Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Virus corona 'ẩn mình' lây lan toàn cầu

Trong cuộc đua giữa lây nhiễm toàn cầu và các biện pháp kiểm tra dịch tễ ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới, chủng virus SARS-CoV-2 dường như đang dẫn trước con người.

Chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) từ ngôi chợ ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã bùng phát khắp thế giới.

Dịch bệnh tràn sang Hàn Quốc thông qua một siêu nhà thờ ở thành phố lớn thứ 4 của đất nước. Mầm bệnh "quá giang" một siêu du thuyền với hơn 3.700 người khiến số ca nhiễm tại Nhật Bản tăng vọt. Tại Italy, lây nhiễm bùng phát từ những thị trấn nhỏ. Ngược lại, dịch bệnh tại Iran khởi phát từ một trung tâm tôn giáo của người Shia và lan khắp Trung Đông.

Dịch virus corona (Covid-19) ập đến nhiều quốc gia đầy bất ngờ. Điểm bùng phát dịch bệnh mỗi nước mỗi khác. Có trường hợp không có liên hệ tâm dịch tại Trung Quốc. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia và giới chức y tế thế giới nhận định việc chặn đứng lây nhiễm đã trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.

Virus corona an minh lay lan anh 1

Nhân viên y tế Hungary kiểm tra sức khỏe một hành khách đến từ Italy. Ảnh: Bloomberg.

Nguy cơ từ những người mang triệu chứng nhẹ

Dịch bệnh tại Italy bắt đầu với một ca nhiễm virus corona được chẩn đoán và xét nghiệm chậm trễ vì bệnh nhân chưa từng đến Trung Quốc, hay thậm chí là tiếp xúc với bất kỳ ai xuất hiện triệu chứng.

Mỹ ngày 26/2 cũng phát hiện một bệnh nhân tại bang California dương tính với virus corona. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xác định đây là trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở nước này vì không thể tìm ra nguồn gốc lây nhiễm. Bệnh nhân không có liên hệ với các vùng bùng phát dịch ở nước ngoài.

Dịch bệnh bùng phát một cách gần như ngẫu nhiên. Tuần này, một ca nhiễm còn được phát hiện trong Vòng Cực Bắc. Lo sợ về bùng phát đại dịch toàn cầu gia tăng, đặc biệt khi virus đang lây lan nhanh hơn khả năng kiểm tra và phát hiện ca bệnh của các quốc gia.

Chủng virus mới đặc biệt đáng gờm vì người nhiễm và lây bệnh cho cộng đồng nhiều khả năng chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ như cúm thường, hoặc thậm chí không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Dịch bệnh lây nhiễm dễ dàng hơn với triệu chứng bệnh nhẹ hơn nhiều so với SARS hay Ebola. Trong khi đó, mức độc tính của chủng virus mới vẫn đủ để gây ra số ca tử vong cao hơn những loại bệnh khác có khả năng lây nhiễm cao, điển hình là cúm mùa.

Theo Nils Daulaire, chuyên gia tại Trường Y tế cộng đồng của T.H.Chan thuộc Đại học Harvard, cựu trợ lý chuyên trách các vấn đề toàn cầu cho Bộ trưởng Y tế và Nhân sinh Mỹ, những ca nhiễm nhẹ tại Iran, Hàn Quốc và Italy có thể đã góp phần gây nên chuỗi lây nhiễm "vô hình".

"Giờ đây, gần như chắc chắn dịch bệnh sẽ lan đến mọi nơi trên thế giới và ảnh hưởng tất cả quốc gia", Daulaire nhận định.

Virus corona an minh lay lan anh 2

Cơ sở cách ly trong một bệnh viện ở Turin, Italy. Ảnh: Zuma.

Bức tường phòng vệ mong manh

Hệ thống y tế khắp thế giới đã cải thiện đáng kể năng lực phát hiện và ứng phó bệnh lạ nhờ vào những bài học xương máu trong cuộc chiến với dịch SARS, virus Ebola và nhiều dịch cúm khác. Công nghệ mới được đầu tư. Phát triển thuốc điều trị và vaccine ngày một nhanh hơn. Tuy nhiên, đợt bùng phát của SARS-CoV-2 cho thấy bức tường phòng vệ này vẫn còn lỗ hổng.

Nhiều quốc gia không đủ nhân sự và công nghệ xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện dịch bệnh. Chẩn đoán và quy trình ứng phó với chủng virus mới xuất hiện bất cập. Nhiều ca nhiễm bị bỏ sót. Chỉ một vài quốc gia có bệnh viện được trang bị đủ giường, hệ thống thông khí và trang thiết bị để ứng phó với lượng bệnh nhân tăng đột biến.

"Cần phải thay đổi về cách tư duy. Liệu bạn có sẵn 100 giường bệnh để cách ly khi cần hay chưa? Bạn đã có bệnh viện với cả một khu vực riêng cho phép cô lập hay không", Bruce Aylward, nhà dịch tễ học kỳ cựu dẫn đầu nhóm đặc phái của WHO đến Trung Quốc chống Covid-19, đặt vấn đề.

Tuy nhiên, vấn đề của Covid-19 không chỉ dừng ở nguồn lực. Italy, nơi bùng phát dịch tại châu Âu, đã quyết liệt ngăn chặn lây nhiễm ngay từ đầu. Không chỉ sớm tiến hành kiểm tra sức khỏe du khách, Italy là nước đầu tiên trong Liên minh Châu Âu (EU) cấm chuyến bay đến từ Trung Quốc.

Dù vậy, SARS-CoV-2 vẫn lách được qua khe cửa hẹp: Bệnh viện tại Italy chỉ được yêu cầu xét nghiệm bệnh nhân có triệu chứng và từng đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với người nhiễm khác.

Mattia, 38 tuổi, nhân viên một cơ sở nghiên cứu cho Unilever sống ở Codogno, ngày 18/2 đến khám tại bệnh viện địa phương vì trong người không khỏe. Ông chưa từng đến Trung Quốc và không tiếp xúc với ai nhiễm bệnh. Theo đúng quy trình, bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh rồi cho ông về nhà.

Chỉ một ngày sau, Mattia nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Xét nghiệm cho thấy anh dương tính với virus. Vợ Mattia nói anh có gặp một người bạn trở về từ Trung Quốc nhưng kết quả xét nghiệm của người này âm tính.

Giới chức Italy khẩn trương ứng phó, cho kiểm tra những người Mattia từng gặp gỡ. Người dân Codogno và các thị trấn được yêu cầu không ra đường.

Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn. Dịch bệnh lan rộng. Người vợ đang mang thai, 6 thành viên đội bóng nghiệp dư của Mattia, cùng nhiều y bác sĩ và bệnh nhân tại bệnh viện địa phương đều nhiễm bệnh. Italy đến nay đã có hơn 800 ca nhiễm và 21 ca tử vong, trở thành quốc gia có nhiều ca bệnh Covid-19 nhất châu Âu và đe dọa lây lan toàn khu vực. Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte đối diện một trong những cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử đất nước.

Ít ai ngờ rằng dịch bệnh ở Italy khởi đầu ở thị trấn Codogno chứ không phải thành phố lớn như Milan. Giới chức y tế nước này vẫn chưa xác minh được bằng cách nào Mattia nhiễm bệnh. Kịch bản đặt ra là một hoặc nhiều người có triệu chứng nhẹ đã vô tình lây lan virus trong một thời gian dài, theo Massimo Galli, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco.

Virus corona an minh lay lan anh 3

Nhân viên y tế Iran phun thuốc khử trùng tại một thánh đường Hồi giáo ở Qom. Ảnh: AFP.

"Câu giờ" chờ thuốc chữa

Theo Wall Street Journal, sự phát triển về di chuyển và thương mại quốc tế đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh toàn cầu. Giao thông hàng không tăng gấp đôi kể từ năm 2003. Thương mại quốc tế năm 2018 đạt hơn 19.450 tỷ USD, vượt xa con số 7.590 tỷ USD vào năm 2003, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Năm 2003 cũng là thời điểm bùng phát một dịch bệnh khác trên quy mô toàn cầu và cũng liên quan đến họ virus corona: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay còn gọi tắt là SARS.

Thời điểm đó, có gần 8.100 người nhiễm và 774 ca tử vong vì SARS trên khắp thế giới. Trong khi đó, Covid-19 hiện đã ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm trên toàn cầu và hơn 2.800 người tử vong, chỉ hơn 2 tháng sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngày càng nhiều ca nhiễm mới có liên quan đến vùng Lombardy xuất hiện trên khắp châu Âu, từ Sicily đến Thụy Sĩ và quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Điều này làm dấy lên lo ngại đã quá muộn để ngăn chặn dịch bệnh lan khắp châu lục. Các nước láng giềng tuyên bố sẽ không đóng cửa biên giới, nhưng các chốt kiểm soát và những biện pháp phòng ngừa khác đang được tiến hành khẩn trương

Ủy ban Châu Âu (EC) yêu cầu mọi thành viên đánh giá lại kế hoạch ứng phó đại dịch, bao gồm những biện pháp truy vết lịch sử đi lại của người nhiễm bệnh. Các chuyên gia nhận định châu Âu khó lòng áp dụng lại chiến lược của Trung Quốc, điển hình là phong tỏa dân số trên diện rộng, vì mỗi quốc gia EU vẫn độc lập về chính sách ứng phó.

Theo Jeremy Farrar, giám đốc tổ chức nghiên cứu y tế Wellcome Trust, yếu tố then chốt trong "mặt trận" chống dịch ở châu Âu là duy trì khống chế quy mô lây nhiễm càng lâu càng tố. Điều này sẽ cho các nhà nghiên cứu thêm thời gian để thử nghiệm biện pháp điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là tránh xảy ra "dịch chồng dịch" với mùa cúm ở khu vực.

"Hệ thống y tế châu Âu không còn dư dả nguồn lực để đối phó", ông cảnh báo.

5 quốc gia, 5 cuộc đua chống lại virus corona Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện có nhiều trường hợp lây nhiễm hơn ngoài Trung Quốc như Iran, Hàn Quốc và Italy và đồng thời kêu gọi thế giới chuẩn bị đối phó với Covid-19.

Bệnh nhân nhiễm virus corona nhổ nước bọt vào mặt y tá ở Hàn Quốc

Tại tâm dịch Daegu, Hàn Quốc, một bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới đã nhổ nước bọt vào mặt nhân viên y tế đang hỗ trợ đưa người này đến bệnh viện.

Hơn 800 ca nhiễm mới trong một ngày, Hàn Quốc khuyến cáo dân ở nhà

Con số 813 ca nhiễm mới được ghi nhận tại Hàn Quốc hôm 28/2 đã cao gần gấp đôi so với mức tăng 427 ca nhiễm mới được Trung Quốc báo cáo sáng cùng ngày.

Số người nhiễm virus corona tại Italy lên tới 821

Giới chức y tế Italy đêm 28/2 công bố số ca nhiễm virus corona tại nước này lên tới 821, và 21 trường hợp được ghi nhận tử vong.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm