Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết VAR nhiều khả năng sẽ được đưa vào thử nghiệm ở vòng 14 V.League 2019 nếu như được FIFA chấp nhận. Vì chi phí cao, nên VPF sẽ làm VAR lưu động.
VAR - Video Assistant Referee - đang trở nên cần thiết ở V.League sau khi giúp ích nhiều cho các trọng tài làm nhiệm vụ tại FIFA World Cup 2018. Gần hơn, bóng đá Thái Lan đã áp dụng VAR ở giải vô địch quốc gia Thai League, nên tính khả thi tại V.League cũng rất cao.
Trọng tài sẽ được hỗ trợ nhiều nếu VAR lưu động được áp dụng. Ảnh: Quang Thịnh. |
VAR kiểu con nhà nghèo
Ông Trần Anh Tú cho biết tham khảo công nghệ và cách làm VAR tại Thái Lan, nhưng nhận thấy khó có thể triển khai giống như vậy ở Việt Nam vì hạn chế về mặt kinh phí.
“VAR có nhiều phương án để triển khai. Làm như người Thái là có 4 phòng VAR, làm 4 trận cùng lúc nhưng kinh phí lớn. Còn World Cup khỏi nói, FIFA dùng từ 33 đến 48 máy quay và phòng vận hành, thì quá khủng khiếp rồi”, TGĐ Trần Anh Tú nói.
Để tối giản chi phí vận hành VAR, VPF và đối tác sẽ triển khai theo mô hình lưu động. Họ sẽ mua thiết bị công nghệ từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lên xe 16 chỗ với 8 màn hình, tương đương 8 máy quay. Xe sẽ di chuyển đến từng sân khi có trận đấu.
“VPF không có nhiều tiền nhưng quyết tâm thực hiện. Khả thi thì chúng tôi chuyển mô hình VAR trung tâm thành VAR đơn lẻ trên một hoặc 2 chiếc xe 16 chỗ. Nếu có 2 xe, mỗi miền sẽ có một xe, còn một xe thì ngoài Bắc sẽ có. Chi phí cũng cao để vận hành được VAR lưu động”, ông Tú bày tỏ.
Cũng theo lời ông TGĐ VPF, một xe VAR lưu động sẽ có 3 đến 4 người. Trong số này có 2 kỹ thuật viên và 2 trọng tài VAR. “Mình nghèo quá, có thể một trọng tài VAR thôi”, ông nói. Những cựu trọng tài, trọng tài có kinh nghiệm sẽ đảm nhận vai trò trong xe VAR lưu động.
TGĐ VPF ông Trần Anh Tú cho biết kinh phí làm VAR cho V.League rất hạn hẹp. Ảnh: Minh Chiến. |
VAR lưu động phải được FIFA công nhận
Yêu cầu kiểu "con nhà nghèo" khi chỉ có trọng tài VAR nhưng phải thao tác trên 8 màn hình. Làm sao để không mất quá nhiều thời gian liên lạc giữa VAR với trọng tài chính. Trọng tài VAR cũng phải là người nhạy bén, thông minh để tránh ngắt quãng trận đấu quá lâu khi nhận định, phân tích tình huống.
Đối tác của VPF chịu trách nhiệm hệ thống VAR lưu động. Sau khi lắp đặt và chạy thử, VPF sẽ thông qua Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mời giám sát của FIFA sang kiểm tra, đánh giá. Một khi được cơ quan này chấp thuận, VAR lưu động mới được vận hành.
Ông Trần Anh Tú cũng băn khoăn: “Chắc chắn khi dùng VAR phải thông qua FIFA, nhưng bây giờ chúng ta chưa có gì thì không thể nhờ họ đánh giá được. Nếu thuận lợi, VAR áp dụng từ vòng 14 nhưng trục trặc, phải điều chỉnh chậm hơn vài vòng cho phù hợp”.
FIFA chưa ghi nhận trường hợp nào dùng VAR lưu động như Việt Nam. Ảnh: FIFA. |
VAR từng được thử nghiệm, ứng dụng ở nhiều giải đấu cấp CLB lẫn ĐTQG. Hệ thống VAR đều nằm trong một phòng trung tâm điều khiển như tại World Cup 2018. Bóng đá thế giới chưa thấy xuất hiện hệ thống VAR lưu động như ở Việt Nam. Đây cũng là một điểm mới.
Mọi thứ đang được triển khai và đại diện các CLB đón nhận điều này một cách tích cực. Chắn chắn rằng ngay khi VAR lưu động thành hình sẽ được đại diện của FIFA góp ý để hoàn chỉnh phiên bản “con nhà nghèo” trước khi đưa vào ứng dụng. Nếu thành công, đó là mô hình tiết kiệm đáng học hỏi.
Còn bây giờ dù chưa có VAR, V.League 2019 cũng đã trôi qua 5 vòng đấu đầu tiên. Có những tình huống trọng tài không theo kịp như trên sân Bình Dương hay bỏ sót thẻ đỏ trong trận “đấu võ” giữa Hải Phòng với CLB Đà Nẵng. VAR lưu động chắc chắn đang được mong mỏi nhất lúc này.