Theo chia sẻ của một tài xế taxi, một xe hơi tiêu tốn trung bình 8-12 lít xăng cho 100km tùy loại xe và địa hình. Tính trung bình, xe chạy 10km mất khoảng 1 lít xăng.
Với hành trình 100 km, hành khách phải trả 1,44 triệu đồng cho hãng (cước phí trung bình 14.400 đồng từ km thứ 30), trong khi chi phí nhiên liệu cho hành trình này chỉ khoảng 188.040 đồng (giá xăng là 15.670 đồng/lít).
Nhìn vào cơ cấu này, dễ dàng nhận thấy các khoản chi phí ngoài nguyên liệu chiếm tỉ lệ khá lớn trong cơ cấu giá taxi. Dù cho có lý giải rằng chi phí khấu hao, nhân sự của hãng khá cao... thì việc người tiêu dùng phải gánh những khoản chi phí quá lớn của hãng là điều khó chấp nhận.
Ngoài ra, mức giảm giá của xăng dầu từ năm 2014 đến nay tương đương 39%, trong khi mức giảm của hãng taxi mỗi lần là 500 đồng trên giá thành 1 km di chuyển chỉ dừng khiêm tốn ở mức 3,4%, nên động thái giảm mỗi lần 500 đồng của hãng taxi thật sự không làm người tiêu dùng hài lòng.
Một chiếc taxi Uber bị lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực đường Lê Hồng Phong (quận 5). Do ngày đầu ra quân nên lực lượng chức năng khá vất vả trong việc giải thích lỗi cho tài xế. |
Trong nền kinh tế, có hai nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp quyết định điều chỉnh giá: Một là tối đa hóa lợi nhuận, hai là chiếm lĩnh thêm thị phần. Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ dùng chính sách giá để tác động thu lợi nhuận ở mức cao nhất. Nếu muốn nhân cơ hội để chiếm lĩnh thị phần thì doanh nghiệp sẽ có chính sách giá phù hợp thu hút thêm khách hàng, nhằm bán được nhiều sản phẩm hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn mà doanh nghiệp vẫn muốn tối đa lợi nhuận thì chỉ có thể lý giải là do pháp luật vẫn còn dung dưỡng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục thu lợi mà không xét đến lợi ích của người tiêu dùng.
Nói khác đi là thị trường vẫn chưa tạo đủ độ cạnh tranh, vẫn còn tình trạng nguồn cung hạn chế, hoặc doanh nghiệp nguồn cung có sự bắt tay liên kết theo kiểu độc quyền nhóm, nên người tiêu dùng chưa thể sử dụng sự lựa chọn của mình để tác động đến chính sách giá của doanh nghiệp.
Việc phải cần đến 3 đoàn kiểm tra liên bộ để kiểm soát giá của các hãng vận tải, và những áp lực từ cơ quan quản lý trong những ngày qua để buộc các hãng vận tải tính lại giá cước cho phù hợp với mức độ giảm giá xăng dầu, là động thái tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sức ép này dường như vẫn chưa đủ, khi các doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục giảm giá cước kiểu “nhỏ giọt”. Đó là chưa kể cũng có ý kiến cho rằng, việc sử dụng sức ép từ các cơ quan quản lý nhà nước là sự can thiệp quá sâu vào chuyện kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.
Cho nên, trong vấn đề giảm giá cước vận tải, cần hướng đến giải pháp căn bản hơn, là để người tiêu dùng thể hiện quyền lực của mình. Điều người tiêu dùng cần hơn lúc này có lẽ là sự khôi phục vị thế của họ - người có quyền quyết định dịch vụ trên thị trường. Muốn vậy, Nhà nước cần tạo ra một cơ chế khuyến khích hơn nữa cho những doanh nghiệp vận tải mới muốn gia nhập ngành.
Khi sự cạnh tranh được công khai, tự bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải cân nhắc một mức giá vận chuyển hợp lý để giữ chân khách hàng, chứ không cần phải viện đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước, mỗi khi dư luận đặt vấn đề về giá cước vận tải không hợp lý.