Điền kinh là môn thể thao có lịch sử lâu đời trên thế giới và có ý nghĩa cơ bản nhất trong hệ thống các môn Olympic. Ở Việt Nam, bộ môn này được phát triển từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau khi giải phóng miền Bắc năm 1954, phong trào điền kinh đã đạt được những thành tựu lớn.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh kể lại: “Thời kỳ đó, chúng ta có rất nhiều VĐV ưu tú như Hoàng An, Mộng Thư (chạy ngắn nữ), Trần Tú Thi, Vũ Tự Liêm (chạy ngắn nam) Vũ Đức Thưởng (nhảy xa), Hoàng Vĩnh Giang (nhảy cao), Đoàn Kim Phách (10 môn phối hợp)…”.
Tại Đại hội thể thao châu Á (GENAFO) năm 1966, VĐV Trần Hữu Chỉ đã xuất sắc giành HCV nội dung chạy 400 m. Khi về nước, ông Chỉ cùng 3 VĐV Việt Nam ở môn khác cũng giành HCV đã vinh dự được gặp Bác Hồ.
VĐV Trần Hữu Chỉ (thứ ba từ trái sang) vinh dự được gặp Bác năm 1966. Ảnh tư liệu |
Tại buổi gặp diễn ra chiều 19/12/1966, Bác ngồi phía dưới cùng các VĐV chứ không ngồi trên hàng ghế của lãnh đạo. Sau khi khen ngợi thành tích đã đạt được, Người ân cần dặn dò: “Thành tích của các cháu hôm nay là rất đáng mừng. Song thắng không kiêu, bại không nản, các cháu phải cố gắng hơn nữa để mang thành tích về cho Tổ quốc”.
Gần 50 năm kể từ thời điểm nêu trên, đội ngũ HLV, VĐV môn điền kinh luôn lấy đó là kim chỉ nam để phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực giành vinh quang từ cấp khu vực đến châu lục.
Ông Nguyễn Hồng Minh kể tiếp: “Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc rồi phải tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến thống nhất đất nước khiến rất nhiều bộ môn thể thao của chúng ta phải giải tán, nhiều VĐV lên đường ra chiến trường, một số đi về cơ sở. Phong trào thể thao nói chung và phong trào điền kinh nói riêng không tránh khỏi bị ảnh hưởng”.
Đặc thù thể thao của Việt Nam trong thời kỳ này, theo chia sẻ của ông Minh là: “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ” nhằm mục đích phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nói riêng về chạy, các cự ly trung bình và dài được chú trọng hơn các cự ly ngắn nhằm rèn luyện sức bền, sự dẻo dai. Điều này đã để lại ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay, khi nội dung thế mạnh của điền kinh Việt Nam hầu hết đều nằm ở các cự ly chạy trung bình và chạy dài, trong khi yếu ở chạy ngắn. Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam trong một thời kỳ dài cũng không được phát triển một cách toàn diện ở các nội dung khác.
Các thế hệ VĐV điền kinh Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn nhưng luôn vượt qua để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Ảnh: Anh Tuấn |
Ngoài khó khăn thuộc về lịch sử, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chỉ ra 3 khó khăn khác cản trở sự phát triển của điền kinh Việt Nam. Thứ nhất, phong trào điền kinh tuy phát triển rộng khắp nhưng thiếu sự đầu tư có chiều sâu như bơi (trường hợp Ánh Viên) hay TDDC (Phương Thành, Hà Thanh).
Điều này dẫn tới khó khăn thứ hai là điền kinh không có sự tiếp nối một cách vững chắc giữa các thế hệ VĐV. Khoảng trống những tên tuổi như Vũ Bích Hường, Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng… để lại vẫn chưa được khỏa lấp hoặc phải mất rất nhiều năm mới tìm thấy người thay thế.
Khó khăn thứ ba, theo ông Nguyễn Hồng Minh, nằm ở sự thiếu đồng bộ và nhất quán giữa 2 cơ quan quản lý môn điền kinh là Liên đoàn điền kinh Việt Nam và Bộ môn điền kinh trực thuộc Tổng cục TDTT.
Nhưng vượt qua thách thức, điền kinh Việt Nam từ chỗ “đốt đuốc đi tìm huy chương những năm 1990” đã bắt đầu đạt được thành công lớn ở SEA Games 22 năm 2003.
Cột mốc này đánh dấu một chặng đường mới của điền kinh Việt Nam ở sân chơi khu vực cũng như châu lục. Tại SEA Games 28, đội tuyển điền kinh có lực lượng hùng hậu nhất của đoàn TTVN (60 người, gồm 43 VĐV), tham gia tới 30 trên tổng số 46 nội dung (chỉ số phản ánh sự toàn diện).
Ngoài việc hoàn thành chỉ tiêu giành 10-12 HCV, điền kinh Việt Nam đã trình làng một số gương mặt xuất sắc như Nguyễn Thị Huyền (HCV 400 m vượt rào và 400 m đơn). Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho biết, thành tích của Huyền đều đạt tiêu chuẩn dự Olympic Brazil 2016.
Bên cạnh đó, HCV ở nội dung chạy tiếp sức nữ 4x400m của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền đã phá kỷ lục tồn tại 24 năm của Thái Lan.
Ở nội dung chạy ngắn không phải sở trường, Lê Trọng Hinh lần đầu tiên đã mang về tấm HCV cự ly 200 m. Trong khi những tấm HCV của Dương Văn Thái, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Văn Lai ở các cự ly 800, 1.500 và 5.000 m cũng đều để lại ấn tượng tốt đẹp của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28.
Nguyễn Thị Huyền giành 3 HCV (2 cá nhân, 1 đồng đội) tại SEA Games 28. Trong đó, 2 nội dung cá nhân đều đạt chuẩn tham dự Olympic Brazil 2016. Ảnh: Hoàng Hà |
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh kết luận: “Các nhà quản lý cần đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để lựa chọn, đầu tư có trọng điểm cho những gương mặt ưu tú vươn lên đạt đến trình độ cao của châu lục và thế giới”.
Trong nhiều phát biểu của mình, ông Minh thường nhắc đến trường hợp của Ánh Viên ở môn bơi như một ví dụ về tính đúng đắn của chính sách tập trung đầu tư cho các VĐV ưu tú.
Với 3 HCV (2 cá nhân, 1 đồng đội), Nguyễn Thị Huyền là gương mặt nổi bật của điền kinh Việt Nam. Nhưng ít người biết, chuyến tập huấn dự kiến của cô tại Mỹ trước thềm SEA Games 28 đã phải hủy bỏ vì lý do thiếu kinh phí.
Hôm nay (13/6), điền kinh Việt Nam bước vào tranh tài ở những nội dung cuối cùng. Một kỳ SEA Games nữa lại đánh dấu sự thành công của môn thể thao nữ hoàng, nhưng vẫn còn đó nỗi ưu tư ở thì tương lai.