Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao nhân chứng thờ ơ khi thấy người gốc Á bị đánh đập giữa phố?

Vụ việc một phụ nữ gốc Á 65 tuổi bị hành hung ở New York đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về tình trạng kỳ thị chủng tộc và thái độ thờ ơ của người chứng kiến.

nguoi My goc A anh 1

Khi đang đi bộ trên phố gần Quảng trường Thời đại ở New York hôm 29/3, người phụ nữ nhập cư gốc Philippines bất ngờ bị một người đàn ông đá vào bụng.

Bà ngồi sụp xuống vỉa hè. Sau đó kẻ tấn công đạp lên người bà thêm ba lần nữa và hét lên những lời tục tĩu. Cuối cùng, kẻ này nói: "Bà không thuộc về nơi này".

Trong khi đó, ba người đàn ông đứng ở sảnh tòa nhà chung cư gần hiện trường, chứng kiến cảnh tượng bạo lực này. Khi người phụ nữ cố đứng dậy, một trong ba nhân chứng - được cho là nhân viên bảo vệ - đã đóng cửa trước của tòa nhà lại.

Sự hung hãn của kẻ tấn công, cùng với thái độ thờ ơ của những người ngoài cuộc, làm dấy lên làn sóng sợ hãi trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, vốn đã bị ảnh hưởng bởi nạn kỳ thị kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Trong bối cảnh các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á đang gia tăng, vụ việc này càng khiến công chúng phẫn nộ, theo New York Times.

nguoi My goc A anh 2

Hình ảnh về kẻ tấn công người phụ nữ gốc Á 65 tuổi ở New York hôm 29/3. Nghi phạm đã bị bắt giữ hôm 31/3. Ảnh: Sở Cảnh sát New York.

Vụ tấn công "kinh hoàng và ghê tởm"

Chris M. Kwok, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Luật sư người Mỹ gốc Á ở New York, cho biết: “Vấn nạn này giống như tình trạng khẩn cấp kéo dài nhiều tuần. Người dân đang hoảng loạn. Mọi người đều hoang mang cả rồi".

Khi video nói trên lan truyền trên mạng, hàng loạt quan chức Mỹ lên tiếng chỉ trích vụ việc, đồng thời nhấn mạnh những khó khăn chính phủ phải đối mặt trong việc kiềm chế các vụ tấn công có động cơ tương tự.

Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio gọi cuộc tấn công hôm 29/3 là “hoàn toàn quá đáng và đáng khinh”. Ông kêu gọi người dân New York can thiệp khi họ phát hiện các vụ hành hung như vậy.

Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo nói hành vi này "kinh hoàng và đáng ghê tởm", đồng thời ra lệnh cho cảnh sát tiểu bang hỗ trợ điều tra vụ việc.

Andrew Yang, doanh nhân người Mỹ gốc Á, cho biết ông rất đau lòng trước tình trạng tần suất các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng của mình ngày càng tăng. Ông khuyên họ nên đi theo nhóm hai người khi ra khỏi nhà.

Tại Washington, Tổng thống Joe Biden hôm 30/3 công bố một loạt các sáng kiến ​​mới nhằm chống nạn phân biệt chủng tộc với người gốc Á. Kế hoạch này bao gồm lời kêu gọi người dân trình báo những vụ việc như vậy.

Đoạn video nói trên cho thấy những người ngoài cuộc dường như đóng băng tại chỗ khi chứng kiến cảnh bạo lực.

Một số người Mỹ gốc Á cho rằng vụ tấn công hôm 29/3 ở New York gửi đi một thông điệp rùng mình: Ngay cả khi bị tấn công trên một con phố đông đúc vào ban ngày, họ vẫn có thể phải tự mình chống đỡ.

nguoi My goc A anh 3

Andrew Yang, doanh nhân người Mỹ gốc Á, khuyên mọi người nên ra ngoài theo nhóm hai người để đảm bảo an toàn. Ảnh: Reuters.

Mon Yuck Yu, người ủng hộ chính sách phúc lợi cho người nhập cư ở New York, nói: "Khi tôi xem video, thái độ dửng dưng không hành động là điều khiến tôi rất đau lòng. Nếu bạn đang bị tấn công, cộng đồng sẽ không đứng về phía bạn".

New York Times dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết nạn nhân của vụ tấn công nói trên là Vilma Kari. Con gái của bà Kari cho biết mẹ cô hiện bị choáng và không muốn tiếp chuyện. Cô từ chối bình luận thêm.

Khi New York Times tiếp cận căn hộ của bà Kari hôm 30/3, một người đàn ông mở cửa và cho biết bà vẫn đang trong bệnh viện điều trị gãy xương chậu.

Cảnh sát New York, Mỹ ngày 31/3 đã bắt giữ Brandon Elliot, vài ngày sau khi người này hành hung một phụ nữ gốc Á giữa đường phố.

Brandon Elliot, 38 tuổi, bị bắt giữ vào khoảng 2h sáng 31/3 (giờ địa phương) và bị truy tố với một số tội danh, trong đó có hành hung vì tội ác thù ghét, theo New York Post.

