Trước đó, phát biểu tại cuộc họp phổ biến Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận MobiFone, Bưu điện Trung ương và Học viện Bưu chính Viễn thông từ 1/7/2014.
Theo quyết định của Thủ tướng, MobiFone, Bưu điện Trung ương và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được chuyển nguyên trạng về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ sẽ thực hiện việc tiếp nhận các đơn vị này, đồng thời chỉ đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hoạt động bảo đảm cân đối thu chi, không sử dụng ngân sách nhà nước.
MobiFone chính thức về Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 10/7. |
Liên quan đến cổ phần hóa MobiFone, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2014 để tổ chức triển khai.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, trong phương án tái cơ cấu VNPT mà Bộ và VNPT trình lên Chính phủ là MobiFone sẽ tách kèm với 62 đơn vị này và 2 quả vệ tinh VINASAT. Sở dĩ, phải đề xuất như vậy bởi MobiFone hiện chiếm 48% doanh thu, nhưng chiếm đến hơn 70% lợi nhuận của tập đoàn này khi xây dựng phương án đã phải tính đến các yếu tố đỡ gánh nặng cho VNPT. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vấn đề mấu chốt là cổ phần hoá vì vậy phải tách MobiFone ra để thực hiện chủ trương này mà không kèm bất cứ đơn vị nào của VNPT.
"Nhiệm vụ trọng tâm của MobiFone trong thời gian tới là phải xây dựng Đề án thành lập Tổng công ty MobiFone như một tổng công ty kinh doanh dịch vụ CNTT - viễn thông một cách hoàn chỉnh, tạo thành mạng viễn thông lớn của đất nước. Đề án này sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Song song với việc xây dựng Đề án, MobiFone phải xây dựng dự thảo điều lệ hoạt động của Tổng công ty để có cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của những năm tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch MobiFone nhận định việc hình thành Tổng công ty sẽ giúp công ty này tăng khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nhà khai thác mạng khác, tạo thế chân vạc trên thị trường viễn thông gồm VNPT - MobiFone - Viettel.
Ở vị thế đang là doanh nghiệp dẫn đầu về năng suất lao động, hiệu quả và chuyên nghiệp cũng đặt ra cho MobiFone những thách thức khi ra “ở riêng”. Không phải kèm hơn 60 công ty con làm ăn yếu kém của VNPT, nhưng mục tiêu của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng là sẽ hình thành được 1 tập đoàn mạnh. Điều đó có nghĩa là MobiFone sẽ phải phát triển và hướng tới trở thành một trụ cột viễn thông - CNTT của Việt Nam, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ một mạng di động.
Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách MobiFone ra để cổ phần hóa, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bền vững theo hướng minh bạch hơn. Ông Phạm Hồng Hải cho biết, trong một lần họp với Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nếu để 3 năm là quá dài. Như vậy, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ không thể quá thời gian này. Còn ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương thì cho rằng, thông điệp Thủ tướng trong năm 2014 chỉ có 1 tập đoàn, tổng công ty 91 cổ phần hóa. Vì vậy, trong năm nay hơi khó để cổ phần hóa xong MobiFone và hy vọng việc này sẽ tiến hành xong trong vòng 2 năm.
Trả lời câu hỏi nếu cổ phần hóa thì đối tác có thể chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần trong MobiFone, ông Phạm Hồng Hải cho biết, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng có thể chiếm đến 49% cổ phần mà viễn thông cũng là hạ tầng.