Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘SEA Games 28 đánh dấu bước chuyển mình của thể thao VN’

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao - ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá, việc tập trung cho các môn Olympic là sự khác biệt của đoàn TTVN tại SEA Games 28.

- Thưa ông Nguyễn Hồng Minh, thể thao Việt Nam (TTVN) đã đạt được những thành tựu gì từ khi tái tham gia Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (ĐNA)?  

- Năm 1959, trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn sau khi giành độc lập, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội thể thao ĐNA. Nhưng sau đó, do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt và phải tập trung toàn bộ cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc, việc tham gia các Đại hội thể thao khu vực của chúng ta bị gián đoạn.

Đến năm 1989, thể thao Việt Nam tái hòa nhập thể thao khu vực ở SEA Games 15 tổ chức tại Malaysia. Khi tham gia SEA Games, chúng ta hướng đến 3 mục tiêu: Tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa các quốc gia ĐNA; Quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; Thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa - thể thao Việt Nam nói riêng cũng như khu vực nói chung.

Tiến Nhật, Thành An giành 2 HCV đấu kiếm ở SEA Games

Không lâu sau khi Tiến Nhật vượt qua VĐV chủ nhà Singapore Lim Wei Wen ở chung kết kiếm 3 cạnh, Thành An giành thêm HCV kiếm chém nam.

 

Đấu kiếm -nội dung thuộc Olympic - giành 2 HCV cho Đoàn TTVN ngay trong ngày ra quân. Ảnh: Hoàng Hà
Đấu kiếm -nội dung thuộc Olympic - giành 2 HCV cho Đoàn TTVN ngay trong ngày ra quân. Ảnh: Hoàng Hà

Sau hơn 20 năm tái hòa nhập đại gia đình thể thao ĐNA, cả 3 mục tiêu nêu trên đều đạt được thành công rực rỡ. Nói riêng trong lĩnh vực thể thao, từ chỗ giành 3 huy chương vàng và đứng thứ 7 trên 9 đoàn tham dự năm 1989, thể thao Việt Nam hiện nay luôn nằm trong nhóm đầu khu vực. Rất nhiều vận động viên đỉnh cao của chúng ta đã trưởng thành từ SEA Games.

- TTVN đã đạt được nhiều thành tựu hơn 20 năm qua. Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi vùng trũng ĐNA để đạt đến trình độ Asiad và Olympic?

- Song song với quá trình phát triển, một trong những mặt trái của TTVN khi tham dự SEA Games là chạy theo thành tích ở sân chơi khu vực. Cho đến tận năm 2011, chiến lược phát triển thể thao của chúng ta vẫn là phấn đấu tham dự đầy đủ môn thi đấu, giữ vững vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu. Điều này dẫn tới hậu quả là sự đầu tư dàn trải, phân tán lực lượng.

Mặt khác, sân chơi Asiad và Olympic là nơi dành cho các môn trong hệ thống Olympic như điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi… Trong khi đó, ở SEA Games có rất nhiều môn thi đấu không nằm trong hệ thống này.

Trong hơn 10 năm qua, xu hướng tổ chức SEA Games của các nước chủ nhà đều ngả theo xu hướng chèn thêm các môn, nội dung thi đấu thế mạnh của họ và lược bỏ hoặc hạn chế thế mạnh của nước khác. Điều này dẫn tới quy luật là hầu như nước nào đăng cai SEA Games cũng giành vị trí số 1, nhưng khi tổ chức ở nước khác, thành tích lại sụt giảm trông thấy.

Vì vậy, TTVN không có được sự ổn định trong hơn 10 năm qua. Theo tôi, chúng ta đã mắc sai lầm lớn khi để bị lệ thuộc vào tình hình thể thao khu vực bằng việc chạy đua các môn chỉ nhằm mục đích giành huy chương SEA Games.

'Lò luyện vàng' của thể thao Việt Nam vào mùa SEA Games

Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, nơi đóng góp hơn 60% số HCV của Đoàn TTVN ở mỗi kỳ SEA Games, bước vào giai đoạn cấm trại để chuẩn bị nước rút cho SEA Games 28.

 


Những môn trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, đấu kiếm... được TTVN xác định là mũi nhọn tại SEA Games 28. Ảnh: Anh Tuấn

- TTVN đã thay đổi về nhận thức như thế nào, thưa ông?

