Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vợ thống đốc Mỹ kêu gọi người gốc Á 'không nín nhịn nữa'

Phu nhân thống đốc Maryland, bà Yumi Hogan, là người gốc Hàn nhập tịch Mỹ từ năm 1994. Trong bài viết trên CNN, bà kêu gọi người Mỹ gốc Á: “Chúng ta sẽ không nín nhịn nữa”.

De nhat phu nhan Maryland anh 1


Bốn mươi mốt năm là khoảng thời gian tôi đã sống ở Mỹ, từ khi di cư khỏi Hàn Quốc để theo đuổi “giấc mơ Mỹ”.

Hai mươi năm là khoảng thời gian tôi làm nhiều công việc, thường là 14 đến 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, để nuôi dạy ba cô con gái. Là một người mẹ đơn thân, tôi làm tất cả để các con có thể tiếp cận những cơ hội mà đất nước này mang lại.

Đệ nhất phu nhân Maryland

Tôi là con út trong gia đình có 8 anh chị em. Tôi lớn lên trong một trang trại gà trong thị trấn nhỏ ở Hàn Quốc. Chín năm sau khi tôi sinh ra, hai miền bán đảo Triều Tiên bắt đầu xảy ra chiến sự, khiến hầu hết người Hàn Quốc khánh kiệt.

Gia đình tôi đã làm việc chăm chỉ, và tôi luôn được dạy phải thật tỉnh táo và siêng năng, không bao giờ được lười biếng.

Với tôi, những quả trứng không thể bán được ở trang trại là món ăn nhẹ. Mỗi ngày, tôi đều đi bộ hơn 3 km từ nhà đến trường.

Ở tuổi 20, tôi đến Mỹ và mang trong mình "gene làm việc chăm chỉ". Tôi đã sống khiêm nhường nhưng đầy quyết tâm. Đó là cách mà tôi được dạy dỗ.

De nhat phu nhan Maryland anh 2

Bà Yumi Hogan là vợ của Thống đốc bang Maryland Larry Hogan. Ảnh: Getty.

Nhưng thực tế ở Mỹ thật khó khăn: Tôi không nói giỏi tiếng Anh và tôi đang ở một môi trường hoàn toàn khác biệt về văn hóa.

Là một bà mẹ đơn thân của ba cô con gái, tôi không có thời gian để làm bất cứ điều gì cho bản thân. Tôi không thể nghỉ làm khi ốm đau vì tôi cần công việc để nuôi con, cho chúng đi học và trang trải chi phí sinh hoạt.

Cuộc sống của tôi không hề giống “giấc mơ Mỹ”. Tôi lặng lẽ trước con cái, lau khô nước mắt và nhớ về tuổi thơ. Tôi thấy nhớ mọi thứ từ quê hương của tôi.

Nhưng tôi không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc.

Gia đình luôn là ưu tiên của tôi. Tôi đã làm mọi thứ để mang lại cuộc sống và nền giáo dục tốt đẹp hơn cho các con gái. Khi hai người con gái lớn trưởng thành, chúng đã giúp đỡ tôi rất nhiều và nhận làm việc bán thời gian. Chúng đã lao động và học tập chăm chỉ. Các con chính là lý do, là động lực giúp tôi vượt qua mọi thời kỳ khó khăn.

Khi ước mơ của các con đã thành hiện thực, chúng nói: "Đến lượt mẹ rồi. Mẹ đã hy sinh tất cả cho chúng con. Giờ mẹ hãy theo đuổi đam mê và ước mơ của chính mẹ".

Các con động viên tôi rằng nếu tôi không theo đuổi ước mơ riêng, thì “giấc mơ Mỹ” của cả gia đình không được trọn vẹn. Sau khi kết hôn với người chồng hiện tại, anh ấy cũng động viên tôi. Anh ấy là một nguồn cảm hứng cho tôi.

Cuối cùng, tôi quyết định làm một điều gì đó cho chính mình. Nhờ chồng và các con gái, tôi đã tiếp tục việc học và học cùng những em học sinh bằng tuổi con gái út của tôi. Tôi đã nhận bằng cử nhân tại Học viện Mỹ thuật Maryland (MICA) và bằng thạc sĩ tại Đại học American.

Nhiều năm sau, tôi tiếp tục hoàn thành một ước mơ lớn: Giảng dạy tại Học viện Mỹ thuật Maryland (MICA). Đây cũng là nơi tôi gắn bó suốt 10 năm qua.

Đó là câu chuyện của tôi. Đó là một câu chuyện của người Mỹ, và cũng là câu chuyện của rất nhiều người Mỹ gốc Á, những người đồng hương của tôi.

Một chủng tộc đầy kiêu hãnh

Từ bờ này đến bờ kia của đại dương, chúng ta đã làm việc chăm chỉ, phục vụ cộng đồng, khởi nghiệp và gây dựng gia đình tại Mỹ. Chúng ta cũng phải đấu tranh để thích nghi với một ngôn ngữ mới, một nền văn hóa mới.

Kết quả là chúng ta đã trở thành một phần không thể thiếu của đất nước này. Chúng ta đã góp phần xây dựng nước Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn có điều chưa hề thay đổi. Chúng tôi, những người Mỹ gốc Á, vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

Nhiều người Mỹ gốc Á và hầu hết người nhập cư thế hệ đầu tiên đều trải qua ít nhất một lần bị kỳ thị, phân biệt chủng tộc.

Một vài trải nghiệm thường thấy là: Cảnh sát không nhiệt tình hỗ trợ khi có sự cố xảy ra, cửa sổ nhà riêng bị những kẻ phá hoại ném đá, không thể thăng tiến trong sự nghiệp vì bị phân biệt đối xử, bị hoạnh họe về danh tính và xuất thân, có con cái bị bắt nạt,…

De nhat phu nhan Maryland anh 3

Bà Yumi Hogan có 10 năm giảng dạy tại Học viện Mỹ thuật Maryland (MICA). Ảnh: American University.

Người Mỹ gốc Á chúng ta là một chủng tộc kiêu hãnh. Thay vì chống trả hoặc lên tiếng chống lại sự căm ghét này, chúng ta đã làm việc chăm chỉ hơn nhiều để chứng minh giá trị của mình. Chúng ta luôn tập trung vào những vấn đề thực tế, như tìm cách kiếm sống, nuôi gia đình và giáo dục con cái.

Nhưng giờ đây, khi đất nước chúng ta phải vật lộn với đại dịch Covid-19, những lời nói gây tổn thương thường xuyên leo thang thành hành động bạo lực.

Với tư cách đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Á đầu tiên của bang Maryland và là người nhập cư thế hệ đầu tiên, tôi chia sẻ nỗi đau với tất cả nạn nhân của đại dịch thù ghét và phân biệt chủng tộc.

Những ngày này, ông bà, cha mẹ, con gái, con trai, chị gái, anh em và bạn bè của chúng ta buộc phải sống trong sự sợ hãi. Nhưng với tư cách là những công dân tự hào của đất nước này, chúng ta không cần phải sợ hãi bất cứ điều gì.

Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng và yêu cầu hành động.

Chúng ta sẽ không im lặng nữa

Tuần trước, tôi đã sát cánh cùng chồng và các nhà lãnh đạo cộng đồng để cất lên tiếng nói bị lãng quên của người Mỹ gốc Á. Xét cho cùng, mỗi người trong chúng ta, theo một cách nào đó, đều là người nhập cư đến vùng đất này. Không ai nên bị xua đuổi vì đây là nhà của chúng ta.

Chúng ta kêu gọi các nhà lãnh đạo ở thủ đô Washington, D.C., hãy nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này bằng cách ban hành luật lệ, giống như những gì bang Maryland đã làm, để nâng cao hiệu quả việc báo cáo tội ác thù hận.

Năm 2019, chồng tôi đã ký một lệnh hành pháp, nhằm bổ sung các hành vi phạm tội do động cơ thù hận. Từ đó, các cơ quan hành pháp phải thu thập, phân tích, báo cáo thông tin, đồng thời áp dụng các hình phạt mới để răn đe những người phạm lỗi.

Anh ấy cũng chỉ đạo các quan chức hành pháp của bang, nhằm tăng cường tuần tra và bảo vệ các doanh nghiệp, cộng đồng gốc Á. Anh ấy còn kêu gọi mọi cấp chính quyền tích cực điều tra các cáo buộc liên quan đến nạn thù hận chủng tộc.

Song pháp luật và quy định là chưa đủ. Chúng ta đều hiểu người Mỹ gốc Á luôn bị phân biệt đối xử. Một số người vô tư hỏi chúng ta: “Bạn đến từ đâu?”, nhưng họ đã vô tình tạo khoảng cách và coi chúng ta là người xa lạ.

Dù luôn bị đánh giá có đủ “chất Mỹ” hay không, cộng đồng của chúng ta sẽ luôn phát triển, đến mức nhóm người Mỹ gốc Á hiển nhiên được coi là người Mỹ.

De nhat phu nhan Maryland anh 4

Bà Yumi Hogan, Đệ nhất phu nhân Maryland, là người gốc Hàn nhập tịch Mỹ từ năm 1994. Ảnh: CNN.

Thế giới luôn ghen tỵ với đất nước này vì tính đa dạng. Sự đa dạng ấy khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, và nó được xây dựng từ sự đón nhận, thấu hiểu và trân trọng những điểm khác biệt của nhau.

Những người Mỹ gốc Á, những người đồng hương của tôi đang rơi nước mắt khi số vụ tấn công ngày càng tăng. Nhưng khi đối mặt với sự bạo lực vô nghĩa này, tôi nhìn thấy sức mạnh mới, sự quyết tâm và kiên cường trong chúng ta.

Chúng ta sẽ không im lặng nữa. Nhưng chúng ta cũng không đáp lại bằng sự báo thù. Thay vào đó, chúng ta sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, hỗ trợ nhau nhiều hơn, và cùng sát cánh. Chúng ta đảm bảo rằng sự ủng hộ mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo sẽ biến thành hành động thực chất và lâu dài, nhằm bảo vệ con cháu của chúng ta.

Người gốc Á làm nghề massage ở Mỹ phải sống với sự kỳ thị mỗi ngày Vụ xả súng vào các spa tại Atlanta đã làm chấn động ngành công nghiệp massage ở Mỹ. Các nhân viên massage phải sống trong lo sợ vì là người gốc Á.

Bắt giữ nghi phạm đe dọa 'bắn người Trung Quốc' ở Mỹ

Cảnh sát San Francisco, Mỹ đã bắt giữ Darrell Hunter, 45 tuổi, sau khi người này liên tục đe dọa một phụ nữ gốc Á.

Vì sao nhân chứng thờ ơ khi thấy người gốc Á bị đánh đập giữa phố?

Vụ việc một phụ nữ gốc Á 65 tuổi bị hành hung ở New York đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về tình trạng kỳ thị chủng tộc và thái độ thờ ơ của người chứng kiến.

Nghi phạm đạp cụ bà gốc Á ở New York từng ngồi tù 17 năm vì giết mẹ

Truyền thông Mỹ tiết lộ Brandon Elliot, nghi phạm tấn công cụ bà gốc Á vào ngày 29/3 tại New York, từng ngồi tù từ năm 2002 đến năm 2019 vì sát hại mẹ ruột khi mới 19 tuổi.

Uyên Uyên

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm