Những áp lực từ thị trường quốc tế đã có tác động xấu đến diễn biến của chứng khoán trong nước. VN-Index mở cửa phiên 22/2 giảm sâu khi có thời điểm mất gần 26 điểm.
Tuy nhiên lực cầu bắt đầu ào ạt xuất hiện vào cuối phiên chiều giúp chỉ số nhanh chóng hồi phục. VN-Index kết phiên chỉ còn giảm 7,37 điểm (-0,49%) xuống 1.503,47 điểm.
Trong khi đó HNX-Index vẫn giảm mạnh 6,56 điểm (-1,49%) về mức 434,43 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ hơn 0,58% về mốc 113 điểm.
Toàn thị trường nhìn chung vẫn chìm trong sắc đỏ khi số mã giảm giá lên đến 657 và chỉ có 379 mã tăng giá trong ngày.
VN-Index hồi phục đáng kể vào cuối ngày 22/2. Đồ thị: TradingView. |
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hôm nay diễn biến không quá tiêu cực khi VN30 chỉ giảm hơn 1 điểm (-0,07%). Trong khi đó chỉ số VNMID (đại diện vốn hóa vừa) giảm đến 1,29% và VNSML (nhóm vốn hóa nhỏ) cũng mất 1,08%.
Nhóm ngân hàng và dầu khí có tác động tích cực nhất lên chỉ số. Cổ phiếu MBB hôm nay tăng 5,4% để trở thành mã có đóng góp lớn nhất, bên cạnh đó còn nhiều mã ngân hàng khác như BID tăng 1,7%, CTG tăng 0,6% hay TPB tăng 1,5%...
Cổ phiếu ngành dầu khí ngược dòng ngoạn mục trong thị trường đỏ lửa. PLX của Petrolimex tăng 3,5% hay GAS của PV Gas tăng 0,6% là các mã dẫn đầu nhóm này, thậm chí ASP, PGD hay PSH còn tăng trần.
Nhóm dầu khí hưởng lợi lớn nhất khi giá dầu đang tăng kỷ lục lên các đỉnh lịch sử. Dầu thô WTI tăng 3,1% lên 93,93 USD/thùng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dầu thô Brent cũng có thời điểm vượt 97 USD/thùng, tiến sát mức giá 3 con số. Trong nước giá xăng bán lẻ cũng đã lập đỉnh trên 26.000 đồng/lít.
Cổ phiếu dầu khí ngược dòng trong phiên đỏ lửa. Bảng giá SSI. |
Nhóm cổ phiếu Louis cũng tiếp tục diễn biến tích cực khi TGG, SMT, AGM tăng trần. Nhóm cổ phiếu liên quan đến thuốc Covid-19 là MKP và FRT cũng dư mua trần.
Ở chiều ngược lại, VIC của Vingroup giảm sâu 1,9% về mốc 82.000 đồng để trở thành lực cản lớn nhất của thị trường. Tiếp theo đó là MSN của Masan Group giảm 1,7%.
Cổ phiếu bất động sản hôm nay diễn biến khá tiêu cực. Trong đó mã nóng là DIG của DIC Corp dẫn đầu giảm sàn về 88.400 đồng. Một số mã giảm sàn khác là DRH, CEO, LDG hay SCR, VPH, NBB cũng đã lộ giá sàn.
Cổ phiếu hàng không cũng trở xấu khi VJC của Vietjet mất 2,2% giá trị về 142.800 đồng, HVN của Vietnam Airlines giảm 2,6% còn 26.100 đồng. ACV cũng giảm 2,6% xuống 95.000 đồng.
Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect. |
Về giao dịch khối ngoại họ bán ra lượng cổ phiếu trị giá 1.293 tỷ và mua vào 1.185 tỷ, tương ứng bán ròng 108 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị xả nhiều nhất là PLX, NVL và FRT.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt 32.100 tỷ đồng, tăng 34% so với phiên trước, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 23% lên mức 26.971 tỷ đồng.
Leo thang căng thẳng chính trị tại Ukraine đang tác động mạnh đến thị trường tài chính quốc tế. Nga công nhận độc lập với hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine và ngay lập tức Nhà Trắng dự kiến áp lệnh trừng phạt lên hành động này.
Sáng nay Dow Jones futures giảm 575 điểm, tương đương 1,69%. S&P 500 futures giảm 121,5 điểm, tương đương 2,78%. Nasdaq futures giảm 556,75 điểm, tương đương 3,93%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 7 điểm xuống 1,86%. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Australia giảm 5 điểm xuống 2,17%.
Tại châu Á thì chỉ số JP225 của Nhật Bản cũng lao dốc 1,71%. Chỉ số STI của Singapore mất 1,08%. TAIEX của Đài Loan rơi 1,38%. SENSEX của Ấn Độ giảm hơn 1,5%. Shanghai tại Trung Quốc cũng mất gần 1%.