Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Virus corona Vũ Hán và một ngày 'nguy cấp'

WHO ban bố tình trạng khẩn khẩn cấp, các nước khẩn cấp sơ tán công dân trong khi các bệnh viện ở Trung Quốc kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp trước cảnh quá tải.

Toàn bộ những diễn biến trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp Vũ Hán ngày 30/1 có thể tóm gọn trong một từ "khẩn cấp".

Vào buổi sáng, Trung Quốc công bố đã có thêm 38 người tử vong vì chủng mới virus corona - mức cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc. Song đến sáng hôm sau, kỷ lục đó đã sụp đổ khi Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết 43 người khác đã không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong lên thành 213, hầu hết đều tại Hồ Bắc.

Tổng số ca bệnh tại Trung Quốc đại lục tính đến sáng 31/1 là 9.692, vượt xa số ca nhiễm trong đại dịch SARS năm 2002-2003, cướp đi sinh mạng của gần 800 người.

virus corona vu han anh 1

Nhân viên y tế trợ giúp một bệnh nhân ra khỏi xe cứu thương ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Lây lan và sơ tán

Tối 30/1 tại Geneve, ít giờ trước khi Trung Quốc công bố thống kê mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch viêm phổi cấp Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế".

Tuyên bố này được xem là lời cảnh báo của cơ quan y tế toàn cầu đến toàn bộ các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Các nước sau đó có thể chọn đóng cửa biên giới, hủy bỏ các chuyến bay, kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay cũng như các biện pháp khác.

WHO đề cao sự tin tưởng đối với Trung Quốc, khẳng định ban bố việc ban bố tình trạng khẩn cấp không phải là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Trung Quốc, ngược lại “WHO tiếp tục tin tưởng vào khả năng kiểm soát bùng phát dịch của Trung Quốc”. Trước đó, WHO đã từ chối đưa ra tuyên bố như vậy.

Không đợi đến tuyên bố của WHO, các nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, nhập cảnh, cũng như sơ tán công dân khỏi vùng dịch.

Mỹ đã đưa 200 công dân của nước này, bao gồm các viên chức ngoại giao, rời Vũ Hán bằng máy bay. Hôm 31/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép viên chức ngoại giao và gia đình họ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Quảng Châu rời Trung Quốc.

Washington cũng đưa ra khuyến cáo đi lại ở cấp 4, cấp cao nhất, yêu cầu công dân không đến Trung Quốc trong thời gian này.

virus corona vu han anh 2

Một máy bay chở công dân Mỹ từ Vũ Hán hạ cánh xuống California hôm 29/1. Ảnh: Reuters.

Pháp cũng đã điều máy bay quân sự đưa khoảng 250 công dân nước này rời Vũ Hán vào sáng sớm 31/1. Nhật Bản, Hàn Quốc đã sơ tán công dân của họ trong khi Anh, Australia, New Zealand và Canada đang sắp xếp các chuyến bay.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã xác nhận sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê bao để đưa cư dân Vũ Hán đang ở nước ngoài về nước.

"Cân nhắc những khó khăn mà công dân Trung Quốc đang gặp phải ở nước ngoài, đặc biệt là những người từ Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã quyết định dùng các chuyến bay thương mại để đưa họ về Vũ Hán càng sớm càng tốt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết hôm 31/1.

Trong khi đó, các ca bệnh tiếp tục được ghi nhận trên toàn thế giới với các trường hợp đầu tiên ở Ấn Độ, Philippines, Nepal, Campuchia, Sri Lanka, Phần Lan và Italy.

Tại Italy, chính phủ đã quyết định đình chỉ mọi chuyến bay đến Trung Quốc sau khi giới chức xác nhận 2 ca bệnh đầu tiên ở nước này, đều là du khách Trung Quốc. Cũng trong ngày, 6.000 người đã bị phong tỏa tạm thời trên một tàu viễn dương vì quan ngại rằng có người nhiễm virus trên khoang. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị bác bỏ và các hành khách được xuống tàu.

Các nước cũng có các biện pháp cứng rắn trong việc hạn chế luồng người di chuyển từ Trung Quốc khi hơn 120 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận ở 22 nước. Nga và Triều Tiên, hai láng giềng của Trung Quốc, đã tuyên bố đóng cửa biên giới.

