Tập đoàn Masan vừa công bố sơ bộ tình hình kinh doanh của tập đoàn và các công ty thành viên trong quý I/2020. Trong đó, lần đầu tiên những chỉ số tài chính của 2 chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ được hé lộ sau thương vụ sáp nhập.
Cụ thể, trong quý đầu tiên hoạt động dưới mô hình của Masan, VinCommerce (công ty mẹ của VinMart, VinMart+) ghi nhận 8.709 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, đà tăng chủ yếu đến từ việc tăng trưởng doanh số bán hàng trên cùng cửa hàng tại Hà Nội, và các thành phố cấp 1, 2. Bên cạnh đó, doanh thu tăng thêm được đóng góp từ việc khai trương 27 siêu thị VinMart và 1.192 cửa hàng VinMart+ trong năm 2019.
Không chia sẻ con số lợi nhuận cụ thể, Masan cho biết biên Ebitda (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của công ty này tăng thêm 5% so với quý liền trước (IV/2019) nhờ tăng hiệu suất nhân viên tại cửa hàng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp, và tăng doanh thu trung bình trên mỗi m2.
Với tình hình kinh doanh cụ thể chuỗi siêu thị VinMart, Masan đã đóng cửa 2 siêu thị và mở thêm 1 siêu thị mới trong quý I.
Tình hình kinh doanh của VinMart và VinMart+ lần đầu được công bố sau sáp nhập. Ảnh: L.H. |
Trong đó, công ty này tập trung vào việc định vị lại giá trị và thương hiệu, làm mới danh mục sản phẩm và thiết kế phương thức đo lường hiệu quả các mặt bằng mới.
Kết quả, doanh thu bán lẻ của chuỗi siêu thị này đã tăng trưởng 27% trong quý vừa qua. Trong đó, doanh số bán hàng tại các cửa hàng ở Hà Nội đã tăng 13%. Tuy vậy, các cửa hàng VinMart tại hệ thống Vincom Retail bị giảm giờ hoạt động do các trung tâm thương mại phải đóng cửa trong dịch COVID-19.
Biên lợi nhuận gộp của chuỗi này được cải thiện do biên doanh thu trên giá vốn tốt hơn khi giảm tỷ trọng doanh thu bán sỉ và đạt được chính sách mua hàng thuận lợi hơn với nhà cung cấp. Với lợi nhuận, biên Ebitda tại cửa hàng tăng nhờ biên lợi nhuận gộp và doanh thu tăng. Tuy vậy, Masan không chia sẻ con số cụ thể.
Với chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+, Masan đã giảm tốc độ mở rộng khi khai trương 26 cửa hàng và đóng cửa 48 cửa hàng trong 3 tháng đầu năm. Tuy vậy, doanh thu bán lẻ của chuỗi này vẫn tăng 90% so với cùng kỳ.
Trong đó, số tăng chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh khả quan tại khu vực Hà Nội. Các cửa hàng tại thành phố cấp 1 cũng đạt kết quả tích cực với tăng trưởng doanh số tăng thêm 12% mỗi cửa hàng.
Ba tháng đầu năm nay là quý đầu tiên VinMart và VinMart+ hoạt động dưới mô hình quản trị của Masan sau khi tập đoàn này nhận sáp nhập từ Vingroup. Theo kế hoạch trình nhà đầu tư hồi đầu năm, Masan dự kiến VinCommerce sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng năm nay, tăng 64% so với năm 2019.
Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart+ hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020.
Ngoài ra, thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu.
Công ty này dự kiến sẽ mở mới 20-30 siêu thị VinMart và 300-500 cửa hàng VinMart+ trong năm. Ở chiều ngược lại, Masan sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Về mức sinh lời, Masan đặt mục tiêu đưa Ebitda năm 2020 của chuỗi này về điểm hòa vốn (đầu năm là -3%).