Quá trình phát triển các môn võ thuật gắn liền với chủ trương “đi tắt đón đầu” của TTVN trong những năm 1990, đầu 2000.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Việc phát triển các môn võ thuật nhằm nâng cao nhanh thành tích của TTVN trong quá trình tái hòa nhập thể thao khu vực và châu lục. Các môn võ thuật trong thời kỳ 1989-2003 giữ vai trò rất quan trọng và thường xuyên sở hữu 50-60% tổng số HCV của TTVN ở các kỳ SEA Games”.
Trần Hiếu Ngân là VĐV Việt Nam đầu tiên giành huy chương Olympic. Ảnh: voc.org.vn |
Không dừng lại ở thành tích trong khu vực ĐNA, các môn võ thuật cũng làm rạng danh TTVN trên đấu trường châu lục và thế giới.
Tại Asiad 1994, Trần Quang Hạ đã mang về tấm HCV ở môn taekwondo. Đến Asiad 1998, Hồ Nhất Thống cũng tái lập thành tích tương tự. Ở Olympic 2000, nữ VĐV Trần Hiếu Ngân xuất sắc giành tấm HCB lịch sử - huy chương đầu tiên của TTVN tại đấu trường Olympic.
Sau thế hệ nêu trên, taekwondo Việt Nam tiếp tục sản sinh ra nhiều gương mặt ưu tú đạt đến trình độ quốc tế như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Trọng Cường, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Phạm Thị Thu Hiền…
Môn võ thuật thứ hai cũng đạt đến đẳng cấp rất cao so với mặt bằng khu vực của TTVN là karatedo. Trong các kỳ SEA Games, karatedo Việt Nam thường xuyên tranh chấp vị trí nhất nhì.
Trên bình diện châu lục, Vũ Kim Anh và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc từng đóng góp 2 trên tổng số 4 HCV của TTVN tại Asiad 2002. Đây cũng là kỳ Đại hội thể thao châu lục, TTVN giành được thành tích tốt nhất đến lúc này. Tới Asiad 2006, đến lượt Vũ Nguyệt Ánh kế tiếp truyền thống vẻ vang bằng tấm HCV.
Môn võ thuật thứ ba cũng làm rạng danh cho TTVN trên đấu trường quốc tế là wushu. Người hâm mộ sẽ không bao giờ quên những đóng góp của “cô gái vàng” Nguyễn Thúy Hiền hay Nguyễn Phương Lan qua các kỳ SEA Games. Gương mặt nổi bật của wushu hiện tại là Dương Thúy Vi - VĐV đã giành tấm HCV đầu tiên của wushu Việt Nam tại một kỳ Asiad (2014).
Ngoài ra, các môn võ thuật khác như pencak silat, judo, vật, boxing… cũng đều có đóng góp lớn trong thành công chung của TTVN.
Trương Thị Kim Tuyến giành HCV nội dung đối kháng hạng 46 kg nữ, môn taekwondo tại SEA Games 28. Ảnh: Anh Tuấn |
Thành tích của các môn võ thuật tại SEA Games 28 tiếp tục chứng minh trình độ hàng đầu của các VĐV Việt Nam. Tính đến hết ngày 14/6, taekwondo đã mang về 5 HCV, pencak silat (4), wushu (4), boxing (3), judo (2)…
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, điều đáng tiếc lớn tại SEA Games 28 là không tổ chức thi đấu karatedo và vật. Nếu có sự xuất hiện của 2 môn thế mạnh này, số lượng huy chương của đoàn TTVN sẽ còn cao hơn nữa.
Ông Minh đặc biệt ấn tượng với thành tích lần đầu tiên giành 3 HCV của boxing ở một kỳ SEA Games. Bởi đây là môn Thái Lan và Philippines thường chiếm ưu thế tuyệt đối.
Bên cạnh đó, boxing Việt Nam hầu như chỉ mạnh ở các nội dung của nữ. Nhưng tại SEA Games 28, VĐV Trương Đình Hoàng đã xuất sắc vượt qua VĐV của Thái Lan ở hạng cân 75 kg để giành HCV.
Trương Đình Hoàng là hiện tượng của boxing Việt Nam tại SEA Games 28. Ảnh: tapchithethao.vn |
“Sự chuyển hướng của TTVN khiến thành tích của các môn võ thuật không còn chiếm số lượng huy chương lớn như những kỳ SEA Games trước đây. Nhưng đóng góp của các môn võ thuật vẫn là thành quả rất đáng trân trọng và góp phần quảng bá cho hình ảnh của TTVN”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận xét.
Theo ông Minh, nền tảng tốt của các môn võ thuật thuộc hệ thống Olympic như taekwondo, karatedo, judo, vật, boxing… vẫn sẽ giữ vai trò mũi nhọn trong quá trình chuyển hướng của TTVN, từ các môn SEA Games sang các môn Olympic.