"Chúng ta phải làm mọi thứ để bảo vệ người dân", Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói khi ra lệnh đóng cửa các cửa khẩu dọc phần biên giới vùng Viễn Đông.

virus corona vu han anh 3

Phun thuốc khử trùng tại Vũ Hán hôm 30/1. Ảnh: AFP/Getty.

Giận dữ và kiệt sức

Trong khi đó, tại ổ dịch Vũ Hán - nơi đã bị phong tỏa hơn một tuần qua, sự giận dữ và bức bối gia tăng trong khi các bệnh viện ở thành phố kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp trước cảnh vật tư y tế ngày một vơi đi.

Người thân của một bệnh nhân đã tấn công bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán, giật và làm hỏng khẩu trang, quần áo bảo hộ của bác sĩ, theo tin tức trên đài truyền hình CCTV hôm 30/1. Báo Beijing Youth Daily cho biết hai bác sĩ đã bị tấn công tại bệnh viện này, trong đó một người bị đe dọa và bị lột quần áo bảo hộ.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính quyền trung ương dường như đã tìm cách quy trách nhiệm cho các quan chức địa phương tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

CCTV phát sóng đoạn phóng sự cho thấy một đoàn kiểm tra trung ương hỏi các quan chức ở Hoàng Cương, một thành phố cách Vũ Hán khoảng 80 km, về số lượng giường họ đã dành riêng ra cho bệnh nhân virus corona. Khi hai quan chức y tế địa phương vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời, đoàn kiểm tra bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn.

Đoạn phóng sự nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc với hashtag "một câu hỏi, người không biết".

Bà Đường Chí Hồng, chủ nhiệm ủy ban y tế Hoàng Cương và là một trong những người được hỏi, đã bị cách chức ngay sau đó. Theo Global Times, bà đã gọi điện thoại khi được hỏi và nói có người khác chuyên trách chống dịch.

Các quan chức cho biết nguồn cung vật tư y tế đang ở mức thấp đáng báo động ở miền Trung Trung Quốc, mặc dù được cung cấp từ khắp nơi trên thế giới. Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán cho hay trên Weibo rằng thành phố đã nhận được 240.000 khẩu trang, 25.000 áo choàng bảo vệ và 4.000 cặp kính bảo hộ y tế từ nhóm cựu sinh viên ở Đức. Cộng đồng người Hoa ở Singapore đã gửi 75.000 khẩu trang y tế.

virus corona vu han anh 4

Một người kéo xe đẩy hàng hóa cho bệnh viện ở Vũ Hán hôm 29/1. Ảnh: Getty.

Hình ảnh được đăng lên mạng cho thấy các nhân viên bệnh viện, trong đó nhiều người vẫn còn mặc đồ bảo hộ, nằm lăn trên bàn và trên sàn nhà trong tình trạng kiệt sức.

Vũ Hán, Hoàng Cương cùng hơn chục thành phố ở Hồ Bắc, với tổng dân số hơn 50 triệu người, vẫn đang bị đặt trong tình trạng cách ly, hạn chế ra vào địa phương.

Phản ứng sau tuyên bố của WHO, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc "đủ tự tin và năng lực" để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch.

Với nhiều người dự kiến trở lại làm việc vào tuần tới sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, hiện không rõ liệu sẽ có thêm các biện pháp mới hay không, và nếu không, liệu điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự lây lan của virus chết người.

Những cách phòng ngừa virus corona không giống ai ở Trung Quốc Trong bối cảnh dịch virus corona đã giết chết ít nhất 213 người, người Trung Quốc không muốn mạo hiểm nữa. Họ đưa ra những cách phòng ngừa đặc biệt trong giai đoạn đặc biệt này.

Người đàn ông đeo khẩu trang nằm chết ngoài đường ở Vũ Hán

Một người đàn ông khoảng 60 tuổi được phát hiện đã chết trên đường phố vùng tâm dịch do virus corona mới gây ra ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Quan chức Hàng Châu: '30 người họp mà hết 11 người nhiễm bệnh rồi'

Thông tin từ quan chức thành phố Hàng Châu phản ánh tình hình nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra tại đây cũng như trên toàn Trung Quốc.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm