Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) vừa có thông báo liên quan đến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2015 về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc LienVietPostBank.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 43, trong đó bổ sung điều khoản "kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LienVietPostBank, phòng giao dịch bưu điện sẽ không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm".
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó và đến hạn trả, NHNN đề xuất LienVietPostBank, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn do nguyên nhân khách quan, ngân hàng tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật.
Theo VNPost, một số khách hàng khi tiếp cận thông tin về dự thảo văn bản chưa đầy đủ nên có thể gây ra sự hiểu lầm và tỏ ra khá lo lắng. Doanh nghiệp này cho biết các thông tin về dự thảo hiện vẫn đang lấy kiến rộng rãi các đơn vị và người dân.
VNPost khẳng định quyền lợi của khách hàng luôn được ngân hàng và bưu điện ưu tiên hàng đầu và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật trong mọi trường hợp, bao gồm cả trường hợp VNPost thoái vốn cổ phần tại LienVietPostBank.
Việc sửa đổi Thông tư 43 hiện không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại các phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. LienVietPostBank và VNPost khẳng định dịch vụ tiết kiệm bưu điện vẫn đang được cung cấp bình thường với năng lực phục vụ và chất lượng dich vụ tốt nhất.
“Mọi thông tin và quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Khách hàng cần bình tĩnh, không nên rút trước hạn sẽ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình”, VNPost khẳng định.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 43 được đưa ra sau khi NHNN đồng ý cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn khỏi Ngân hàng LienVietPost Bank. Hai đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc chuyển nhượng cổ phiếu theo đúng quy định pháp luật.
Trong dự thảo, NHNN đánh giá nhân sự tại các phòng giao dịch bưu điện đều là nhân sự của VNPost, hầu hết không có chuyên môn nghiệp vụ, không được đào tạo chuyên sâu về ngân hàng, có rủi ro đạo đức, thực hiện kiêm nhiệm cả nghiệp vụ bưu điện và nghiệp vụ của ngân hàng.
"LienVietPostBank gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhân sự và phân định trách nhiệm của nhân sự tại phòng giao dịch bưu điện. Hơn nữa, phòng giao dịch bưu điện xa trụ sở chi nhánh LPB hoặc đặt tại nơi không có chi nhánh/phòng giao dịch của LPB dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày", NHNN đánh giá.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...