Elliot sống ngay tại một khách sạn được dùng làm nơi cư trú cho người vô gia cư gần hiện trường vụ tấn công.

Nạn thù ghét người gốc Á gia tăng

Theo số liệu từ cảnh sát, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, số vụ trình báo về hành vi thù ghét chống người gốc Á tăng mạnh. Đa số động cơ xuất phát từ thái độ đổ lỗi cho người Mỹ gốc Á làm lây lan virus SARS-CoV-2.

Trong tài liệu nội bộ của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Merrick B. Garland cho biết cơ quan này sẽ ưu tiên truy tố các hành vi phạm tội do thù ghét, đồng thời hỗ trợ cơ quan hành pháp địa phương để điều tra các vụ việc này.

Theo kết quả phân tích dữ liệu của trung tâm nghiên cứu San Bernardino thuộc Đại học Bang California, vấn nạn kỳ thị người gốc Á đặc biệt nghiêm trọng ở thành phố New York. Khu vực này chứng kiến số vụ phạm tội tăng cao chống lại cộng đồng người gốc Á.

Từ đầu năm 2021 cho đến nay, Sở Cảnh sát New York nhận được 33 báo cáo về tội ác thù ghét chống lại người gốc Á, trong khi năm 2020 ghi nhận tổng cộng 28 báo cáo.

New York Times dẫn lời một sĩ quan cảnh sát giấu tên cho biết lý do con số này tăng mạnh là có nhiều nạn nhân trình báo hơn trước đây.

Một số nhà hoạt động xã hội cho rằng tội ác do thù ghét người châu Á từ lâu đã bị đánh giá thấp, một phần do nạn nhân gặp rào cản ngôn ngữ và thiếu tin tưởng cảnh sát.

nguoi My goc A anh 4

Người biểu tình cầm biểu ngữ đứng trước sảnh tòa chung cư ở Manhattan, nơi xảy ra vụ tấn công hôm 29/3. Ảnh: Getty.

Tuần trước, Sở Cảnh sát New York thông báo sẽ bắt đầu triển khai lực lượng bí mật đến khu dân cư của người gốc Á để đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng. Họ sẽ điều tra tất cả trường hợp tấn công người gốc Á vì nghi ngờ động cơ xuất phát từ thái độ kỳ thị.

Theo Sở Cảnh sát New York, nạn nhân của các vụ tấn công này chủ yếu là người trung niên, đi một mình trên đường hoặc trên phương tiện công cộng. Kẻ tấn công thường là người vô gia cư và có tiền sử phạm tội, gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và cảm xúc.

Trên khắp nước Mỹ, đa số các vụ tấn công chống lại người gốc Á được ghi nhận trong năm qua đều xảy ra trong các cửa hàng hoặc trên đường phố. Những người chứng kiến hiếm khi can thiệp.

Vai trò của người ngoài cuộc

Hôm 29/3, bà Kari bị tấn công ngay trước sảnh tòa chung cư cao cấp ở khu Manhattan, thuộc sở hữu của tập đoàn Brodsky Organization. Trong tuyên bố, tập đoàn này cho biết đã đình chỉ công tác ba nhân viên tòa nhà chứng kiến vụ tấn công để chờ điều tra.

Trong email dài gửi đến cư dân của tòa nhà này mà New York Times tiếp cận được, Brodsky Organization viết: “Giống như rất nhiều người khác, chúng tôi đã rất băn khoăn chứng kiến thái độ dửng dưng, vô cảm của nhân viên tiền sảnh và người giao hàng trong video".

Trong khi đó Kyle Bragg, đại diện công đoàn của nhân viên tòa nhà, kêu gọi công chúng "tránh vội vàng phán xét" khi cuộc điều tra chưa kết thúc.

Cư dân của tòa chung cư thất vọng khi các nhân viên không can thiệp để giúp đỡ nạn nhân bị hành hung.

Devin Setyawan, người mới chuyển đến tòa nhà này, nói: “Tôi không yêu cầu họ phải xông vào đánh nhau. Nhưng khi bạn nhìn thấy ai đó đang nằm trên mặt đất và rõ ràng cần được giúp đỡ, với tư cách là một con người, bản năng của bạn sẽ không cho phép bạn đóng cửa lại".

'Tôi phải lên tiếng, vì họ đối xử với người gốc Á ngày càng tệ hơn' Theo thống kê của Stop AAPI Hate, từ 19/3/2020 đến 28/2/2021, đã có hơn 3.795 vụ việc có yếu tố thù hận chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương.

Bắt giữ nghi phạm đạp vào đầu người phụ nữ gốc Á ở New York

Cảnh sát New York, Mỹ ngày 31/3 đã bắt giữ Brandon Elliot, vài ngày sau khi người này hành hung một phụ nữ gốc Á giữa đường phố.

Tổng thống Biden ra tay chống nạn kỳ thị người gốc Á

Tổng thống Biden ngày 30/3 đưa ra kế hoạch giải quyết nạn phân biệt chủng tộc ngày càng tăng nhằm vào người Mỹ gốc Á, bao gồm khoản tài trợ gần 50 triệu USD.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm