Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xăng dầu giảm giá: Nhà xe, thương lái hưởng trọn

Giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa chưa giảm giúp nhà xe, thương lái hưởng trọn. Người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa được hưởng lợi.

Khảo sát tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM, nhiều chủ xe cho biết đã giảm cước vận tải. Thế nhưng nếu tính toán cụ thể sẽ thấy một khoản lợi nhuận khá lớn có được nhờ giá xăng dầu giảm sâu đã không đến tay người tiêu dùng.

Chỉ cần theo dõi chặng đường từ vựa trái cây miền Tây hay rau củ Ðà Lạt tới TP. HCM tiêu thụ, có thể thấy rõ ai đang hưởng lợi âm thầm và ai đang từng ngày hao thiệt tiền cho những mặt hàng thiết yếu.

Nhà xe giảm cước

23h ngày 22/1, chợ đầu mối nông sản Thủ Ðức nườm nượp xe ra vào bốc dỡ hàng cho các sạp bán sỉ. Bên ngoài bãi còn rất nhiều xe từ các tỉnh về đợi nhập hàng. Nhiều nhà xe chủ yếu chở thuê cho các đầu mối, một số ít là xe gia đình tự vận chuyển hàng. Trong khi chờ dỡ hàng, các tài xế và chủ xe tỏ ra thoải mái và vui vẻ khi đề cập chuyện giá cước vận tải.

Anh Nguyễn Thanh Hải, lái xe cho HTX Huỳnh Văn Anh (phường 2, Cao Lãnh, Ðồng Tháp), cho biết cước đã giảm khá nhiều so với thời điểm hồi tháng 7, khi giá xăng dầu ở đỉnh cao. “Từ tháng 7 tới giờ, giá cước vận tải hàng từ Cao Lãnh lên Thủ Ðức đã giảm hai lần. Lần đầu giảm từ 220.000 đồng/tấn xuống 190.000 đồng/tấn. Cách đây ít ngày, cước giảm tiếp lần nữa còn 170.000 đồng/tấn”, anh Hải nói.

Theo anh Hải, giá cước giảm do tác động từ ba bên: cơ quan nhà nước gửi công văn yêu cầu giảm, các tiểu thương nhận hàng đòi giảm, và đặc biệt là chủ vựa chủ động đàm phán giảm giá với nhà xe. “Cho nên không giảm cũng không được. Các nhà xe đều nhìn nhau giảm ở mức tương tự”.

Tương tự, anh Thái Minh Chiến, lái xe của HTX Thanh Lan (TP Cần Thơ), cho biết giá xăng dầu giảm đã kéo chi phí chạy xe xuống đáng kể. Từ tháng 7 tới nay, xăng giảm giúp cước phí chở hàng từ Cần Thơ lên TP HCM giảm. Trước đây, cả đi và về hết 3 triệu đồng tiền dầu, nay giá giảm chỉ còn khoảng 1,7 triệu đồng. Ðoạn đường này ngốn hết 120-130 lít dầu cho xe tải 8 tấn, dầu giảm gần 8.000 đồng/lít khiến tiền nhiên liệu giảm gần 1 triệu đồng/chuyến.

Còn theo lái xe đường dài Lê Ðình Ðức, chạy tuyến miền Tây - Hà Nội, trước đây lúc cao điểm hồi tháng 7 cước lên tới 5 triệu đồng/tấn x 8 tấn = 40 triệu đồng/chuyến. “Trong đó xăng dầu chiếm 50% giá cước, khoảng 20 triệu đồng. Ðến nay giá dầu giảm, kéo giá cước xuống còn 30 triệu đồng/chuyến”, anh Ðức cho biết.

Theo anh, giá cước vận tải hàng Hà Nội - TP. HCM cho hàng nóng (hàng ngắn ngày, dễ hư hỏng) cũng giảm đáng kể từ 5,5 triệu đồng/tấn còn khoảng 4 triệu đồng/tấn. Hàng nằm (hàng khô) giảm từ 4,5 triệu đồng/tấn xuống 3 triệu đồng/tấn.

Thương lái không giảm, chợ lẻ dửng dưng

Trong khi nhiều nhà xe tại các chợ đầu mối cho biết đều đã giảm cước vận chuyển, nhiều thương lái lại khẳng định không hề có chuyện giảm giá cước.

Chủ vựa Mỹ Ðức (TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng) cho hay, hiện một chuyến hàng khoai tây đi chợ đầu mối Thủ Ðức vẫn ở mức giá 650.000 đồng/tấn hàng. Dù giá xăng có tăng giảm cỡ nào thì giá hàng hóa cũng không có chuyện bị ảnh hưởng.

Chủ vựa này lấy ví dụ: 1kg khoai tây khi đến chợ Thủ Ðức được các tiểu thương trả cho thương lái ở Ðà Lạt khoảng 10.000 đồng, sau khi trừ chi phí tiền xăng và tiền lời khoảng 1.000 đồng/kg, thương lái sẽ trả lại cho nhà vườn 8.500-9.000 đồng/kg khoai.

Nếu theo công thức này, cả thương lái và tiểu thương chợ không hề chịu chi phí xăng xe, khoản này toàn bộ nhà vườn phải chịu hết. “Dù giá xăng có tăng hay giảm, thương lái và tiểu thương đều là người có quyền quyết định giá, nhưng không bao giờ họ chịu gánh các khoản lộ phí hoặc các khoản phí bất kỳ”, chủ vựa Mỹ Ðức cho hay.

Tài xế chở hàng tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) cho biết giá cước vận tải đã giảm chút ít

Tài xế chở hàng tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) cho biết giá cước vận tải đã giảm chút ít

Theo cách này, chủ vườn hoặc chủ vựa đầu nguồn ở địa phương là người được hưởng lợi khi giá xăng dầu giảm, với điều kiện nhà xe đồng ý giảm cước cho họ. Tại chợ đầu mối Thủ Ðức, chủ vựa Ngọc Toàn cũng cho biết giá hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận chuyển vẫn như cũ chứ không lên xuống.

Ví dụ tại thời điểm này, quýt Lai Vung (Ðồng Tháp) ở mức 220.000 đồng/thùng 12kg, tương đương 22.000 đồng/kg, giá này không lên không xuống, vẫn như vậy từ nhiều ngày. Khi ra tới chợ Tân Ðịnh, mặt hàng quýt đã “đội” lên tới 32.000 đồng/kg.

Tương tự, theo giải thích của các thương lái, giá xăng dầu giảm không phải là yếu tố để quyết định giá cả. Các thương lái cho hay, hàng sau khi vận chuyển từ vườn ra chợ, tùy vào tình hình sức mua, lượng hàng ở chợ mà giá được quyết định. “Gặp bữa dội hàng thì kiểu gì cũng phải bán, lỗ nặng cũng phải bán chứ ôm hàng để làm gì”, một thương lái ở chợ đầu mối Thủ Ðức nói.

Trong khi đó ngoài chợ lẻ, nhiều bà nội trợ cho biết, giá vẫn cao ngất ngưởng như ngày thường. Chẳng hạn tại chợ Lạc Quang (quận 12), xà lách 25.000 đồng/kg, su hào 10.000 đồng/kg, cải xanh 20.000 đồng/kg, mồng tơi 4.000 đồng/kg, cà rốt 10.000 đồng/kg... Hay như vú sữa, quýt, thanh long... đã tăng gấp đôi.

Mặt hàng đang rộ vụ như vú sữa khi đến chợ Thủ Ðức giá được rao bán cho tiểu thương ở mức 15.000 đồng/kg loại Vĩnh Kim, loại Cần Thơ chỉ còn 11.000 đồng/kg, loại đẹp.

Tuy nhiên khi ra đến chợ Tân Ðịnh (quận 1), vú sữa đã được tiểu thương bán 25.000-30.000 đồng/kg. Mức giá này được các tiểu thương bán ổn định suốt ba tuần qua. Tương tự, su hào, bắp cải, cà chua đang rộ vụ ở miền Bắc tại chợ đầu mối được thương lái rao với giá không đổi so với trước.

Giải thích việc này, tiểu thương Nguyễn Thị Dung (chợ Lạc Quang, quận 12) cho hay, giá xăng dầu giảm không ảnh hưởng, chợ sỉ lấy sao mình bán vậy chứ giá cả hầu như vẫn thế. Khi thắc mắc tại sao giá hàng hóa bị đội lên gấp nhiều lần khi về chợ lẻ, chị này cho hay do bán lẻ chịu thêm tiền vận chuyển, tiền hư hại, giập nát, hư hỏng nên phải bán giá cao mới có lời. “Em cứ để ý, 1 kg quýt tết có khi lên 35.000 đồng về bán ra 60.000 đồng cũng là chuyện bình thường. Phải trừ hao hư, bị giập, bị đâm”, chị Dung cho hay.

Không riêng gì mặt hàng trái cây, rau củ, ghi nhận tại các chợ cho thấy các loại hải sản hay thực phẩm tươi sống dù hàng hóa bình ổn có giảm giá thì hàng ngoài chợ vẫn bán ở mức bình thường.

Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), thịt heo nạc lên tới 90.000 đồng/kg, sườn non cũng 130.000 đồng/kg, sườn già 70.000 đồng. “Giá này có thấy giảm gì đâu em, ngày nào chị đi chợ cũng thấy bán giá chừng đó”, chị Phạm Thị Tươi, nhân viên văn phòng quận Tân Bình, cho hay.

Thanh tra vào cuộc, DN vận tải mới chịu giảm cước

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính thành lập các đoàn kiểm tra về giá cước vận tải, nhiều doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh, thành phố mới đẩy mạnh việc giảm giá cước.

Cái lợi khó chối cãi

Thương lái đưa ra nhiều lý do, chủ xe cũng nói đã giảm hết cỡ, song nếu tính toán cụ thể có thể thấy cái lợi dôi ra từ giá xăng dầu giảm vẫn còn rất lớn mà họ đã vô ý hoặc cố tình chưa tính.

Chẳng hạn, một chuyến xe chở 8 tấn vú sữa từ Ðồng Tháp lên Thủ Ðức, thời điểm tháng 7, khi xăng dầu ở đỉnh cao giá cước là 220.000 đồng/tấn, nay đã giảm còn 170.000 đồng/tấn. Tính ra với 8 tấn hàng, thương lái và nhà bán lẻ hưởng lợi từ việc giá xăng giảm 400.000 đồng/xe.

Cùng lúc đó, nhà xe dù đã giảm nhưng thật ra vẫn chưa giảm tương xứng với mức giảm xăng dầu. Cũng với xe vú sữa nói trên, chạy đoạn đường Ðồng Tháp - Thủ Ðức tiêu tốn khoảng 110 lít dầu cả đi và về.

Dầu giảm từ 22.820 đồng/lít đầu tháng 7 còn 15.170 đồng/lít, tương đương giảm được 7.650 đồng/lít. Nhờ đó, hãng xe tiết kiệm được 841.500 đồng tiền dầu. Xe 8 tấn trước đây lấy cước 1.760.000 đồng, nay chỉ giảm 400.000 đồng/chuyến, còn 1.360.000 đồng. Như vậy, nhà xe hưởng lợi từ giá dầu giảm là 841.500 - 400.000 = 441.500 đồng/chuyến.

Tính chung chỉ một xe 8 tấn chở vú sữa từ Ðồng Tháp lên Thủ Ðức, thương lái và nhà xe cùng nhau hưởng 841.500 đồng. Ðó cũng chính là khoản tiền người tiêu dùng đang chịu thiệt.

Lấy một ví dụ phổ biến khác với xe chở rau củ quả từ Ðà Lạt xuống Thủ Ðức. Hồi tháng 7, cước một chuyến xe chở khoai tây là 650.000 đồng/tấn. Hiện tại, con số này đã được nhà xe giảm còn khoảng 500.000 đồng/tấn. Giá cước đã giảm trong khi giá bán ra cho người tiêu dùng không đổi, tính ra thương lái và nhà bán lẻ hưởng lợi từ việc xăng giảm được 150.000 đồng/tấn. Xe 8 tấn, họ hưởng lợi 1.200.000 đồng/chuyến.

Ông Nguyễn Anh Tuấn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn.

Về phần nhà xe, họ vẫn được hưởng lợi dù đã giảm cước cho thương lái. Ðoạn đường Ðà Lạt - Thủ Ðức tiêu tốn mỗi xe khoảng 240 lít dầu cả đi và về. Dầu giảm 7.650 đồng/lít từ tháng 7 tới nay giúp nhà xe tiết kiệm được 1.836.000 đồng tiền dầu/chuyến đi về. Xe 8 tấn trước đây lấy cước 5.200.000 đồng, nay lấy 4.000.000 đồng, giảm được 1.200.000 đồng/chuyến. Như vậy, nhà xe hưởng lợi từ giá dầu giảm là 1.836.000 - 1.200.000 = 636.000 đồng/chuyến.

