Việc quốc vương Brunei áp dụng luật hình sự bị chỉ trích là man rợ có thể là nỗ lực nhằm gột rửa hình ảnh hoàng gia vốn chịu nhiều điều tiếng vì xa hoa.
Trong nhiều thập kỷ, ông được biết đến là biểu tượng của sự giàu có. Người giàu nhất thế giới trong nhiều năm, quốc vương Brunei biết cách tiêu xài khối tài sản khổng lồ chảy ra từ các mỏ dầu trời phú cho quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé ông kiểm soát với quyền lực tuyệt đối.
Thế nhưng giờ đây, vị sultan (quốc vương) 72 tuổi trở thành tâm điểm chú ý vì lý do rất khác khi hứng phải chỉ trích từ các chính phủ và các nhà hoạt động trên khắp thế giới vì Bộ luật Hình sự Sharia. Luật quy định các hình phạt như tử hình bằng cách ném đá cho tội ngoại tình hoặc đồng tính luyến ái, hay cắt chân tay cho tội trộm cắp.
|
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (giữa) trong một nghi lễ hoàng gia ngày 23/9/2012. Ảnh: AFP/Getty. |
Các nhà phê bình cho rằng bước đi tiến tới hình thức hà khắc nhất của giáo luật Sharia là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng đang gia tăng của Hồi giáo bảo thủ trên khắp Đông Nam Á. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhà vua Brunei muốn để lại di sản tôn giáo nhằm bù đắp cho những tranh cãi về gia đình ông.
"Nhà vua đang già đi những năm qua và hoàng gia không phải lúc nào cũng có danh tiếng trong sạch nhất", Matthew Woolfe, người sáng lập tổ chức nhân quyền "The Brunei Project" (Dự án Brunei), nhận xét.
"Chắc chắn, có rất nhiều người nói về sự đạo đức giả của luật lệ mà nhà vua và chính phủ của ông đang áp dụng khi hoàng gia, trong quá khứ, có thể bị coi là vi phạm các luật này với một số trò hề của họ", ông Woolfe nói. "Một số người coi đó là cách để làm sạch và có lẽ là để tạo ra di sản của ông ấy".
Trong bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng tuần trước, Quốc vương Hassanal Bolkiah biện hộ cho việc hướng tới hình thức bảo thủ hơn của đạo Hồi, nói với người dân rằng ông muốn thấy "giáo lý Hồi giáo ở đất nước phát triển mạnh mẽ và rõ ràng hơn", rằng "hệ thống này bảo tồn và đảm bảo quyền lợi của tất cả mọi người bất kể chủng tộc và đức tin của họ".
Đó là thông điệp có vẻ mâu thuẫn với lối sống của vị sultan và em trai ông, Hoàng tử Jefri Bolkiah. Trong những năm 1980 và 1990, họ nổi tiếng với những bữa tiệc xa hoa, các cuộc bù khú tiêu tốn hàng triệu USD và thiết lập một "hậu cung" tại cung điện của họ.
Họ sở hữu các khách sạn sang trọng ở London, Paris và New York. Ông Jefri cũng nổi tiếng với việc sắm nhiều du thuyền sang trọng với những cái tên đều xoay quanh chủ đề vòng một của phụ nữ.
|
Những khách sạn do chính phủ Brunei sở hữu ở Paris, London, Los Angeles. Ảnh: AFP/Getty. |
"Hậu cung" của anh em nhà vua
Một phụ nữ người Mỹ, Jillian Lauren, xuất bản cuốn tự truyện Some Girls: My Life in a Harem (tạm dịch: Vài cô gái: Cuộc sống của tôi trong hậu cung). Trong sách, cô nói rằng cô được tuyển chọn vào hậu cung gồm 40 phụ nữ của hoàng tử Jefri khi đang là diễn viên 18 tuổi đầy hoài bão ở New York vào đầu những năm 1990.
Lauren cho biết cô đã trải qua 18 tháng "thăng trầm" trong hậu cung và là nhân tình "yêu thích thứ hai" của hoàng tử Jefri trong một năm.
"Anh ta điên rồ và suy đồi", Lauren nói với CNN năm 2011, đề cập đến Hoàng tử Jefri. "Vào thời điểm đó, mọi thứ đều rất hấp dẫn đối với tôi, sự tự tin, sự lôi cuốn và sự liều lĩnh của anh ta".
Năm 2015, cô từng xuất hiện trong phim tài liệu The Playboy Sultan (tạm dịch: Vị vua ăn chơi) của chương trình 60 Minutes Australia. Cô nói cô đã "lên giường" với hoàng tử Jefri "hàng trăm lần". Lauren nói rằng cuốn sách của cô đã bị cấm lưu hành ở Brunei.
Cô khẳng định bản thân là nhân chứng cho những hành động "thiếu chuẩn mực" của nhà vua. Lauren cho biết cô cảm thấy bắt buộc phải kể câu chuyện của mình khi nhìn thấy thông báo vào năm 2013 rằng Brunei đang lên kế hoạch ban hành luật Sharia.
"Những điều đó có thể cho thấy cách hành xử của rất nhiều người có quyền lực", Lauren nói. "Tức là, có luật cho họ và luật khác cho những người còn lại, những người không có nhiều tiền và không có nhiều quyền lực như vậy".
Đáp lại yêu cầu bình luận của CNN liên quan đến những tuyên bố này, chính phủ Brunei nói trong một email: "Chúng tôi kịch liệt phủ nhận các cáo buộc".
|
Shannon Marketic đăng quang hoa hậu Mỹ năm 1992. Ảnh: AP. |
Một người khác cũng được cho là "phi tần" trong hậu cung, cựu hoa hậu Mỹ Shannon Marketic, đã từng khởi kiện sultan và Hoàng tử Jefri tại tòa án Mỹ vào năm 1998, nói cô đã bị "chà đạp phẩm giá" trong 32 ngày "như bị cầm tù" tại cung điện của sultan.
Các tài liệu của tòa án cho thấy Marketic nói rằng 30 đến 100 phụ nữ sẽ có mặt tại cung điện của sultan bất cứ lúc nào. Một số người trong số họ hiểu rằng họ được tuyển chọn cho mục đích tình dục, nhưng những người khác bao gồm Marketic đã tưởng rằng họ được thuê để thực hiện công việc quảng cáo hợp pháp với mức lương khoảng 3.000 USD mỗi ngày.
"Nhân viên trong cung điện bảo các nguyên đơn tham dự các bữa tiệc và cuộc gặp hàng đêm tại các vũ trường nơi quốc vương, Jefri và bạn bè là nam giới của họ được cho là sẽ chọn ra người mà họ muốn lên giường cùng", theo tài liệu của tòa án.
Hai anh em nhà vua phủ nhận các cáo buộc, và sultan nói rằng ông thậm chí chưa bao giờ gặp Marketic, truyền thông nhà nước Brunei đưa tin khi đó. Tòa án Mỹ cuối cùng đã cho phép anh em ông được miễn trừ hành động pháp lý, viện dẫn lý do chung rằng họ là nguyên thủ nước ngoài.
Cuộc sống thừa mứa
Vào thời điểm đó, dường như anh em họ là không thể chạm tới.
Năm 1996, nhà vua đã tổ chức bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50. Các vị khách đã bay từ khắp nơi trên thế giới đến Brunei để tham dự những hoạt động ăn mừng xa hoa diễn ra trong hai tuần, bao gồm bữa tiệc tối cho 3.000 người, buổi biểu diễn đặc biệt của Michael Jackson tại một sân vận động được xây dựng riêng cho mục đích này và trận đấu polo với Thái tử Charles của Anh. Tổng chi phí ước tính khoảng 25 triệu USD.
Bữa tiệc là đỉnh điểm của nhiều thập kỷ chi tiêu không suy nghĩ của hoàng gia. Song nó cũng là tiền đề dẫn đến sự bất hòa công khai giữa hai anh em nhà vua.
|
Quốc vương Hassanal Nolkiah (trái) và Hoàng tử Jefri Bolkiah sau một trận polo. Ảnh: Getty. |
Vào thời điểm đó, Hoàng tử Jefri là bộ trưởng tài chính của Brunei và là chủ tịch của Cơ quan Đầu tư Brunei (BIA) thuộc sở hữu của chính phủ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, thói chi tiêu phung phí của ông đã bị phơi bày với cuộc kiểm toán của BIA. Nhà vua cáo buộc hoàng tử tham ô gần 16 tỷ USD từ ngân khố hoàng gia - điều mà ông Jefri phủ nhận.
Hoàng tử Jefri bị cách chức bộ trưởng cũng như vị trí tại BIA, và phải sống lưu vong. Ông cũng phải đương đầu với cuộc chiến pháp lý do nhà vua khởi xướng liên quan đến các tài sản còn lại của BIA.
Cuối cùng, vụ việc kết thúc với thỏa thuận đạt được ngoài tòa án.
Trong nỗ lực để bù lại một phần tổn thất, một cuộc đấu giá đã diễn ra vào tháng 8/2001, nơi 10.000 món tài sản của Hoàng tử Jefri được đem ra rao bán trong sáu ngày. Những món đồ này bao gồm một con ngựa thành Troy cao 2,4 mét được mạ đồng trị giá 1.470 USD, bể sục Jacuzzi mạ vàng, tượng hồng hạc bằng sứ và các mô hình máy bay trực thăng Comanche, máy bay Airbus và xe đua F1.
Bất chấp những tổn thất mà hoàng tử được cho là đã gây ra cho ngân khố hoàng gia, cũng như việc suy giảm trữ lượng dầu và sự chững lại của nền kinh tế Brunei, vị sultan vẫn nắm giữ khối tài sản cá nhân trị giá 20 tỷ USD, Forbes ước tính.
Cuộc sống của nhà vua tràn ngập những mô tả cường điệu. Ông là người giàu nhất thế giới trong nhiều năm - trước khi Bill Gates vượt qua ông vào những năm 1990. Cung điện của ông - Istana Nurul Iman - ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, là nơi ở riêng lớn nhất thế giới, với 1.788 phòng, 257 phòng tắm và chuồng có gắn máy lạnh cho 200 con ngựa polo.
Sultan và gia đình ông cũng sở hữu hàng nghìn chiếc xe sang trọng - bao gồm các siêu xe F1, Lamborghini hiếm và khoảng 500 chiếc Rolls Royces - bộ sưu tập tư nhân lớn nhất thế giới về thương hiệu xe sang của Anh.
Michael Sheehan, một nhà môi giới sở hữu và điều hành trang web Ferraris Online, năm 2011 đã kể về chuyến thăm của ông tới nơi để một số chiếc xe trong bộ sưu tập này trong một bài viết được Gizmodo đăng lại. 2.500 chiếc xe mà Sheehan ước tính có mặt tại đây bao gồm những chiếc Bentley, Aston Martin và Ferrari, nhiều trong số đó bị bỏ không cho hư hại cùng nắng mưa.
"Lối sống của họ, theo nghĩa đen, là không thể tưởng tượng được đối với đại đa số nhân loại", Michael Auslin, nhà nghiên cứu về châu Á đương đại tại Viện Hoover, Đại học Stanford, nói. "Thật quá xa hoa, không thể tin nổi. Hãy lấy mọi thứ bạn có thể tưởng tượng theo lối sống của những người giàu có và nổi tiếng rồi nhân nó lên".
|
Quốc vương Brunei gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại London và thái tử Charles tại Brunei năm 2017. Ảnh: AP. |
Thế hệ mới của hoàng gia Brunei dường như cũng tiếp tục truyền thống sống xa hoa. Vị sultan có ba người vợ - em họ đầu tiên của ông, một nữ tiếp viên hàng không và một người dẫn chương trình truyền hình, với tổng cộng 12 người con.
Một số con cháu của hoàng gia đã tổ chức lễ cưới xa hoa ở Brunei, bao gồm Hoàng tử Abdul Malik, con trai thứ ba của quốc vương, kết hôn vào năm 2015. Forbes mô tả đây là "đám cưới hoàng gia đánh bại mọi đám cưới hoàng gia khác", với hơn một tuần tổ chức. Sự kiện bao gồm buổi lễ chính trong đó cặp đôi mặc trang phục gắn đầy trang sức, và cô dâu cầm một "bó hoa" làm bằng đá quý và kim loại quý thay vì hoa thật.
|
Đám cưới của hoàng tử Abdul Malik năm 2015. Ảnh: AP. |
Một trong số con trai của sultan, Hoàng tử Abdul Mateen, là ngôi sao trên Instagram với hơn một triệu người theo dõi anh chơi polo và dành thời gian trên du thuyền, máy bay riêng và trong các khách sạn đẳng cấp thế giới.
Và Hoàng tử Azim, con trai thứ hai của sultan, nổi tiếng với việc tổ chức chức những bữa tiệc xa hoa với những khách mời nổi tiếng bao gồm Pamela Anderson, Janet Jackson và Mariah Carey. Đáng chú ý, hai người sau đều từng giành giải "Ally Award", giải thưởng vinh danh những người ủng hộ cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).
|
Hoàng tử Azim (giữa) trong một sự kiện tại London năm 2017. Ảnh: Getty. |
Sau khi Bộ luật Hình sự Shariah mới của Brunei được công bố, một số ngôi sao hạng A bao gồm George Clooney, Elton John và Ellen DeGeneres đã khởi xướng chiến dịch phản đối, dẫn đến cuộc tẩy chay các khách sạn hạng sang thuộc sở hữu của chính phủ Brunei trên khắp thế giới.
Không bị chỉ trích trong nước
Đối với hầu hết 450.000 người dân Brunei (theo ước tính) - 79% trong số họ theo đạo Hồi - sự giàu có và thói quen chi tiêu của hoàng gia là điều họ chấp nhận mà không đặt câu hỏi.
Vương quốc nhỏ bé về cơ bản là "chính phủ một người" - "Cơ quan Hành pháp Tối cao" với các chức danh bao gồm thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng tài chính và bộ trưởng ngoại giao. Các phương tiện truyền thông được kiểm soát chặt chẽ. Việc chỉ trích hoàng gia hoặc chính phủ là bất hợp pháp và có thể dẫn đến án tù vì tội xúi giục nổi loạn.
|
Hình ảnh Quốc vương Hassanal Bolkiah và Hoàng hậu Saleha trên đường phố thủ đô Banda Seri Begawan năm 2017. Ảnh: AFP/Getty. |
Nhiều người Brunei cũng không quan tâm đến chuyện xảy ra bên trong cung điện, theo các chuyên gia, vì họ cũng được hưởng lợi từ nguồn dầu mỏ giàu có của quốc gia. Không có thuế thu nhập cá nhân, nhà ở được trợ cấp, giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí, và tất nhiên, chi phí nhiên liệu và điện thấp. Tính theo đầu người, Brunei là quốc gia giàu thứ tư trên thế giới, theo Forbes năm 2017.
"Có lẽ họ được cách ly khá tốt khỏi những lời chỉ trích, vì người Brunei đang sống tốt hơn hầu hết người ở các quốc gia châu Á khác", nhà nghiên cứu Michael Auslin thuộc Viện Hoover nói. "Ở đây bạn đang nói về sự giàu có nhờ dầu mỏ đã được chia sẻ khắp xã hội, phần lớn đang được hưởng lợi".
Một số nhà quan sát nói rằng nhà vua muốn củng cố sự ủng hộ đó bằng cách gia tăng quyền lực của mình.
Luật Sharia mới là một phần trong "cơ sở của việc kiểm soát nhà nước sâu sắc hơn" nhằm "hợp pháp hóa việc khai thác tài nguyên mà nhà vua và gia đình đã được hưởng lợi", giáo sư Bridget Welsh tại Đại học John Cabot nói.
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia tuần trước, quốc vương đã nhiều lần đề cập đến bản sắc Hồi giáo của Brunei.
"Là một quốc gia nhỏ, chúng ta luôn ưu tiên những lời cầu nguyện của chúng ta với Allah", vị sultan nói. "Điều này được thúc đẩy bởi triết lý quốc gia của chúng ta về Mã Lai, Hồi giáo, nền quân chủ (MIB) đã tồn tại ở đây từ hàng trăm năm trước".