- Quá trình đấu tranh nhằm thay đổi nhận thức đã bắt đầu từ 6-8 năm trước. Đây là một cuộc đấu tranh rất khó khăn vì trước hết, điều này liên quan đến cuộc sống, nghề nghiệp của đội ngũ HLV, vận động viên. Một tấm huy chương SEA Games có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu là khoản thu nhập chính sau hàng năm tập luyện.

Thứ hai, việc đầu tư cho các môn SEA Games đáp ứng yêu cầu thành tích trước mắt. Trong khi đó, để gặt quả ngọt từ các môn trong hệ thống Olympic đòi hỏi phải đầu tư lâu lài, mức độ cạnh tranh và rủi ro cao khi cọ xát với trình độ của châu lục và thế giới.

Sau 2 kỳ Asiad 16 (2010), 17 (2014) và Olympic London (2012) mà TTVN không có vận động viên đỉnh cao, rất nhiều nhân vật có uy tín đã lên tiếng khẳng định mạnh mẽ việc chúng ta cần phải thay đổi để tiến bộ thay vì lệ thuộc SEA Games. Điều này đã dẫn tới sự chuyển hướng quan trọng trong chương trình hành động của Tổng cục TDTT: Coi SEA Games là đấu trường rèn luyện, liên thông với đấu trường Olympic.

- Sự chuyển hướng này đã dẫn tới thay đổi như thế nào trong cách TTVN chuẩn bị cho SEA Games 28?

- Lần đầu tiên trong vòng nhiều năm trở lại, số lượng vận động viên Việt Nam tham dự SEA Games thấp nhất, 392 người so với 500-700 trước đây. Trong số này có khoảng 50-60 vận động viên ưu tú thuộc các môn Olympic, được tập trung đầu tư từ vài năm trước.

Chúng ta cũng tham dự ít môn thi hơn, 28 trên tổng số 36 môn, so với thường xuyên đăng ký hơn 30 môn như trước. Rất nhiều trong số này là các môn thuộc hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm…

Trước đây, các môn võ thuật thường chiếm khoảng một nửa tổng số huy chương của TTVN tại các kỳ SEA Games. Nhưng năm nay, các môn Olympic được kỳ vọng sẽ thực hiện điều này. Chẳng hạn, điền kinh phấn đấu đoạt 10-12 huy chương vàng, thể dục dụng cụ 7-8 huy chương vàng, bơi 6-8 huy chương vàng…

Nếu hoàn thành chỉ tiêu 56-65 huy chương vàng và đứng thứ ba toàn đoàn, đó sẽ là thành công có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ của TTVN theo hướng các môn Olympic.

Ánh Viên là một trong những vận động viên ưu tú được tập trung đầu tư của TTVN. Ảnh: Hoàng Hà
Ánh Viên là một trong những vận động viên ưu tú được tập trung đầu tư của TTVN. Ảnh: Hoàng Hà

- Theo ông, TTVN gặp thuận lợi và khó khăn gì để hoàn thành mục tiêu đề ra?

- Chúng ta đã có khoảng 2 năm chuẩn bị cho sự chuyển hướng này. Theo tôi, các môn Olympic của TTVN đều được đầu tư chu đáo. Ví dụ tiêu biểu là bơi, các vận động viên còn rất trẻ nhưng đều có trình độ cao so với mặt bằng khu vực, được tập huấn dài hạn ở nước ngoài.

Khó khăn lớn nhất vẫn là lề thói tổ chức SEA Games của các nước trong khu vực. Chẳng hạn, vấn đề trọng tài, vẫn duy trì môn thi đấu nhưng cắt bỏ nội dung thế mạnh của ta… Nhưng bù lại, cơ sở hạ tầng phục vụ thể thao của Singapore thuộc diện tốt nhất trong khu vực. Đấy là yếu tố sẽ góp phần không nhỏ giúp TTVN cải thiện thành tích.  

Về cơ bản, tôi đánh giá TTVN có nhiều thuận lợi để hoàn thành mục tiêu đề ra.  

'U23 VN cần hướng đến ngôi vô địch SEA Games 28'

Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 28 - ông Trần Đức Phấn cho rằng, đặt ra mục tiêu vào bán kết nhưng bóng đá nam cần phấn đấu giành HCV để đáp ứng tình cảm và khát khao của khán giả.

Hoàng Minh

Bạn có thể quan tâm