Trong công cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ bộ phận sản xuất di động của Nokia, Microsoft cũng sẽ theo chân nhiều ông lớn làng di động khác bằng cách chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhà máy của Nokia tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh: Mynokiablog. |
Hôm thứ 5 (17/7), Microsoft tuyên bố sa thải 18.000 nhân viên, trong đó có rất nhiều những công nhân nhà máy làm việc tại Trung Quốc. Theo Stephen Elop - trưởng bộ phận sản xuất thiết bị di động của Microsoft (Microsoft Devices), hãng sẽ chuyển bộ phận sản xuất và tiếp thị sang những thị trường nơi Windows Phone đã có thành công nhất định.
“Chúng tôi sẽ tái cơ cấu các hoạt động sản xuất để đáp ứng được chiến lược mới và tận dụng cơ hội hội nhập. Chúng tôi kỳ vọng tập trung sản xuất điện thoại chủ yếu tại Hà Nội và một số khác ở Bắc Kinh và Đông Quan.
Tóm lại, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh doanh số dòng Lumia tại những thị trường chúng tôi đã có những thành công nhất định. Với tốc độ nhanh hơn, chúng tôi sẽ nắm giữ thị trường smartphone giá rẻ với những sản phẩm mới, mang đến sự khác biệt. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc thu hút các khách hàng mới tại những nơi sản phẩm và dịch vụ của Microsoft được cung cấp nhiều nhất”.
Microsoft không phải ông lớn công nghệ đầu tiên có xu hướng rời bỏ Trung Quốc để đầu tư sang Việt Nam. Samsung đã cho xây dựng một nhà máy mới tại Thái Nguyên. Khi nhà máy này hoạt động hết công suất, 50% lượng smartphone toàn cầu của Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Cả Intel và LG đều có những nhà máy lớn ở Việt Nam.
Trung Quốc hiện không còn là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất lớn. Tại đất nước này, có một tầng lớp trung lưu đang nổi lên và cơ cấu tiền lương có xu hướng xê dịch lên cao. Theo tổ chức ngoại thương Nhật Bản (JETRO), một công nhân nhà máy tại Hà Nội nhận được khoảng 145 USD/tháng, trong khi con số này tại Bắc Kinh là 466 USD. Chi phí điện, nước tại Hà Nội cũng rẻ hơn nhiều.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có những chính sách ưu đãi lớn dành cho các hãng công nghệ, với mục tiêu các sản phẩm công nghệ cao sẽ chiếm 30% tổng sản lượng công nghiệp của quốc gia.