông nói những lời tốt đẹp về đất nước", bà nói. "Chúng tôi đã luôn nghĩ về Việt Nam như thế".
Bà Damour cùng các quan chức Mỹ và Việt Nam trong lễ đón tàu sân bay Roosevelt tại Đà Nẵng hồi tháng 3. Ảnh: Thuận Thắng. |
Dù vậy, cho đến năm 37 tuổi, bà mới có cơ hội đặt chân đến Việt Nam lần đầu, đảm nhận vai trò trưởng phòng lãnh sự tại TP.HCM. Bà chỉ ở đây hai năm từ 2002-2004.
15 năm sau đó, bà trải qua nhiều vị trí ở phái bộ ngoại giao Mỹ tại các nước cũng như tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC. Đến năm 2019, bà quay lại Việt Nam lần hai với vai trò mới: tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM.
Nhiệm kỳ của bà được đánh dấu bằng sự kiện quan trọng tháng 7 này: 25 năm ngày bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.
"25 năm không phải là dài, ý tôi là sự nghiệp của tôi còn dài hơn", bà Damour nói trong cuộc trò chuyện với Zing khi đi thuyền trên sông Sài Gòn. "Bởi thế tôi cảm thấy thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến quan hệ đối tác vững mạnh giữa Mỹ và Việt Nam".
Quan tâm về Đông Dương
Tháng 7/1995, khi Hà Nội và Washington cùng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng tình hữu nghị, bà Damour đang chuẩn bị chuyển đến phái bộ Mỹ tại Paris, sau thời gian làm việc tại Mauritania, đất nước ở Tây Phi. Khi đó, bà chỉ mới gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ 2 năm.
"Thú nhận là khi đó tôi không biết cụ thể về chuyện bình thường hóa quan hệ (Việt - Mỹ)", bà nói, giải thích rằng việc chuẩn bị chuyển từ một sứ quán nhỏ đến một sứ quán lớn - đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Âu - đã chiếm hết thời gian.
Đến khi bà quay lại Washington vào năm 1997, bà mới bắt đầu chú ý đến Việt Nam vì khi đó hai bên đang thảo luận về thành lập Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco.
"Chúng tôi điều thêm nhiều viên chức ngoại giao đến Việt Nam. Tôi cũng bắt đầu làm việc liên quan đến Lào và Campuchia", bà nói. "Đó là lúc tôi ý thức rõ hơn về những gì đang xảy ra ở Đông Nam Á".
Thực tế, Đông Nam Á nói chung và bán đảo Đông Dương nói riêng đã là mối quan tâm của bà từ thời sinh viên. Theo học chuyên ngành lịch sử và chính phủ tại Đại học William & Mary ở Virginia, trường đại học lâu đời thứ hai tại Mỹ, sau Harvard, bà đặc biệt hứng thú với vùng đất nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
"Đó là nơi mà hai nền văn minh nổi bật Trung Quốc và Ấn Độ gặp gỡ và giao thoa, tạo ra lịch sử độc đáo", bà nói. "Thật là thú vị khi biết về những đế chế khác nhau từng tồn tại ở đâu và con đường mà các quốc gia đã đi qua".
Bà tiếp tục dành sự quan tâm cho Đông Nam Á khi gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ và theo học cao học. Bà từng giữ chức giám đốc Văn phòng Hàng hải Đông Nam Á thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.
Bà Damour có sự quan tâm đặc biệt đối với Đông Nam Á từ thời sinh viên. Ảnh: Hoàng Giám. |
Cuối cùng, bà cũng đặt chân đến Việt Nam khi được bổ nhiệm làm trưởng phòng lãnh sự tại TP.HCM vào năm 2002.
"Giao thông 'điên rồ'. Đồ ăn xuất sắc. Con người đáng mến", bà trả lời khi được hỏi về ấn tượng đầu tiên đối với thành phố. "Tôi luôn bảo với bạn bè ở Bộ Ngoại giao khi đó rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy hòa nhập nhanh như vậy ở một đất nước mà tôi gần như không biết một chữ bẻ đôi nào như ở Việt Nam".
"Tôi nghĩ người Việt Nam vô cùng hiếu khách, vô cùng thân thiện và làm việc vô cùng chăm chỉ", bà nói tiếp.
TP.HCM đã trở thành đô thị quốc tế
TP.HCM lúc đấy, trong ký ức của bà Damour, chưa có nhiều tòa nhà cao tầng, chưa nhiều trung tâm thương mại, điện thoại di động chỉ vài người có và tiếng Anh chưa được dùng phổ biến. Những điều đó hoàn toàn thay đổi khi bà quay lại.
"Hồi đó khách sạn Caravelle đã là cao rồi đấy, nhưng giờ thì mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Landmark 81, rồi những tòa nhà rất cao rất lớn khác. Hoàn toàn khác xưa", bà nói TP.HCM đã trở thành đô thị quốc tế.
Đi dọc sông Sài Gòn từ Tân Cảng về hướng quận 1, bà có thể nhận ra rất nhiều tòa nhà không có trên đường chân trời ngày xưa. Nhìn sang phía quận 2 với các khu Thảo Điền, An Phú, hay khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành, bà nói không thể nhận ra.
Bà Damour đi thuyền trên sông Sài Gòn, sau lưng là tòa nhà Bitexco. Ảnh: Hoàng Giám. |
Song với bà, những thay đổi như vậy chưa phải điều quan trọng nhất. Điều khiến TP.HCM trở thành "thành phố thế giới" như hiện nay, theo bà, chính là sức trẻ và sự bao dung, sẵn lòng chào đón những con người từ khắp nơi đổ về.
"Thành phố có rất nhiều người trẻ dưới 30 tuổi. Có lẽ chính môi trường khởi nghiệp ở đây mang đến cơ hội để sống một cuộc sống bất kể bạn mơ ước điều gì", bà nói.
"Và tôi nghĩ chính nhận thức về cơ hội đã khiến người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây, bên trong TP.HCM này... Thành phố chào đón toàn thể mọi người và đây là thứ thực sự làm nên một thành phố đẳng cấp thế giới".
Bà nói nếu trước đây, dường như người Việt Nam bảo rằng "chúng tôi muốn được như Thái Lan" thì sau 15 năm, người Việt Nam không còn muốn trở thành Thái Lan nữa, vì "họ muốn giống như Hàn Quốc và Nhật Bản".
Dù vậy với bà, Sài Gòn vẫn giữ được những nét riêng có của mình, những điều mà bà cho rằng sẽ giúp bà vẫn nhận ra thành phố khi quay trở lại vào 10, 20, hay 25 năm tới.
"Có rất nhiều điều về TP.HCM mà tôi vẫn nhận ra từ lần trước ở đây. Niềm tự hào tại thành phố, nguồn năng lượng mà các bạn có từ những con người làm việc hết mình mà vui chơi cũng hết mình, làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, chăm lo cho gia đình và quan tâm đến giáo dục", bà nói.
"Tôi muốn nói là không khí đó vẫn hiện diện ở đây và đó cũng là TP.HCM của lần trước mà tôi nhớ".
Quan hệ đối tác vững chắc
Trở lại TP.HCM đến nay chưa tròn một năm, trong đó vài tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bà Damour có chút tiếc nuối vì một số hoạt động kỷ niệm 25 năm phải hủy bỏ. Tuy nhiên, chính giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, bà có thể nhìn thấy Việt Nam thay đổi ra sao.
"Việt Nam có lẽ là nước làm tốt nhất thế giới trong việc xử lý và chiến đấu với Covid-19", bà nói, ca ngợi chiến lược truyền thông hiệu quả, sự minh bạch và công khai trong việc cung cấp thông tin.
Bà nói điều bà ấn tượng không chỉ là hành động quyết đoán của chính phủ trong ứng phó với khủng hoảng mà còn là việc toàn xã hội đã làm những gì họ cần phải làm để ngăn chặn sự lây lan.
"Nền kinh tế gặp khó khăn. Việc không thể gặp người thân cũng rất khó khăn. Nhưng thực tế là người dân Việt Nam đã đoàn kết theo cách giúp các bạn mở cửa trở lại nhanh hơn bất cứ đâu trên thế giới", bà nói.
Dịch bệnh cũng cho thấy sự phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ, trong tổng thể sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã thiết lập cách đây 6 năm. Đội ngũ y tế tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, với 116 người, là bộ phận đông nhất của phái bộ. Họ đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, không chỉ trong dịch Covid-19 mà trong rất nhiều vấn đề y tế khác nhau.
Nếu nói về bang giao, 25 năm không phải là thời gian dài, thậm chí còn chưa dài bằng sự nghiệp của bà Damour. Song với những tiến bộ mà hai nước đã đạt được, theo bà, 25 năm đó đã cho thấy rằng "chúng ta có thể cùng nhau đạt được rất nhiều thành tựu trong mối quan hệ".
Chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng hồi tháng 3 là một ví dụ. Chuyến thăm diễn ra 2 năm sau lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ, Carl Vinson, cập cảng Việt Nam kể từ năm 1975.
Bà Marie Damour cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (phía trước) và Tùy viên quân sự Thomas Stevenson (áo trắng) viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM hôm 21/6. Ảnh: ĐP. |
Bà Damour cho hay quân đội Mỹ đặt ra rất nhiều yêu cầu khi những "thành phố nổi" như vậy cập cảng, để đảm bảo toàn bộ thủy thủ đoàn được an toàn, bao gồm cả việc làm sao để tránh tai nạn giao thông trên đường phố - "môi trường" mà các thủy thủ không quen thuộc.
"Song đó thực sự là cơ hội để chúng ta thể hiện sự vững chắc của mối quan hệ, cam kết của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á", bà nói.
Bà cũng tiết lộ các thủy thủ tàu Roosevelt đã chọn Việt Nam là nơi số 1 họ muốn ghé thăm khi biết rằng họ sắp đến Đông Nam Á.
"Sông có khúc người có lúc", bà nói bằng tiếng Việt.
"Chúng tôi rất tự hào về quan hệ mà chúng tôi đang có với Việt Nam. Giờ đây, 25 năm sau bình thường hóa, chúng ta đã thoát khỏi bi kịch quá khứ để trở thành bạn bè và đối tác tin cậy của nhau".