Chưa thay đổi giá từ năm 2012
Kết quả kiểm tra giá cước vận tải tại TP HCM của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, một số DN đã thực hiện 3 đợt giảm giá. Cụ thể, tính đến đầu tháng 2/2015, hầu hết DN kê khai giảm giá, trong đó có 14/20 DN taxi (nhiều DN chiếm tỷ trọng lớn) kê khai lại giá cước lần 3 với mức giảm 2,8-13,3% (giảm 500-2.000 đồng/km); 6 DN chưa kê khai lại (trong đó có 1 DN chưa hoạt động); 44/55 DN kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai lại giá cước lần 3 với mức giảm 3-10% cho tất cả các tuyến.
Tuy nhiên, không ít DN chưa kê khai lại với nhiều lý do: kê khai tại địa phương khác, cần thời gian để tính toán lại các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá cước. Trên địa bàn tỉnh An Giang, qua kiểm tra cho thấy có 30/39 DN kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã thực hiện kê khai, kê khai lại giá cước tại Sở Tài chính.
Trong đó, 26 DN kê khai giảm giá cước vận tải 5-14%, 4 DN kê khai nhưng vẫn giữ giá đã kê khai lần trước đó (từ năm 2012). Các DN này cho biết: Không điều chỉnh tăng giá cước khi có phát sinh tăng phí bảo trì đường bộ hay tăng giá nhiên liệu.
Với 9 DN còn lại kinh doanh vận chuyển hợp đồng, vận chuyển hàng hóa chưa giảm giá, Sở Tài chính tỉnh này trình UBND xem xét bổ sung dịch vụ này vào danh mục dịch vụ kê khai giá theo quy định.
Kê khai lại nhưng không giảm
Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, gần như các DN vận tải taxi, tuyến cố định, vận tải thủy bộ đã thực hiện kê khai lại, mức giảm 3,7-11,11%. Song 2 DN có một số tuyến vẫn giữ giá cũ vì cho rằng giá cước vẫn đang bằng hoặc thấp hơn giá cước của các DN cùng tuyến đã kê khai giảm giá.
DN chưa giảm giá cước tại TP HCM đã bán vé xe Tết Ất Mùi. |
Đối với các DN vận tải đường thủy: 11/11 DN đã kê khai lại, trong đó 5 DN kê khai giảm giá từ 1,92-14,29% (riêng công ty CP tàu Cao tốc Superdong Kiên Giang – DN độc quyền khai thác tuyến Rạch Giá- Phú Quốc có mức giảm thấp nhất từ 1,92-3,33%); 6 DN kê khai lại nhưng không giảm giá.
Các DN này giải thích: Kê khai giá từ năm 2012 và do trước đây giá xăng dầu tăng, DN không điều chỉnh tăng giá vé đồng thời máy móc thiết bị xuống cấp nên tiêu tốn nhiêu liệu cao hoặc trang bị thêm máy tàu, làm chi phí tăng cao.
Liên quan đến đoàn kiểm tra giá cước vận tải ô tô tại miền Trung do lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) dẫn đầu, kết quả ban đầu cho thấy: Đà Nẵng có 54 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (6 DN taxi, 16 đơn vị vận tải tuyến cố định, 3 đơn vị kinh doanh xe buýt và 30 đơn vị vận tải hàng hóa container).
Tính đến ngày 3/1, các hãng taxi đã kê khai giảm giá 2 lần với tổng tỷ lệ điều chỉnh giảm 3-25%; 19/19 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định (trong đó 3 đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt) điều chỉnh giảm tỷ lệ 2,3-12%. Có 22/30 đơn vị vận tải hàng hóa container kê khai giá; trong đó 10 đơn vị kê khai lần đầu và 12 đơn vị kê khai giảm giá tỷ lệ 3-21%.
Đại diện đoàn này cho hay, Đà Nẵng là một trong những điểm thực hiện tốt việc giảm giá cước do liên tục có các đoàn kiểm tra; gồm đoàn liên ngành của Bộ Tài chính - Bộ GTVT vào cuối tháng 11 và đoàn của Sở Tài chính Đà Nẵng tháng 12/2014. Hiện, đoàn kiểm tra liên Bộ Tài chính – GTVT đang tiếp tục kiểm tra tại 5 đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe trên địa bàn Đà Nẵng.
Công bố 57 DN vận tải không giảm cước
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ngày 4/2, bến xe Miền Đông (TP HCM) công bố danh sách 57 DN vận tải đang hoạt động tại bến xe (có trụ sở đặt tại các tỉnh thành) chưa thực hiện kê khai giảm giá cước theo giá xăng dầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM, với mức giảm giá xăng dầu khoảng 40%, các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định phải giảm giá vé 10-15% so với thời điểm trước tháng 7/2014 mới hợp lý.