Tính chung một xe 8 tấn chở khoai từ Ðà Lạt xuống Thủ Ðức, thương lái và nhà xe cùng nhau âm thầm hưởng 1.200.000 + 636.000 = 1.836.000 đồng. Ðáng ra, khoản lợi 1.836.000 đồng phải giảm cho người tiêu dùng, nhưng trên thực tế giá các mặt hàng này vẫn giữ nguyên.

Nên công khai doanh nghiệp không giảm giá

Xung quanh việc nhiều doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nói:

- Chính sách quản lý giá cước vận tải được quy định rất thông thoáng tại thông tư liên tịch số 152 năm 2014 của liên bộ Tài chính - Giao thông vận tải. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải kê khai phương án giá với cơ quan quản lý, sau năm ngày mà không thấy cơ quan quản lý phản hồi thì mặc nhiên được điều chỉnh theo mức giá đã kê khai.

Bên cạnh đó, giá đó được thực hiện rồi, nhưng trong trường hợp có biến động về chi phí đầu vào thì doanh nghiệp được điều chỉnh tăng và giảm trong biên độ dao động tối đa 3% mà không phải kê khai với cơ quan quản lý. Như vậy chính sách quản lý giá tạo chủ động cho doanh nghiệp.

- Thực tế giá cước taxi tại Hà Nội và một số địa phương vẫn rất cao so với mức giảm của giá xăng dầu. Phải chăng cơ quan quản lý bó tay với các doanh nghiệp chây ì giảm giá cước?

- Theo quy định, việc quản lý giá cước vận tải thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố. Do đó tùy thuộc vào điều kiện, khả năng quản lý nên có tỉnh phân cấp giao sở tài chính, có địa phương giao sở giao thông vận tải quản lý.

Còn cơ chế quản lý giá phải theo thị trường. Bên cạnh những doanh nghiệp không giảm giá, hoặc giảm giá nhỏ giọt không tương xứng với mức giảm giá xăng dầu thì có những hãng đã giảm đáng kể, giá cước bình quân chỉ 9.000 đồng/km như tại Hà Nội có hãng xe Ba Sao, Thanh Nga...

Ðể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tôi cho rằng cơ quan quản lý là sở tài chính, sở giao thông vận tải phải công khai những doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước vận tải tương xứng với biến động giá xăng dầu để người dân tẩy chay.

Mặt khác, hiện Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức các đoàn kiểm tra giá cước vận tải dịp Tết tại 8 địa phương. Bộ Tài chính có đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài chính yêu cầu doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cước vận tải. Trường hợp doanh nghiệp nào không kê khai lại giá cước theo xu hướng giảm của giá xăng dầu thì cơ quan chức năng xử phạt theo quy định.

Giảm chưa tương xứng

Trong bản tổng hợp mới nhất báo cáo về giá cước vận tải của 38 địa phương, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện giảm giá cước vận tải còn rất thấp, thậm chí có không ít doanh nghiệp chưa giảm giá.

Cụ thể tại Bắc Ninh, taxi giảm giá 3-10%, nhưng các tuyến vận tải cố định và xe buýt vẫn giữ nguyên giá thực hiện như năm 2013. Ninh Bình chỉ có một doanh nghiệp taxi giảm giá cước. Ngay như Hà Nội mới có 64/100 doanh nghiệp taxi giảm giá cước với tỉ lệ 2-9%. 11/60 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cố định giảm giá cước tỷ lệ 5,8-10,6%, 2/20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container giảm 3,4-3,9%. Ðà Nẵng có tới 20 doanh nghiệp vận tải hàng hóa chưa giảm giá cước...

Cước vận tải 'cố thủ' giá cao

Giá xăng dầu tiếp tục giảm lần thứ 13 liên tiếp. Tuy nhiên, cước vận tải vẫn giảm giá nhỏ giọt, thậm chí có doanh nghiệp (DN) chưa và không hề có kế hoạch giảm giá.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150126/nha-xe-thuong-lai-huong-tron/703542.html

Theo Dũng Tuấn - Hồng Quý/ Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm