Ông Anthony Banbury, quan chức đặc trách hoạt động ngăn chặn dịch Ebola của Liên Hiệp Quốc. Ảnh: AP |
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 2/10, ông Anthony Banbury, quan chức phụ trách hoạt động chống dịch sốt xuất huyết Ebola của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo rằng dịch càng kéo dài thì khả năng virus biến đổi sẽ càng cao, Telegraph đưa tin.
"Virus biến đổi để có khả năng lây nhiễm qua không khí là viễn cảnh tồi tệ nhất và rất khó xảy ra, song chúng ta không loại trừ khả năng đó", Banbury nói.
Banbury thừa nhận rằng cộng đồng quốc tế phản ứng "hơi chậm" khi dịch Ebola bùng phát, song ông cũng khẳng định thế giới vẫn còn cơ hội cứu vãn tình hình. Ông kêu gọi các chuyên gia y tế hành động quyết liệt và nhanh chóng hơn nữa để khống chế dịch.
Trước đó, giới chức Mỹ đã phát hiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên bên ngoài châu Phi. Đó là một người đàn ông nhiễm virus tại Liberia trước khi bay tới thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ.
Nhóm nhân viên an táng chuẩn bị bước vào nhà một bệnh nhân Ebola để lấy thi thể tại Sierra Leone hôm 28/9. Ảnh: Reuters |
Dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy sốt xuất huyết Ebola đã giết hơn 3.300 người trên hành tinh. Cứ sau 20 tới 30 ngày, số lượng người nhiễm virus tăng gấp đôi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dự đoán rằng, trong tình huống xấu nhất, số lượng người mắc Ebola có thể lên tới 1,4 triệu vào tháng 1 năm sau.
"Trong sự nghiệp đối phó thiên tai và chiến tranh, tôi chưa từng chứng kiến thứ gì nguy hiểm như dịch Ebola", Banbury, người làm việc cho Liên Hiệp Quốc từ năm 1988, thừa nhận.
Song Banbury nhấn mạnh rằng giờ đây Liên Hiệp Quốc đã có "ý chí chính trị" và nguồn nhân lực, vật lực cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của Ebola.
"Chúng tôi đã có ý chí chính trị và các nguồn lực. Giờ đây chúng ta phải thực hiện các biện pháp cần thiết. Tốc độ là yếu tố quan trọng nhất trong tình thế hiện nay. Chúng ta vẫn còn cơ hội để khống chế dịch", ông nói.