Trả lời câu hỏi về báo cáo về án tử hình của Tổ chức Ân xá Quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 11/4 cho biết "việc áp dụng án tử hình thuộc chủ quyền quốc gia về tư pháp hình sự, hiện vẫn là thực tiễn trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc dừng hay bỏ án tử hình đều được quy định trong các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên".
Ở Việt Nam, việc tuyên phạt và thi hành án tử hình chỉ áp dụng với một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng, phù hợp với công ước về các quyền dân sự, chính trị. Việc xét xử những người vi phạm pháp luật theo các tội danh có khung hình phạt lên đến án tử hình được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, được pháp luật hình sự Việt Nam quy định, bảo đảm quyền của bị cáo, tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng, bà Hằng khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ ngày 11/4.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
"Trong quá trình cải cách pháp luật, Việt Nam đã nhiều lần giảm số tội danh có khung hình phạt tử hình. Gần đây nhất, bộ Luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2018) đã tiếp tục bỏ án tử hình ở tám tội danh và quy định người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình", người phát ngôn cho biết thêm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 10/4 đăng tải báo cáo chính thức về số vụ xử tử hình của các quốc gia trên thế giới trên website chính thức. Theo đó, nước có số vụ xử tử hình nhiều nhất trong năm 2018 là Trung Quốc (ước tính là hàng nghìn trường hợp), sau đó đến Iran (ít nhất là 253 vụ), Saudi Arabia (149 vụ), Việt Nam (hơn 85 vụ) và Iraq (ít nhất là 52 vụ).
Báo cáo cũng cho biết số vụ xử tử hình trên thế giới trong năm 2018 đã giảm 31% so với năm trước, đạt mốc thấp nhất trong gần một thập kỷ qua. Tính đến cuối năm 2018, 106 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình đối với tất cả các tội danh trong hệ thống luật pháp.